Doanh nghiệp cung cấp đường truyền than khó, cơ quan quản lý cấp phường và quận “xót tiền” thay cho đại lý dẫn đến việc các quán Internet vẫn “ngang nhiên” mở cửa sau 23h bất chấp quy định.
Số liệu doanh nghiệp báo cáo vênh với thực tế
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, đến nay, Sở đã nhận được báo cáo kết quả rà soát danh sách các đại lý Internet gần trường học dưới 200m của tất cả 29/29 phòng Văn hóa thông tin (VHTT) quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở tổng hợp số liệu thống kê của các phòng VHTT, Sở TT&TT đã 2 lần gửi công văn đề nghị các DN cung cấp dịch vụ Internet ngừng cung cấp đường truyền đối với các đại lý Internet gần trường học dưới 200m với tổng số 375 đại lý. Cũng theo đại diện Sở TT&TT, các DN cung cấp đường truyền Internet đã có báo cáo về Sở việc DN đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý các đại lý vi phạm, đã triển khai ngừng cung cấp dịch vụ đối với các đại lý Internet gần trường học dưới 200m, đồng thời ngắt tín hiệu đường truyền đối với tất cả các đại lý Internet trên địa bàn từ 23h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, từ ngày 15/9, sau khi có kết quả báo cáo thực hiện của các DN, Thanh tra Sở đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực tế việc các DN thực hiện theo chỉ đạo của Sở TT&TT. Tuy nhiên, kết quả báo cáo của các DN cung cấp đường truyền Internet trên địa bàn Hà Nội so với kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở TT&TT đã có sự “vênh nhau”.
Cụ thể là, đối với việc cắt đường truyền Internet của các đại lý Internet gần trường học dưới 200m, cho đến nay, một số DN vẫn chưa thực hiện cắt triệt để. “Qua thanh tra, chúng tôi còn phát hiện tình trạng, 1 DN cung cấp 2 đường truyền Internet (1 đường truyền cáp quang và 1 đường truyền cáp đồng) tới cùng 1 đại lý Internet và sau 23h đêm, DN chỉ thực hiện cắt đường truyền cáp quang nhưng không cắt tín hiệu đường truyền cáp đồng. Do đó, một số đại lý Internet vẫn cung cấp dịch vụ Internet bình thường sau 23h đêm, ví dụ như: đại lý 106 K3-Bách Khoa dùng 2 đường truyền của FPT; đại lý số 119 K3-Bách Khoa dùng 2 đường truyền MegaVNN…”, ông Minh nói.
Giải thích về tình trạng trên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom Bùi Hồng Yến cho biết, sở dĩ có tình trạng một số đại lý Internet vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau 23h đêm bằng tín hiệu đường truyền của FPT Telecom là do hiện nay, một số chủ đại lý Internet đăng ký gói đường truyền cá nhân dành cho hộ gia đình. Do điểm kinh doanh đại lý Internet trùng với địa điểm sinh hoạt của hộ gia đình nên các chủ đại lý này đã kéo đường ADSL dành cho hộ gia đình kết nối với phòng máy cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đây là một trong những khó khăn, bất cập đang được FPT Telecom quan tâm giải quyết.
Đại lý Internet “phớt lờ” quy định
21 giờ ngày 18/9, không khí tại hơn chục quán đại lý Internet nằm trên ngõ 48 Tạ Quang Bửu (K2, K3, K6 Bách Khoa) khá nhộn nhịp, trong đó có cả những điểm nằm trong “danh sách đen” các đại lý Internet cách trường học dưới 200m của Sở TT &TT Hà Nội như số 101B, 104, 106 K3 tập thể Bách Khoa. Khi phóng viên Báo BĐVN bước vào đại lý Internet 106K3 Bách Khoa, tại đây đang có khoảng 15 game thủ đang miệt mài chơi. 23h, dù đã đến giờ “giới nghiêm” nhưng quán Internet 106K3 Bách Khoa vẫn mở cửa.
Khi đồng hồ chỉ đến 23h30, chủ đại lý đã yêu cầu chúng tôi ra về vì quán chỉ mở đến giờ này. Thời điểm đó, mạng FPT của cửa hàng vẫn chưa hề bị cắt. Cũng thời gian này, tại ngõ 48 Tạ Quang Bửu, nhìn từ bên ngoài, các quán đều bắt đầu rục rịch đóng cửa giống như đại lý Internet 106K3 Bách Khoa. Tuy nhiên, theo quan sát thì đa số các đại lý đều chỉ ngừng hoạt động một cách “hình thức”, đóng cửa và người chơi ở bên trong vẫn tiếp tục “cày” bình thường. Để chứng minh, chúng tôi đã tìm đến một đại lý Internet “sáng đèn” gần đó ở địa chỉ 105 K6 tập thể Bách Khoa. Khi được hỏi liệu chúng tôi có thể chơi đến mấy giờ thì chủ quán cho biết: “Muốn chơi đến sáng cũng được”.
Để tiếp tục tìm hiểu thực tế việc thực hiện quy định ngừng hoạt động sau 23 giờ đêm của các đại lý Internet trên địa bàn Hà Nội, tối 20/9/2010, phóng viên Báo BĐVN đã quay trở lại ngõ 48 Tạ Quang Bửu. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đồng hồ đã chỉ 11h20 các đại lý Internet tại số 101, 103, 109 khu K2 và số 106, 107 nhà K3 tập thể Bách Khoa đều mở cửa, sáng đèn và vẫn cho khách tiếp tục chơi.
Nhận định tình hình triển khai thực hiện quyết định 15 của UBND thành phố quy định việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet tại các đại lý trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, ông Phạm Quốc Bản-Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh nhiều địa phương thực hiện tốt quy định thì cá biệt vẫn có cơ quan quản lý địa phương thực hiện kém, điển hình là quận Hai Bà Trưng. Gần 1 tháng kể từ thời điểm Sở yêu cầu chính thức dừng hoạt động với các đại lý Internet gần trường học dưới 200m, quận Hai Bà Trưng vẫn còn tới 20/21 đại lý tiếp tục hoạt động.
Theo lý giải của đại diện phòng VHTT quận Hai Bà Trưng, nguyên nhân của tình trạng hơn chục điểm đại lý gần trường học dưới 200m tại khu vực nhà K2,K3 tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng vẫn chưa đóng cửa, dừng hoạt động là vì Chủ tịch UBND và công an phường Bách Khoa đề nghị để cho các chủ đại lý này “từ từ”, bởi họ đã đầu tư tiền tỷ vào điểm kinh doanh dịch vụ Internet. Về vấn đề này, đại diện Sở TT&TT Hà Nội khẳng định việc lãnh đạo, công an phường Bách khoa cho phép các đại lý gần trường học dưới 200m “từ từ” trong việc thực hiện quy định của thành phố là không đúng và chưa thực hiện nghiêm các quy định tại quyết định 15 của UBND Thành phố.
Theo Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, lực lượng thanh tra đã phát hiện tình trạng các chủ đại lý Internet có sự liên kết, kéo đường truyền tín hiệu Internet từ đại lý chưa bị cắt sang các đại lý đã bị cắt để triển khai cung cấp dịch vụ sau thời gian quy định.
Theo ICTNews
Bình luận