Rất nhiều sản phẩm nhăm nhe lật đổ iPad. Một trong những yếu tố được đánh giá sẽ giúp hạ bệ iPad là mức giá, và nó phải dưới 300 USD.
Samsung và Toshiba vừa tiết lộ những sản phẩm máy tính bảng tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (IFA) ở Berlin. Mục tiêu của hai đại gia này là giành thị phần từ chiếc iPad của Apple với những thiết bị kiểu “me-too” có mức giá thấp hơn.
Toshiba cho biết mức giá đề nghị cho chiếc máy tính bảng Folio 100 tại châu Âu là 399 euro (511 USD), thấp hơn 100 euro so với giá của iPad tại châu lục này. Còn giá của chiếc Galaxy Tab của Samsung, sẽ ra mắt tại châu Âu trong tháng tới, sẽ do các hãng điện thoại quyết định.
Tuy nhiên, theo Carolina Milanesi, giám đốc nghiên cứu của hãng Gartner ở Anh, những mức giá trên vẫn “chưa thấm vào đâu”. Theo bà, những chiếc máy tính bảng mới ra phải được bán ở mức giá dưới 300 USD để thu hút người dùng.
Apple đã bán được hơn 3 triệu iPad kể từ khi xuất hiện trên thị trường vào 3/4/2010. Hãng nghiên cứu iSuppli nhận định cho đến năm 2011 Apple sẽ không phải đối mặt với bất cứ sự cạnh tranh nào trên thị trường máy tính bảng và "Quả táo" sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường vào năm 2012. Họ dự đoán Apple sẽ có 61,7% thị phần vào năm 2012 về mặt doanh số; từ mức 74,1% hiện nay.
iSuppli cũng dự đoán rằng thị trường máy tính bảng sẽ phát triển gấp 5 lần từ nay cho đến năm 2012.
“Trăm người bán…”
Hiện nay, Research In Motion Ltd cũng đang lên kế hoạch ra mắt một chiếc máy tính bản có màn hình 9,7 inch, kết nối Wi-Fi vào tháng 11 tới. Nhà mạng Verizon Wireless (Mỹ) và Google cũng đã thảo luận về một chiếc máy tính bảng chạy trên phần mềm Android. Và mới tháng trước, Dell đã tung ra chiếc Streak 5 inch với giá 299 USD.
Sony, hãng điện tử Nhật Bản tuyên bố chưa quyết định gì về việc có nhảy vào “sân chơi” máy tính bảng. Kazuo Hirai, một chủ tịch của Sony, cho rằng hãng cần “một sản phẩm thật quyến rũ được số đông người tiêu dùng chấp nhận, chứ không phải là một sản phẩm kiểu "chạy theo mốt của thị trường" (me-too)”.
Hirai cho rằng có 23 công ty đang nhăm nhe đưa máy tính bảng ra thị trường, và một cuộc chiến giá là điều không thể tránh khỏi.
Samsung dự định sẽ bán sản phẩm thông qua các hãng viễn thông ở Mĩ, châu Âu, châu Á và Trung Quốc. Họ sẽ phối hợp mức giá với các hãng này và “chúng tôi đang đàm phán để đưa ra mức giá rất hấp dẫn và cạnh tranh”.
Với chiếc máy tính bảng 10,1 inch, kết nối wifi, Toshiba tham vọng sẽ giành được 20% thị phần trong năm tới. “Chẳng có gì bất hợp lí khi Toshiba hi vọng một mức thị phần khoảng 15-20% vào cuối năm 2011 tại châu Âu cả”, lãnh đạo Toshiba nói.
Nhất định chỉ được bán dưới 300 USD!
Giá cả là yếu tố quan trọng giúp các nhà sản xuất máy tính bảng chiếm lĩnh thị phần, song các hãng nghiên cứu cũng cảnh báo điều đó có thể sẽ khiến các hãng lâm vào tình thế “gậy ông đập lưng ông” nếu tỉ suất lợi nhuận không đủ cao để họ chạy đua với những cuộc chiến cập nhật công nghệ tiên tiến cho “đứa con yêu”.
Thách thức lớn nhất với các nhà sản xuất sản phẩm ăn theo thị hiếu (me-too producer) sẽ là nội dung, hệ điều hành, công nghệ tiên tiến và các linh kiện phần cứng khác. Nhiều hãng sẽ tìm kiếm và nhặt nhạnh các ứng dụng từ kho ứng dụng khổng lồ bên ngoài; trái với cách làm của Apple là nhắm tới những ứng dụng được thiết kế đặc biệt cho sản phẩm.
Gartner cho rằng để tránh phải giảm giá quá sâu, các hãng sản xuất có thể phải “chuyên biệt hoá” sản phẩm của họ, đặc biệt khi nhiều hãng cùng dựa vào Android của Google để làm hệ điều hành.
“Tất cả các máy tính bảng sẽ cùng xuất phát từ một hệ sinh thái, nên sự khác biệt sẽ trở nên khó khăn hơn”, Carolina Milanesi nói. “Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra với smartphone”.
Với nhiều công ty, cuộc cạnh tranh mới chỉ bắt đầu, Milanesi nói. “Cạnh tranh sẽ ngày càng khắc nghiệt trên thị trường máy tính bảng, đặc biệt khi các hãng Đài Loan và Trung Quốc nhảy vào”, bà nói và kết luận rằng, để thu hút khách hàng, máy tính bảng phải được bán ở mức giá dưới 300 USD.
Theo ICTnews (Bloomberg)
Bình luận