Giao diện trang tìm kiếm bằng tiếng Trung. Ảnh: Internet.

Gã khổng lồ tìm kiếm trên mạng Google Inc ngày 9/7 nói rằng Trung Quốc đã cho phép Google tiếp tục duy trì hoạt động trang tìm kiếm trên mạng bằng tiếng Trung, giải quyết được vấn đề tranh chấp về kiểm duyệt mà có thể đe dọa tương lai của hãng này tại thị trường Internet lớn nhất trên thế giới.

Ông Ted Dean, Chủ tịch hãng tư vấn kinh doanh BDA có trụ sở ở Bắc Kinh, nói rằng: "Đây là một tin tức tốt lành cho người tiêu dùng Trung Quốc và ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc là Google vẫn tiếp tục ở lại nước này dưới một số hình thức."

Tin tức nói trên đã khiến giá cổ phiếu của Google tăng 2%. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng vị trí của Google tại Trung Quốc vẫn còn "mong manh."

Vào tháng Giêng năm nay, Google đã làm bối rối các nhà cầm quyền Bắc Kinh khi lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới về sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc và cáo buộc các tin tặc của nước này thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Google và các công ty khác của Mỹ. Google cũng tuyên bố sẽ không cung cấp các kết quả tìm kiếm bị kiểm duyệt.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên đã dịu lại trong thời gian gần đây. Tuần trước, Google đã đề nghị một thỏa hiệp với Bắc Kinh, đó là hãng này tự động ngưng việc chuyển trang google.cn sang một trang tìm kiếm không bị kiểm duyệt đặt tại Hongkong. Thay vào đó, những người truy cập trang google.cn sẽ phải nhấp chuột thêm một lần nữa để truy cập vào trang tìm kiếm ở Hongkong.

Các nhà phân tích ước đoán doanh thu của Google ở Trung Quốc dao động khoảng từ 300-600 triệu USD - một phần nhỏ trong tổng doanh thu trị giá 24 tỷ USD của hãng này. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng lâu dài của Trung Quốc được coi là chìa khóa đối với Google. Với gần 400 triệu người sử dụng, Trung Quốc có tỷ lệ truy cập Internet khoảng 25% với các cơ hội thị trường khổng lồ trong các lĩnh vực trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và tìm kiếm trên mạng.

Hiện nay, Google mới chỉ chiếm khoảng 30% trong thị phần tìm kiếm trị giá một tỷ USD ở Trung Quốc, kém nhiều so với thị phần của hãng tìm kiếm Baidu Inc của Trung Quốc.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)