Dù tuổi đời chỉ mới vài năm song các mạng xã hội như Facebook, Twitter đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng phổ biến toàn cầu, thu hút đông đảo người dùng và thậm chí còn "gây nghiện" cho không ít người trong số đó. Nhưng cũng chính vì vậy mà nơi đây trở thành một môi trường lí tưởng cho các loại mã độc lan truyền.
Theo khảo sát vừa được công bố tại Mĩ, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung chính là điểm đến tiêu tốn nhiều thời gian nhất của người dùng. Tương tự, mỗi ngày mạng xã hội Twitter cũng thực hiện hơn 800 triệu lượt tìm kiếm, nhiều hơn cả hai công cụ chuyên nghiệp là Bing và Yahoo cộng lại.
Giới hacker đã nhanh chóng đánh hơi thấy cơ hội vàng từ đây. Các cuộc tấn công được khởi động gần như ngay sau khi Facebook, Twitter tạo được chút tiếng tăm. Thậm chí đã có lần, hacker đột nhập thành công vào tài khoản admin của Giám đốc quản lí sản phẩm Twitter.
Nhiều đường link trên Facebook cũng biến thành nơi chứa chấp mã độc. Chỉ cần người dùng sơ ý click vào, họ đã tự rước địch vào nhà mà không hề hay biết. Nhiều người chủ quan rằng mạng xã hội là hình thái dịch vụ mới và do đó, tự ảo tưởng rằng mình sẽ được an toàn. Tuy nhiên theo cảnh báo của hãng bảo mật BitDefender, sự sành sỏi về công nghệ mới của giới tội phạm mạng bao giờ cũng vượt trước người dùng một bước.
Dưới đây là một số "mẹo" để bạn sử dụng Facebook, Twitter an toàn hơn:
1. Tránh xa các quán cà phê Internet: Không đăng nhập vào mạng xã hội với các link không an toàn, nếu bạn không muốn thông tin tài khoản của mình bị đánh cắp chỉ sau ít phút.
2. Chọn một mật khẩu mạnh: Một mật khẩu mạnh sẽ đảm bảo tài khoản của bạn có độ an toàn cao. Nhiều người thường nghĩ rằng họ có thể sử dụng các mật khẩu đơn giản cho các dịch vụ miễn phí. Nhưng trong thời đại công nghệ số, các dịch vụ này cũng sẽ có thể gây rắc rối cho bạn khi thông tin hồ sơ mạng xã hội của bạn rơi vào tay tin tặc hoặc những kẻ gửi thư rác (spammer). Chúng sẽ lợi dụng ngay từ những thông tin nhỏ nhất để gây phiền toái không đáng có cho bạn.
3. Cẩn thận với các đối tác của mạng xã hội ảo: Rất nhiều dịch vụ đã kí sinh trên sự phổ biến của Facebook và Twitter. Trong số này có nhiều dịch vụ "lành mạnh" nhưng cũng có không ít dịch vụ trá hình chuyên ăn cắp thông tin người dùng. Nên kiểm tra kĩ trước khi quyết định kết nối với các dịch vụ này.
4. Hãy thận trọng với các thông điệp trực tiếp: Hầu hết các cuộc tấn công lừa đảo trên Facebook, Twitter đến từ tin nhắn gửi trực tiếp từ tài khoản của bạn bè đã bị hack. Nếu nó có vẻ kì lạ và không đáng tin cậy thì bạn đừng mở và tránh click vào liên kết bên trong.
5. Thường xuyên theo dõi thông tin tại twitter.com/spam: Dịch vụ "Spam Watch" (theo dõi spam) được cung cấp bởi chính Twitter. Các nhân viên Twitter giám sát mạng 24/24h hàng ngày, cung cấp cho người dùng các bản cập nhật cũng như tư vấn liên tục về những trò gian lận mà người dùng cần biết.
Theo Vietnamnet
Bình luận
Bài này hay
Thanks nhiều nhé