Trung bình mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao điện thoại cố định của VNPT ở Hà Nội ngừng hoạt động để chuyển sang dịch vụ điện thoại di động có mức cước hấp dẫn hơn.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp vào ngày 17/9, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc VNPT Hà Nội cho biết dịch vụ điện thoại cố định đang có xu hướng giảm nhanh cả về lượng thuê bao và doanh thu. Với VNPT Hà Nội, doanh thu từ mạng điện thoại cố định vài năm gần đây giảm trung bình trên 10% mỗi năm và tỉ lệ giảm đang có xu hướng tăng cao hơn.
Trong năm 2010, ông Hùng dự tính doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định của VNPT Hà Nội chỉ còn khoảng 1.170 tỉ đồng, giảm tới 13% so với năm 2009. Doanh thu dịch vụ điện thoại cố định của VNPT Hà Nội cũng giảm 10,6% (đạt 1.346 tỉ đồng) trong năm 2009 và giảm 10,3% trong năm 2008 (đạt 1.506 tỉ đồng).
Tính đến tháng 8/2010, VNPT có khoảng 1,5 triệu thuê bao điện thoại cố định và hữu tuyến ở Hà Nội, chiếm 85% thị phần. Nhưng h iện nay, theo ông Hùng, mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao điện thoại cố định của VNPT Hà Nội ngừng hoạt động để chuyển sang dùng dịch vụ điện thoại di động. “Trong tương lai, số thuê bao điện thoại cố định sẽ còn giảm nhiều hơn”, ông Hùng dự đoán.
Ông Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do cước điện thoại di động đang ngày càng giảm. Trong khi đó, chi phí để phát triển và duy trì một thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên nhưng lợi nhuận lại ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, chính sách cước kết nối giữa di động và cố định đang gây ra bất lợi cho dịch vụ điện thoại cố định. Cụ thể, với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho nhà mạng cố định 270 đồng/phút. Trong khi đó, nhà mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ điện thoại cố định sang mạng di động.
Với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ông Hùng cho rằng mạng điện thoại cố định của VNPT Hà Nội rất khó để duy trì được lợi nhuận đảm bảo cho việc tái đầu tư mở rộng mạng lưới. Vì vậy, ông Hùng đề nghị Bộ TT&TT có cơ chế điều tiết để tạo điều kiện cho dịch vụ điện thoại cố định phát triển bởi theo ông “mạng cố định băng rộng là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia”.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết VNPT Hà Nội đang gặp một số khó khăn liên quan đến việc ngầm hóa cáp và xây dựng hạ tầng viễn thông trên địa bàn như vấn đề thủ tục cấp phép đào đường, mở cống bể, xây dựng và lắp đặt trạm BTS. Đặc biệt, việc xây dựng trạm BTS thường xuyên bị cản trở từ phía người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc với VNPT Hà Nội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ nghiên cứu để sớm giải quyết vấn đề chính sách phát triển điện thoại cố định, điều chỉnh bất cập về giá cước kết nối viễn thông giữa mạng cố định và mạng di động. “Chủ trương sẽ là thống nhất (cước kết nối giữa di động và cố định) về cùng một giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho số đông khách hàng. Sự điều chỉnh này sẽ có lợi cho sự phát triển của mạng điện thoại cố định”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề trạm BTS, Bộ trưởng cho biết Bộ đã giao cho các đơn vị chức năng xây dựng quy hoạch và chính sách dùng chung trạm BTS, hướng dẫn chọn thiết bị trạm BTS đảm bảo mĩ quan đô thị, các quy định và chế tài bảo vệ trạm, và phát triển các doanh nghiệp chuyên môn hóa trong việc đầu tư xây dựng trạm BTS.
Theo ICTnews.
Bình luận
Nếu tính cả lượng thuê bao ADSL mới thì số lượng đường dây phát triên thêm đã tăng nhiều !
Bình luận bị ẩn