Từ chuyện "đọc ý nghĩa" cái đảo mắt của cựu thống đốc Sarah Palin đến những scandal về chuyện kỳ thị sắc tộc, tất cả đều trở nên ầm ĩ nhờ "tay" truyền thông mạng.
Kẻ giật dây giấu mặt...
Hầu như chẳng có chứng cứ nào cho thấy cựu thống đốc Sarah Palin ghét giáo viên hay Andrew Breitbart - nhà báo điều hành trang web tin tức Breitbart.com - là người phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên gần đây, các báo mạng bắt đầu lan truyền hàng loạt bài viết về một số hành động "hằn học" của những nhân vật nổi tiếng này.
Hồi đầu tháng 8, xuất hiện đoạn phim có cảnh Palin đảo mắt nhìn một giáo viên giơ biểu ngữ phản đối trong một hoạt động của chiến dịch tranh cử. Đoạn phim đã châm ngòi cho những suy đoán ngớ ngẩn nhưng vẫn được lan truyền rộng rãi rằng vị cựu thống đốc xinh đẹp này vẫn âm thầm nuôi dưỡng thái độ khinh thị đối với toàn ngành giáo viên.
Còn trước đó, Breitbart cũng bị rất nhiều báo chỉ trích là bóp méo nội dung đoạn video ghi lại bài phát biểu của Shirley Sherrod, một nhân viên da màu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, về tình trạng kì thị chủng tộc tại hội nghị của NAACP (Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu).
Hành vi quy chụp - cả trong định kiến đối với Palin và Breitbart, cùng lời tố cáo âm mưu chống lại "tự do truyền thông" - đều đã bỏ qua "kẻ giật dây" giấu mặt gây ra vụ xì căng đan này: khuynh hướng tâm lý mạnh mẽ ủng hộ những nhà tư tưởng bóp méo sự thật một cách vô thức nhằm phù hợp với thành kiến sẵn có của chúng ta.
Khuynh hướng đó đã được phóng đại quá mức bởi báo chí mạng. Trên trang web, các nhà tư tưởng trên bao gồm cả nhà báo và nhà phê bình. Thực tế, cùng với trào lưu viết blog điều tra, chúng ta có thể sớm nhận thấy một tương lai về những "sự thật" thiên vị và dễ bị khích động.
Có thể gọi hành vi này là "nhận thức có động cơ" - khuynh hướng "nắn" những hiểu biết về sự thật của chúng ta cho phù hợp với mô hình hiện thực mà chúng ta mong muốn. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã tìm ra rằng khi xem cùng một đoạn video trận đấu bóng rổ, các fan hâm mộ chắc chắn sẽ tin rằng đội bạn phạm lỗi gấp đôi đội mình.
Lòng tin chính trị thậm chí còn nhạy cảm hơn. Nghiên cứu chỉ ra. khi các nhà tâm lý đưa cho người ủng hộ chính trị những sự thật đối lập với ý kiến của họ, những người này lại càng "sống chết" với lòng tin sẵn có của mình.
...và những ầm ĩ không đáng có
"Nhận thức có động cơ" có thể vừa là nguyên nhân khiến dẫn đến việc biên tập video "vụng về" của Breitbart, vừa tạo ra luận điệu rằng ông là người phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên để đánh giá đầy đủ hoàn cảnh tạo nên quan điểm sai lệch của Breitbart, chúng ta cần hiểu về lập trường chính trị của ông.
Breitbart vốn là một nhà bình luận cánh hữu, thường ủng hộ phe bảo thủ trong các cuộc tranh luận với đảng Dân chủ. Ông nhận được băng video về bài phát biểu của Sherrod ngay sau khi NAACP đưa ra luận điệu về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại phong trào Tea Party (đảng Trà - do những người bảo thủ thành lập ra - ND).
Đoạn video đã qua "dàn dựng" ghi lại cận cảnh khán giả cố ý cười vang khi Sherrod mô tả sự lưỡng lự ban đầu của cô khi giúp đỡ nông dân da trắng. Chỉ vậy cũng khiến Breitbart thấy đủ bằng chứng để lớn tiếng buộc tội Sherrod kỳ thị... người da trắng.
Trong phần video tiếp theo, Sherrod giải thích rằng cô đã vượt qua định kiến của mình. Nhưng trước khi xem đến đoạn đó, Breitbart vốn đã lựa chọn xong những chi tiết để củng cố thêm lý lẽ rằng NAACP và Sherrod là những người phân biệt chủng tộc. Ông còn trích dẫn tiếng cười của đám đông như minh chứng cho sự cố chấp của NAACP.
Hiện nay, nếu ở vị trí báo chí trung lập chính thống, một biên tập viên đã có thể bắt Breitbart phải đưa ra lời giải thích cẩn trọng về đoạn video, hoặc ít nhất phải ghép nó với lời thanh minh của Sherrod, bởi cô đã ngay lập tức giải thích rằng mình đã bị trích dẫn mà không có văn cảnh.
Tuy nhiên rất nhiều blogger đã không hề để ý đến tính nguyên vẹn của đoạn băng, và kết quả là sự lan truyền nhanh chóng của đoạn video đã khiến một người phụ nữ trong sáng bị sa thải.
Quay trở lại đoạn phim về Palin, con đường từ lời buộc tội thiếu căn cứ đến câu chuyện nóng hổi có vẻ đã được dọn sẵn từ trước. Trong đoạn video, Palin đã đảo mắt sau khi biết người phụ nữ cầm biểu ngữ kia là giáo viên. Gần như ngay lập tức xuất hiện trên Internet các tiêu đề báo: "Có phải Palin đảo mắt với nghề giáo viên?" và sự quan tâm của giới blogger đã khiến đoạn video trở nên cực "hot".
Thực tế, việc đảo mắt có thể là dấu hiệu của sự gây gổ. Tuy nhiên Paul Ekman, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, luôn luôn cảnh báo những người giải mã cử chỉ khuôn mặt nghiệp dư khi phỏng đoán nguyên nhân tạo ra một cảm xúc nhất định.
Thật lố bịch khi cho rằng Palin, hay bất kì chính trị gia nào, có thái độ khinh thường giáo viên. Họ có thể coi thường công đoàn giáo viên hoặc những giáo sư "đầu óc trên mây", nhưng khinh thường toàn bộ giáo viên thì thật khó tin.
Không may là việc phân tích sai các đoạn video lại có mối quan hệ lâu dài và mật thiết với mạng Internet. Trước khi sự việc liên quan đến Sherrod và Palin xảy ra, Bill O'Reilly, bình luận viên của Fox News, cũng đã từng bị chỉ trích về những nhận xét không phù hợp trong một chương trình năm 2007 về phép lịch sự của phần lớn các nhà hàng do người da đen quản lý tại khu Harlem.
Tương tự như đoạn video của Sherrod, điểm mấu chốt trong lời bình luận của O'Reilly xuất hiện vào cuối đoạn hội thoại khi ông thể hiện quan điểm riêng: nhà hàng này đã khiến ông phải thay đổi suy nghĩ rằng nhạc rap khiến người da trắng bắt chước người da đen.
Trong bài phân tích trên website của mình, Media Matter - một trung tâm thông tin và nghiên cứu phi lợi nhuận - đã bỏ qua phần bình luận đầy đủ của O'Reilly, từ đó châm ngòi cho câu chuyện giật gân đối với những độc giả không có thời gian nghe toàn bộ đoạn video dài 5 phút. Được khơi mào bởi những nguyên nhân có động cơ, phần đổ lỗi tiếp theo diễn ra đúng như dự đoán: O'Reilly buộc tội Media Matters xuyên tạc, còn Media Matter lại gán cho O'Reilly "danh hiệu" phân biệt chủng tộc.
Chỉ cần sẵn sàng đăng tải đầy đủ cuộc tranh luận, người ta đã có thể cứu dư luận khỏi một câu chuyện chia rẽ chính trị. Và nếu cộng đồng cũng như truyền thông mạng có thể tư duy khách quan, cẩn trọng (thay vì quy chụp "hội đồng"), hẳn chúng ta đã tránh được vô số vụ ầm ĩ không đáng có.
Theo Tuanvietnam (CNN)
Bình luận