Sony NEX-5 trình diễn khả năng khử nhiễu bên cạnh hai đại diện của dòng máy Micro Four Thirds và DSLR

Thị trường máy ảnh ống kính rời không gương lật đang trở nên đặc biệt sôi động trong thời gian vừa qua bởi sự tham gia của nhiều thương hiệu khác nhau với những sản phẩm đình đám. Không chỉ gây ấn tượng mạnh bằng thiết kế bên ngoài bóng bẩy, bộ đôi Sony NEX-3/5 còn khiến nhiều tín đồ của DSLR và Micro Four Thirds cảm thấy ghen tỵ bởi chất lượng hình ảnh và tốc độ hoạt động quá "khủng" so với kích thước nhỏ gọn của máy.

Nhờ được trang bị cảm quang kích cỡ lớn APS-C và vi xử lý tiên tiến BIONZ, hai máy ảnh lai này thậm chí có khả năng tái tạo màu sắc và khử nhiễu ngang ngửa nhiều mẫu DSLR cao cấp trong môi trường thiếu sáng nghiêm trọng.

Bài thử nghiệm sau so sánh chất lượng ảnh chụp tại các mức nhạy sáng khác nhau từ ba model đại diện cho ba dòng máy ảnh ống kính rời tiêu biểu là Nikon D90 (DSLR), Olympus E-P2 (Micro Four Thirds) và Sony Alpha NEX-5 (dòng lai tạp giữa DSLR và Micro Four Thirds). File JPEG crop 100%. D90 sở hữu cảm quang có độ phân giải thấp nhất nên vùng ảnh test hơi rộng hơn một chút so với hai đối thủ còn lại. Các máy chụp bằng ống kit đi kèm, tiêu cự cố định tại 35mm quy đổi hệ máy phim. Tính năng tối ưu hóa dải tương phản không được kích hoạt do đây là nguyên nhân làm tăng nhiễu trên các vùng ảnh tối.

Ảnh
Ảnh của cả ba model đều rất sạch sẽ và mịn ở thiết lập nhạy sáng dưới ISO 400.

Tại các mức nhạy sáng dưới 400, cả ba model đều cho ảnh rất sạch và mịn. Sony NEX-5 không có lựa chọn ISO 100. Cân bằng trắng trên D90 làm màu sắc trên ảnh hơi ngả ấm một chút. Ống kit Zuiko 14-42mm của Olympus E-P2 cho độ nét tốt nhất trong cả ba máy. Người xem có thể nhận thấy rõ sự tách bạch của những cánh hoa màu đỏ so với lớp lá xanh làm nền và các vân song song trên mặt lọ hoa. Ảnh cho bởi Sony NEX-5 hơi mờ một chút nhưng không đáng lo ngại.

Ảnh
Mức nhạy sáng ISO 800 và ISO 1600.

Khi tăng nhạy sáng lên tới ISO 800 và 1600, ảnh cho bởi Olympus E-P2 mất đi sự sắc nét cần thiết do cơ chế khử nhiễu bắt đầu phát huy tác dụng. Khả năng tái hiện màu sắc và độ tương phản trên cả ba máy đều giảm sút. Tuy nhiên, Sony NEX-5 cho ảnh sắc nét và ít sạn nhất. Đối với D90 và E-P2, một số đốm nhiễu lấm tấm có thể nhận ra tại các vùng tối bên cạnh lọ hoa và mép phải trên cùng ảnh.

Ảnh
Mức nhạy sáng ISO 3200.

Tại thiết lập ISO 3200, lượng nhiễu tăng đột biến. Màu sắc trở nên rất xỉn với độ tương phản thấp. Ảnh của Olympus E-P2 tệ nhất trong cả ba model với một lượng lớn các đốm nhiễu to và thô. Các chi tiết nhỏ trên cánh hoa không còn nhận ra. Máy tái hiện không chính xác màu sắc, đặc biệt là sắc xanh của lá cây. Nikon D90 vẫn giữ được độ sắc nét ấn tượng do cơ chế khử nhiễu chỉ hoạt động ở mức trung bình. Tuy nhiên, trên các vùng ảnh tối thỉnh thoảng xuất hiện một số sạn lạ màu đen khiến người xem có cảm giác hơi tức mắt. Sony NEX-5 khử nhiễu tốt nhất trong cả ba máy. Các đốm nhiễu mịn chỉ có thể nhận ra tại vùng ảnh tối nằm ở mép bình hoa. Ảnh khá nét nhưng gam đỏ hơi bết so với Nikon D90.

Ảnh
Mức nhạy sáng ISO 6400

Khi nâng ISO lên ngưỡng 6400, ảnh cho bởi D90 trở nên xỉn một cách bất thường. Do sở hữu cảm quang nhỏ nhất trong ba model nên Olympus E-P2 dễ dàng bị đánh bại bởi hai "ông anh" đến từ Nikon và Sony. Sạn quá nhiều và thô khiến hầu hết các chi tiết bị mất. Các gam màu khá nhợt nhạt tạo cảm giác trộn lẫn lộn với nhau. Sony NEX-5 cho ảnh dễ xem nhất với các đốm nhiễu rất mịn, màu sắc tươi tắn và chi tiết tách bạch. Tuy nhiên, gam đỏ vẫn có xu hướng bết hơn D90 một chút.

Sony NEX-5 có thêm lựa chọn để nâng nhạy sáng lên mức ISO 12.800 trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ảnh rất mờ và nhợt do quá nhiều nhiễu nên chỉ có thể in được cỡ nhỏ.

Theo Số hoá



Bình luận

  • TTCN (0)