Giao diện của nhac.vui.vn, một trong các website nghe nhạc trực tuyến có lượng truy cập cao nhất hiện nay.

Manh nha xuất hiện từ những ngày đầu công nghệ ADSL được triển khai, nhưng phải tới đầu năm 2007 thì nhạc số trực tuyến Việt Nam mới thực sự bùng nổ, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT. Nhưng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là những mảng màu không mấy tươi sáng.

Đua nhau mở site nghe nhạc trực tuyến

Theo giới webmaster, sở dĩ các site nhạc “hút khách” là vì âm nhạc có giá trị tái sử dụng (return value - một thước đo chất lượng website) cao. Với tin tức, người đọc thường chỉ đọc một lần, nhưng một bản nhạc hay có thể khiến một người tìm nghe hàng chục, hàng trăm lần. Thêm vào đó, âm nhạc cũng là thứ có sẵn, chỉ cần chuyển đổi thành định dạng phù hợp là có thể tung lên mạng, không cần đầu tư quá nhiều công sức, trí tuệ như với tin tức.

Nhu cầu âm nhạc của cộng đồng mạng cũng rất cao. Tất cả các website âm nhạc mới ra đời đều được đón nhận nhiệt tình. Với hạ tầng tốt, cơ sở dữ liệu phong phú và marketing mạnh, các website nhạc trực tuyến mới ra mắt như nhac.vui.vn, mp3.zing.vn đều có biểu đồ tăng trưởng theo đường thẳng đứng và tiệm cận top 10 website tiếng Việt chỉ trong vòng vài tháng. Những website nhạc có sự tăng trưởng “nóng” tương tự có thể kể đến baamboo.com, sonic.vn...

Nhận thấy sức hấp dẫn của loại hình nội dung số này, hàng loạt công ty, nhóm phát triển và cá nhân nhảy vào cuộc, liên tục ra mắt các website nhạc trực tuyến. Những website ban đầu vốn chẳng liên quan gì đến âm nhạc cũng mở thêm mục nghe nhạc trực tuyến. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, con số này có thể lên tới hàng trăm. Và trong số 100 website hàng đầu Việt Nam theo đánh giá của Alexa, có không dưới 30 trang âm nhạc.

Mê cung bản quyền và những tuyệt chiêu lách - né

Ngược với vẻ ngoài hào nhoáng và sự bùng nổ về số lượng của nhạc số trực tuyến, tình hình kinh doanh của các website này là không mấy khả quan, lợi nhuận thường là con số âm. Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty Vietway, cơ quan chủ quản của sonic.vn, than thở: “Các hệ thống nhạc số trực tuyến trên thế giới như iTunes, Yahoo! Music, Napster… thu được từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD mỗi năm, còn con số này ở Việt Nam là 0 đồng, vì đã ai thu được cắc bạc nào từ dịch vụ nhạc số đâu?

Theo ông Sơn, có 3 lý do khiến dịch vụ nhạc số trực tuyến trở nên “có tiếng mà không có miếng”, chỉ phát triển được bề nổi. Thứ nhất, Việt Nam chưa có công cụ thanh toán trực tuyến. Gần đây có hình thức thanh toán qua tin nhắn SMS, nhưng chi phí quá cao cho việc thuê đầu số và đầu tư hạ tầng khiến khoản “rơi vãi” lên đến 50%, rất thiếu hiệu quả. Thứ hai, ý thức về bản quyền của dân mạng là chưa cao, luôn nghĩ rằng mạng đồng nghĩa với miễn phí và không sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ nhạc số. Thói quen này không thể thay đổi một sớm một chiều. Thứ ba, hành lang pháp lý cho vấn đề bản quyền chưa rõ ràng. Trên một tác phẩm có quyền tác giả và các quyền liên quan như ca sĩ, hòa âm phối khí, ghi âm... Với những ca sĩ kiêm nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa hát, vừa bỏ tiền túi ghi âm làm CD như Duy Mạnh, Lương Bằng Quang thì tất cả mọi quyền quy về một đối tượng, nhưng những trường hợp như vậy rất hiếm. Trường hợp khác, một ca sĩ bỏ tiền mua độc quyền một bài hát, thì lúc này doanh nghiệp làm nhạc số phải liên hệ với 2 đối tượng: ca sĩ và trung tâm phát hành băng nhạc. Tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều nếu ca sĩ được quản lý bởi một công ty giải trí, còn bài hát do một nhạc sĩ phổ thơ của một nhà thơ, được phối khí bởi một nhạc sĩ khác...

Vấn đề bản quyền phức tạp và rối rắm như vậy nên nhiều công ty và nhóm phát triển chọn giải pháp... lách. Có 2 cách thường được áp dụng. Một là mua bản quyền một số bài hát rồi trộn những bài hát có bản quyền lẫn với những bài chưa có. Rất khó để phát hiện thủ thuật này bởi mỗi website có hàng nghìn bản nhạc, lọc ra những bài chưa có bản quyền cũng giống như... cô Tấm nhặt thóc trộn gạo. Một biến tấu khác của kiểu lách này là cứ... đăng bài hát thoải mái, kèm theo chính sách “xin vui lòng liên hệ để nhận bản quyền”, nhạc sĩ hoặc ca sĩ thấy bài hát của mình được post lên website phải liên hệ để đòi tiền bản quyền và số tiền họ nhận được là do thỏa thuận giữa đôi bên, còn không phát hiện ra thì... thôi.

Cách thứ hai là lập những website nhạc số “lậu” 100% nhưng không cho phép người dùng browse (xem bằng trình duyệt) mà chỉ để phục vụ cho cái gọi là “công cụ tìm kiếm media” của doanh nghiệp đó. Chỉ cần dùng công cụ theo dõi gói thông tin đi và đến từ các site "tìm kiếm" này sẽ thấy, phần lớn các tệp tin đến từ những IP hoặc địa chỉ mạng không thể duyệt theo cách thông thường.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những website nhạc "lậu" hoạt động công khai, post nhạc thoải mái và không hề trả 1 xu quyền tác giả. Những trang web này chiếm số đông và cũng có truy cập rất cao. Nhiều website nhạc “lậu” thậm chí còn không lưu file nhạc trên host của mình mà dùng biện pháp hotlinking (nhúng file của các site khác vào trang của mình - một hành động "mượn" băng thông).

Tình trạng các website nhạc “lậu” và “nửa lậu” phát triển rầm rộ khiến giám đốc một dịch vụ nhạc số trực tuyến có bản quyền (xin được giấu tên) phải thốt lên: “Tôi không ngại những rắc rối của vấn bản đề bản quyền. Nhưng trong một sân chơi chung có 100 ông, 1 - 2 ông theo luật, còn 98 - 99 ông phá luật, trong khi những người làm luật và bảo vệ luật lại không có chế tài với những ông phá luật, thì chỉ rốt cuộc chỉ có ông theo luật chịu thiệt”. Vì lẽ đó, sẽ là quá sớm khi mơ đến ngày Việt Nam có một kho nhạc số trực tuyến tầm cỡ, làm ăn nghiêm túc và có lãi như kiểu iTunes.

(theo VTC)




Bình luận

  • TTCN (0)