Được sự ủy thác của Hiệp hội Phần mềm kinh doanh (BSA), IDC tiến hành khảo sát, kết quả tỉ lệ vi phạm tác quyền trên toàn cầu tăng nhanh, dẫn đầu vẫn là các quốc gia như Việt Nam (85% phần mềm không có bản quyền), kế đến Ukraine (85%), Trung Quốc (79%) và Nga (67%). Tuy nhiên, vẫn có một số nước kiểm soát chính sách tốt như Mĩ chỉ có 20% phần mềm không có bản quyền, Thụy Điển và Bỉ là 25%, còn Anh khoảng 27%.

Nếu ngăn chặn phần mềm vi phạm tác quyền thì lợi ích mang lại là rất lớn. IDC nhận định vào năm 2013, nếu cắt giảm khiêm tốn khoảng 10% số lượng phần mềm vi phạm tác quyền trên toàn cầu, nền kinh tế thế giới có thể đạt 142 tỉ USD, gia tăng mức thuế thu được đạt 32 tỉ USD và tạo ra nửa triệu việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đơn cử ở Anh, nếu phần mềm vi phạm tác quyền giảm còn 10% vào năm 2013, nền kinh tế ở đây có thể đạt 8,3 tỉ USD, mức thuế thu đạt 1,5 tỉ USD và tạo 13.000 việc làm liên quan đến công nghệ cao. Ông Michala Wardell, Chủ tịch Hội đồng BSA tại Anh, nói việc hạn chế phần mềm vi phạm tác quyền sẽ giúp kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

BSA và IDC cho biết, 2 nước Nga và Trung Quốc đã có những bước tiến trong việc hạn chế mức độ vi phạm tác quyền, do đó mức tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm trong CNTT tiếp tục ổn định. Quan điểm của BSA cho rằng, để gia tăng phòng chống vi phạm tác quyền, các quốc gia trên thế giới cần tuân thủ theo Hiệp ước về bản quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu. Trong báo cáo cũng đề cập một thực tế là hầu hết quyền sở hữu trí tuệ có giá trị bị ăn cắp bản quyền đều xuất xứ từ các nước phát minh, ví dụ Mĩ.

Cũng theo BSA, gần đây họ đã đưa ra chiến dịch chống vi phạm bản quyền. Cụ thể cuối tuần vừa qua, BSA trao tiền thưởng trị giá khoảng 15.700 USD cho một chuyên viên CNTT vì kịp thời thông báo một công ty đang dùng phần mềm không có bản quyền.

Theo PC World VN (TechWorld)




Bình luận

  • TTCN (1)
Trần Ngọc Khải  40

Nhưng lợi ích của phần mềm lậu có thể > 51 tỉ USD nhiều đó chứ!