Còn quá sớm để trả lời câu hỏi Việt Nam liệu có mạng di động thứ 7 nhưng chắc chắn Tổng công ty Viễn thông GTEL (thuộc Bộ Công an) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng sẽ gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam.

Theo báo Công an Nhân dân, ngày 2/11/2007, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã ký quyết định thành lập Tổng Công ty Viễn thông Toàn Cầu (GTEL). Quyết định này đến sau khoảng hai tháng, tại Nga, Bộ Công an và hãng di động lớn thứ nhì Nga Vimpelcom ký kết một thỏa thuận nguyên tắc (Principal Agreement) trong dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du nước Nga hồi tháng 9/2007.

Theo thông cáo báo chí từ Vimpelcom, thỏa thuận này về thiết lập một liên doanh viễn thông di động GSM tại Việt Nam mang tên GTel Mobile. Vimpelcom còn tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam trong vài năm tới, cung cấp kỹ thuật nhằm phát triển mạng lưới di động GSM Việt Nam. Vimpelcom cho biết, tham gia vào liên doanh này còn có hãng Millenium Global Solutions Group (Mỹ).

Vào thời điểm này, còn quá sớm để trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thêm mạng di động thứ 7 hay không nhưng chắc chắn TCT Toàn Cầu (thuộc Bộ Công an) là người chơi mới nhất trong thị trường viễn thông Việt Nam. Theo ngành nghề kinh doanh chính được nêu trong Quyết định, TCT Toàn Cầu kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT trong nước và quốc tế; sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cung ứng vật tư, thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT và tự động hóa... Toàn Cầu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc Bộ Công an, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo báo Công an Nhân dân, Tổng Công ty gồm các thành viên: bộ máy giúp việc; các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc; các đơn vị thành viên hạch toán độc lập do TCT nắm trên 50% vốn điều lệ; các công ty cổ phần, liên doanh, công ty liên kết khác do TCT nắm giữ trên/ dưới 50% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Tính đến 31/3/2007, tổng số thuê bao của Vimpelcom tại Nga và các nước Liên Xô cũ là 56,8 triệu. Cổ đông chính của Vimpelcom gồm hãng di động số 1 Nga Altimo chiếm 44% và 29,9% thuộc sở hữu của hãng viễn thông Na Uy Telenor.

(Theo Báo BĐVN)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Chắc ko có 1 nước phát triển nào mà có đến 7 nhà cung cấp dịch vụ di động. Quá nhiều nhà cung cấp như vậy, thị trường sẽ rất khó quản lý -> các doanh nghiệp sẽ làm ăn thiếu nghiêm túc hơn, đầu tư mạnh vào quảng cáo, khuyến mãi để lọi kéo khách hàng.

Quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ -> sẽ chỉ có khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nhất.