Bắt đầu từ hè 2010, nhiều mẫu TV 3D đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam, điển hình trong đó có Samsung, LG và Sony. Do mới xuất hiện và chưa có nhiều người dùng vì giá thành quá cao mà nội dung phát lại hạn chế nên rất ít người dùng hiểu rõ ngọn ngành về chủng loại TV thế hệ mới này.

Kể từ khi bộ phim Avatar được chiếu tại rạp Vincom Hà Nội, người xem trong nước mới bắt đầu biết thế nào là phim 3D thực thụ. Nhưng đó là chiếu ở rạp, còn nếu muốn xem tại nhà thì sao? Chỉ có cách là tậu TV 3D về, nhưng không phải ai cũng biết về loại TV này.

Dựa trên cơ chế hoạt động của mắt

TV 3D thực ra là một khái niệm chỉ công nghệ cho phép người xem có thể thưởng thức tại nhà các chương trình truyền hình, phim truyện, game và các nội dung khác bằng 3D. Hình ảnh trên TV thông thường chỉ có 2 chiều (2D), còn trên TV 3D nó sẽ được bổ sung thêm một chiều nữa, đó là chiều sâu hình ảnh.

Cùng một hình ảnh nhưng TV 3D sẽ phát làm 2 và phát một cách đồng thời, một dành cho mắt phải và một dành cho mắt trái. Hai hình ảnh này sẽ lồng vào nhau. Khi xem không có kính đặc dụng (kính 3D), bạn sẽ dễ dàng nhận ra hình ảnh bị trùng lặp. Còn khi xem có kính, hai ảnh này sẽ lồng khít vào nhau tạo thành một ảnh 3 chiều thống nhất.

Những hệ thống 3D đều dựa trên quy trình xử lí ảo có tên “thị giác lập phương”. Hai con mắt của người trưởng thành nằm cách nhau khoảng 7 cm tạo nên góc nhìn hơn khác biệt đối với mỗi vật thể. Tương tự như thế, 2 hình ảnh rời trên màn hình TV 3D đại diện cho 2 vật thể được nhìn từ góc khác nhau của mắt trái và phải. Khi 2 ảnh này được kết hợp lại làm một (nhờ sự trợ giúp của kính đặc dụng), chiều sâu của vật thể sẽ được tạo ra.

Những nhầm tưởng về TV 3D

Có sự liên tưởng khá nhầm lẫn đó là TV 3D chỉ phát được nội dung 3D. Thực tế không phải vậy. TV 3D vẫn phát được nội dung thường, nó thậm chí còn phát được DVD, truyền hình, và chơi game. Về mặt này, có thể coi TV 3D như một chiếc TV thông thường, chỉ vì phát được nội dung 3 chiều nên nó mới được gán cái tên TV 3D mà thôi.

Cũng liên quan tới trình chiếu nội dung, những chiếc TV 3D loại mới thường có khả năng chuyển đổi hình ảnh từ 2D lên 3D. Chính vì vậy, bạn vẫn có thể thưởng thức được hình ảnh 3D cho dù nội dung đó là 2D thông thường. Tuy nhiên, thời gian đầu khả năng chuyển đổi này vẫn còn nhiều yếu điểm, và bạn không thể mong chờ chất lượng sẽ tốt như xem 3D thực thụ.

Ảnh
Chiếc TV 3D đầu tiên của Samsung được giới thiệu tại Việt Nam hồi tháng 4/2010.

Khi nói tới TV 3D, người ta thường đề cập tới kính 3D và xem đó như một phần tất yếu. Quả thực, hầu hết các mẫu TV 3D hiện nay đều phải có kính đi kèm mới xem được 3D. Chẳng hạn như hồi tháng 4 vừa rồi, Samsung bán ra thị trường Việt Nam một số mẫu TV 3D và đi kèm với đó là kính đặc dụng. Chỉ riêng cặp kính này nếu mua lẻ cũng có giá 3 triệu đồng.

Còn loại TV 3D không cần kính hiện tại chưa được bán trên thị trường. Hồi đầu năm vừa rồi, hãng TCL cũng giới thiệu tại Việt Nam chủng loại TV này nhưng không công bố khi nào sẽ xuất xưởng. Theo dự đoán của các nhà sản xuất, phải đến năm 2015 thì người dùng mới được sở hữu loại TV này.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Viện nghiên cứu công nghệ ITRI (Đài Loan) đã cho ra mắt phiên bản TV 3D 42 inch mẫu không cần kính, và hiện đang trong quá trình sản xuất loại TV màn hình lớn hơn (65 inch). Tuy nhiên, ITRI cũng khẳng định phải mất 5 năm nữa thì các mẫu này mới thành thành phẩm.

Trong khi đó, Microsoft đang nghiên cứu một công nghệ theo dõi khuôn mặt có thể triển khai cho loại màn hình LCD đặc biệt. Công nghệ này sẽ giúp tạo ra hình ảnh 3D cho 2 người xem trong một căn phòng. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như nó chỉ có góc xem khoảng 40 độ (TV thường có góc xem 178 độ), và về bản chất nó giống hệ thống máy chiếu hơn là TV.

Có một điểm mà người dùng có thể chưa biết đó là họ không sử dụng được kính 3D tại rạp chiếu phim cho TV 3D ở nhà. Đơn giản là bởi chúng không tương thích với nhau. Phần lớn các rạp chiếu phim hiện nay đều sử dụng kính phân cực thụ động – nghĩa là hầu hết công việc chuyển đổi hình ảnh 3D tới mắt người là do máy chiếu đảm nhận chứ không phải do kính. Đó là lí do tại sao giá của loại kính này có thể chỉ ở mức 1 USD, trong khi giá của kính phân cực chủ động gấp khoảng 200 lần.

Vậy tại sao các nhà sản xuất lại không tối ưu TV 3D cho kính phân cực bị động để giảm thiểu chi phí cho người dùng? Thứ nhất, nếu làm như vậy thì giá thành TV 3D sẽ bị đẩy lên rất cao. Thứ hai là nó sẽ làm cho độ phân giải của TV giảm xuống rõ rệt. Hầu hết các loại TV 3D hiện nay đều có độ phân giải Full HD (1080p).

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (2)
ATK  1019

comeback

Theo mình TTCN nên có nhiều bài viết dạng thế này, nó có thể dùng để làm tư liệu và cũng giúp cho các newbie nhiều cái hay Smile

hoanghiephanu

rat hay,gi vong se co nhung bai moi hay nhu the nay.cong nghe phat trien manh,bien cai khong the thanh co the