Một vài năm lại đây Linux đã trở nên phổ biến và ngày càng dễ sử dụng với đa số người dùng. Sự phổ biến này càng được nhân rộng khi mà ngày càng có nhiều trường học, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng hệ điều hành Linux và các ứng dụng trên nền Linux trong công việc.

Với người dùng cá nhân và với cả với các tổ chức, doanh nghiệp việc khó nhất có lẽ không phải là làm sao để từ bỏ Windows, chuyển sang Linux mà là làm sao để chọn phiên bản, chính xác hơn là “nhánh” Linux nào phù hợp nhất với mình hay người dùng công ty mình. Bởi hiện nay có rất nhiều các “nhánh” Linux khác nhau như Redhat, Fedora, Ubuntu, SUSE …Ngay cả trong “nhánh” được đánh giá là phổ biến nhất hiện nay là Ubuntu cũng có rất nhiều “nhánh con” khác được phát triển để sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các nhân tố giúp bạn có thể phân tích và lựa chọn cho mình phiên bản Linux phù hợp nhất.

1. Kĩ năng

Nếu bạn, hay người dùng trong công ty ban chưa bao giờ sử dụng Linux thì có lẽ bạn nên nghĩ tới những phiên bản Linux có giao diện thân thiện, dễ dùng. Ubuntu là một trong những phiên bản Linux như thế. Bên cạnh Ubuntu, Fedora, Linux Mint và openSUSE cũng có giao diện khá thân thiện và dễ dàng sử dụng trong công việc. Đây có thể là một trong những lựa chọn tốt cho bạn.

Bạn cũng lưu ý nên tránh các phiên bản đang ở giai đoạn alpha, beta hay RC vì nhiều khả năng các phiên bản này chưa được ổn định.

2. Lĩnh vực

Nếu công việc của bạn tập trung vào một lĩnh vực nào đó thì bạn nên xem qua tất cả các “nhánh con” của Ubuntu. Bởi phiên bản này có rất nhiều “nhánh con” hỗ trợ các công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ Edubuntu được phát triển để sử dụng cho các máy trong trường học, UbuntuScience cho công việc nghiên cứu khoa học,

3. Hỗ trợ

Mỗi phiên bản Linux đều có những cộng đồng online, nơi bạn có thể nhận được những trợ giúp, hướng dẫn khi gặp vấn đề. Chính vì vậy trước khi chọn cài một phiên bản Linux, bạn cũng nên ghé thăm, tìm hiểu về các diễn đàn này. Bởi vì có những phiên bản Linux có cộng đồng online đông đảo và hữu ích hơn những phiên bản khác.

Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy không phù hợp với những hỗ trợ kiểu này thì bạn có thể mua các phiên bản Linux phải trả phí bởi đi kèm với đó là hỗ trợ kĩ thuật từ các nhà phân phối. Red Hat Enterprise Linux và SUSE Linux Enterprise Desktop (còn được biết đến với cái tên Novell Linux Desktop) là hai nhà phân phối Linux hàng đầu phân phối các phiên bản Linux trả phí kèm hỗ trợ.

4. Phần cứng

Một trong những ưu điểm của Linux là khả năng chạy tốt trên những phần cứng cũ. Không giống như Windows, Linux không đòi hỏi nhiều về cấu hình. Chính vì vậy nếu bạn sở hữu phần cứng khá cũ thì Linux là một lựa chọn tốt. Đặc biệt với những chiếc máy bàn có tài nguyên “khiêm tốn” thì phiên bản XUbuntu và Debian XFCE có thể sẽ rất hữu ích.

Trong trường hợp sở hữu những chiếc máy tính mới với cấu hình mạnh thì bạn vẫn phải chọn phiên bản Linux để tương thích và hỗ trợ các thiết bị ngoại vi. Ví dụ như bạn muốn kết nối đầu đọc thẻ, hay máy in với tính thì nên tìm hiểu trước xem phiên bản Linux bạn định chọn để xem nó có hỗ trợ các thiết bị này không. Trong số các phiên bản Linux thì Ubuntu là phiên bản tương thích với nhiều phần cứng và các thiết bị ngoại vi nhất.

5. Phần mềm

Nếu như bạn đang chạy những ứng dụng đặc biệt cần thiết cho công việc thì trước khi chuyển sang sử dụng Linux bạn phải lên kế hoạch chuyển đổi để công việc của bạn không bị ảnh hưởng. Trước hết bạn nên tìm phiên bản của ứng dụng đó chạy trên Linux hoặc các phần mềm có tính năng tương tự dành cho Linux. Bên cạnh đó bạn cũng nên chắc chắn rằng đã có những người khác đã hoặc đang sử dụng những phần mềm này trên phiên bản Linux mà bạn nhắm tới. Bởi như thế bạn sẽ chắc chắn được những việc mình đang làm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều tới công việc.

Sau khi phân tích các nhân tố trên nếu bạn vẫn còn cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn phiên bản Linux để sử dụng thì bạn có thể tham gia một số bài kiểm tra trên mạng để tìm ra xem phiên bản nào là tốt nhất với bạn. Hai bài kiểm tra (không có tiếng Việt) bạn có thể tham khảo là zegenie Studios Linux Distribution ChooserDistro chooser của trang web polishlinux.org.

Và ngay cả khi đã tìm ra phiên bản phù hợp bạn cũng không cần phải vội vã cài đặt ngay. Hãy dùng thử từ Live CD hay Live USB. Nếu bạn không thích, bạn có thể bỏ qua và không có gì xảy ra với máy tính của bạn cả. Nếu bạn thích, bạn có thể cài đặt và vẫn nên giữ lại hệ điều hành Windows đang sử dụng, bởi đôi khi bạn cần một thứ gì đó mà Linux không có, bạn vẫn có thể quay lại Windows. Bên cạnh đó bạn cũng nên có một cuốn sách tham khảo ở bên cạnh để có thể tra cứu khi cần thiết.

Cuối cùng hãy luôn nhớ rằng việc chọn phiên bản Linux là rất quan trọng. Nếu cảm thấy chưa phù hợp với lựa chọn đầu tiên, hãy thử chọn phiên bản khác bởi có rất nhiều, rất nhiều phiên bản khác nhau cho bạn chọn. Và đa phần tất cả đều miễn phí. Hãy thử tất cả những gì thế giới có.

Theo PC World



Bình luận

  • TTCN (0)