Trong nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trước việc ngăn chặn thứ được ví như "ma túy số" - game online, một ’vòng kim cô’ mới đã được đưa ra với những điều khoản chặt chẽ đối với các nhà phát hành, game thủ và những quán Game-Net.
Siết chặt, quản mạnh
Với các yêu cầu: từ 1/9 tới, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải cắt dịch vụ tới các đại lý theo giờ quy định của địa phương (khoảng từ 23h - 6h sáng hôm sau), các nhà phát hành game phải tạm dừng thực hiện quảng cáo trò chơi trực tuyến dưới mọi hình thức; cơ quan chức năng sẽ tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mới về quản lý trò chơi trực tuyến... đây quả thật là một chuyện xưa nay hiếm bởi hình thức "cấm vận" mạnh tay đến mức này thì chỉ có game online là sản phẩm đầu tiên bị áp dụng.
Mặc dù nhận được nhiều phản ứng trái ngược nhau thì nội dung công văn này sẽ vẫn được thi hành triệt để và những quán Game-Net sẽ là những chủ thể đầu tiên chịu ảnh hưởng của "vòng kim cô" này.
Gần 2 tháng nay, anh Văn, chủ quán Game-Net trên đường Tạ Quang Bửu đứng ngồi không yên vì địa điểm anh đang mở quán quá gần trường học, phải tìm thuê địa điểm mới: "Biết tìm đâu ra địa điểm mới vì đây là nhà mình, mở ra lấy công làm lãi. Giờ công văn mới của Bộ thì cũng phải thực hiện theo thôi nhưng chắc sẽ tìm thuê nhà tập thể nào đó trên tầng để đảm bảo khoảng cách... 200m mà vẫn gần địa điểm hút khách".
Quả thực, số lượng quán Game-Net mở ra trong 7 năm trở lại đây cùng cao trào game online du nhập vào Việt Nam là một con số không nhỏ. Thực tế cũng cho thấy, hầu như chỉ những địa điểm gần trường học thì mới đông khách,.
Theo cách tính của anh Văn, 200m cách trường học theo Bộ quy định không ghi rõ là đường thẳng hay đường bộ và do đó nếu tính đúng thì thay vì ra xa vừa khó tìm địa điểm, giá cao, cứ nhà tập thể, chung cư cũ quanh khu vực thuê lại ổn.
Cùng chung quan điểm "lên tầng cao" với anh Văn, chị Hà một chủ phòng Game-Net gần 30 máy cũng cho biết: "Quán vừa được nhượng lại của ông anh họ, vừa phải đầu tư gần như mới, giờ mà chuyển chỗ là kéo theo bao nhiêu rắc rối vì mới quen khách. Thôi thì đành ’du kích’ vào các khu nhà tập thể, vừa đỡ bị cơ quan quản lý chú ý, vừa dễ tìm nhà thuê".
Về phía game thủ, ngay khi có thông tin về quy định mới, phản ứng chia làm hai thái cực, một là phản đối và hai là tỏ ra bàng quan. Hải, một game thủ chia sẻ: "Cấm quán net thì dễ chứ cấm người chơi như bọn em thì khó lắm. Chặn game trong nước thì bọn em chơi game server nước ngoài hoặc không em rút về nhà chơi".
Việc bắt buộc các ISP cắt đường truyền Internet sau 23h cũng là một điểm trong nghị định siết chặt. Tuy nhiên, nếu như các quán Game-Net bàng hoàng thì các quán điện tử console PS3 lại khá bàng quan. Tùng, chủ một quán điện tử máy PS3 cho biết:" Khách chơi game PS3 chủ yếu là đá bóng và một số trò chơi đối kháng, không cần thiết phải có đường truyền tốc độ cao nên chỉ cần đăng ký Internet gói người dùng cá nhân là đủ".
Trò chơi trực tuyến đòi hỏi đường truyền tốc độ cao và do đó các quán Game-Net cũng có một đối sách khác bằng cách thuê bao nhiều đường truyền. "Việt Nam có 5, 6 ISP, mỗi nhà cung cấp lắp một đường, cắt đường này thì lại chuyển sang đường khác", một chủ quán net giấu tên tuyên bố.
Đứng ở góc độ nhà phát hành game, hiện tại các tên tuổi lớn như VTC, VinaGame đều đã dừng việc đăng ký xin cấp phép trò chơi mới. Song song với đó thì từ đầu năm tới giờ đã có tới 11 tựa game trực tuyến được đưa ra thông báo đóng cửa. Số lượng đầu game trực tuyến hiện nay trên thị trường theo đánh giá là đủ cung ứng cho nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với việc 6 tháng ngưng cấp phép và cấm quảng cáo, xem ra những nỗi lo về doanh thu không phải không ám ảnh các nhà phát hành.
Nhưng, bên cạnh đó vẫn xuất hiện những gương mặt "lách luật" đến từ nước ngoài. Vì trò chơi trực tuyến không giới hạn việc kết nối nên các nhà phát hành ngoại vẫn thỏa sức tung ra các bản game mới cùng với đó là việc bán thẻ tài khoản qua các hệ thống giao dịch trực tuyến. Game thủ có thể mua thẻ bằng cách nạp tin nhắn hoặc trả bằng thẻ tín dụng và qua đó vẫn có thể tương tác với các trò chơi trực tuyến từ nước ngoài này.
Hướng tới một bài toán quản lý hài hòa
Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái trong việc quản lý và ngăn chặn các tệ nạn phát sinh từ Internet - Game online. Đơn cử có thể kể đến các cao trào như việc khách hàng phải xuất trình chứng minh thư trước khi vào quán Net, luật 5h chơi đối với game online... Tuy nhiên, do việc triển khai thiếu triệt để cùng hành lang pháp lý chặt chẽ khiến vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại mà không thể xử lý.
Có thể với nghị định mới áp dụng từ ngày 1/9 này, các quán Game-Net sẽ khép vào một vòng quản lý quy củ và chặt chẽ hơn. Nhưng về phía các cơ quan chủ quản, cũng cần xét tới các yếu tố hợp lý để tăng sức thuyết phục cho nghị định này.
Anh Thành Trung, quản lý băng thông của một ISP cho biết: "Về mặt giải pháp, việc cắt đường truyền của các đại lý là không có vấn đề gì. Tuy nhiên việc rà soát và kiểm tra từng đối tượng để phân biệt đâu là quán Game-Net, đâu là doanh nghiệp đang hoạt động chính quy cũng không phải là đơn giản, nhất là khi có nhiều ISP như hiện nay. Cắt đường truyền này, họ lại ’nhảy’ sang đường truyền khác và ISP cũ sẽ thất thu về mặt kinh doanh mà vẫn không ngăn được".
Còn một kỹ thuật viên giấu tên của nhà phát hành game cho biết: "Việc Bộ yêu cầu tắt máy chủ sau 23h là khó thực thi bởi server không phải là thiết bị bật tắt thường xuyên như máy tính thông thường. Hơn nữa, một cụm máy chủ đảm trách nhiều việc, không riêng gì là để hoạt động game online, có thể là để duy trì website, ứng dụng giải pháp doanh nghiệp cho các dịch vụ khác nền Internet. Nếu tắt máy chủ sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều dịch vụ khác và qua đó có thể thấy phương án này khó khả thi".
Thiết nghĩ, ngày 1/9 tới đây, khi chính thức được ban hành và áp dụng triệt để, nghị định mới về quản lý game online, dịch vụ Internet sẽ có những điểm hài hòa và hợp lý, đảm bảo việc bài trừ cái xấu ra khỏi dịch vụ trực tuyến cũng như đảm bảo một khung pháp lý vững chắc và ổn định.
Theo Vietnamnet
Bình luận
Rảnh
Còn rất nhiều việc cần phải làm thì không làm, sao các bác ấy có thể rảnh như thế nhỉ?????????????????????
Hài hước.
có lẽ chỉ có Việt Nam mới có cách quản lý hài hước như vậy thôi.
Không phải Em chê chứ Việt Nam mình...
Dù biết mỗi nhà mỗi cảnh nên không thể lấy những nước có ngành giải trí phát triển như Hàn Quốc hay Trung Quốc ra so sánh nhưng Việt Nam mình toàn ra những biện pháp tạm thời và đầy rẫy sự mâu thuẩn, bất cập, chán nản và buồn cho ngành giải trí cũng như sự "thiếu luật" cho ngành game online.
nhố nhăng
Cái khoảng cách 200m Bộ áp dụng cho game online cũng như karaoke ,tôi thấy không rõ ràng cũng như sự thuyết phục cho các hộ kinh doanh.
ví dụ như : 1 quán nằm gần cổng sau của 1 trường học ,cái cổng sau đó thì nằm trên 1 con phố khác song song với con phố có cổng chính , thì các bác ấy tính như nào .
Nếu hiểu rõ luật thì sẽ không thấy có gì nhố nhăng cả. Quy định 200m nghĩa là khoảng cách giữa bất kì điểm nào trong khuôn viên trường học với khoảng cách bất kì điểm nào của quán game đều không được dưới 200 mét.
Cái lí luận cổng trước cổng sau là của những người không hiểu luật thôi, và chẳng có giá trị nào cả.