Nhiều người tiêu dùng vô tư mua bán hàng trên mạng mà không biết các thông tin cá nhân của mình có thể bị đánh cắp

Khi tham gia mua bán trên mạng, đã có nhiều người tiêu dùng bị gài bẫy bởi một điều khoản hợp đồng lắt léo, tưởng chừng vô thưởng, vô phạt mà không mấy ai để ý. Người tiêu dùng vô tư mua bán hàng trên mạng mà không biết các thông tin cá nhân của mình đang bị nhiều đối tượng lợi dụng.

Bị trộm email, đánh cắp tài khoản

Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương cho biết, theo điều tra hàng năm của Bộ Công Thương, vấn đề an ninh an toàn thông tin cá nhân trong giao dịch TMĐT ngày càng được DN và cộng đồng quan tâm. Bà Việt Anh cũng cảnh báo, hiện nay, tình trạng thu thập, ăn cắp, sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân như thông tin về địa chỉ email cá nhân, thông tin tài khoản đang diễn ra ngày càng nhiều.

Một trong những hình thức vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân rất phổ biến trong thời gian qua là việc thu thập địa chỉ thư điện tử cá nhân trái phép để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ quảng cáo trực tuyến đến bán danh sách các địa chỉ này cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Với các công nghệ hiện đại, hiện nay việc thu thập địa chỉ thư điện tử tương đối dễ dàng. Việc nhiều cá nhân, DN công khai rao bán danh sách hàng triệu địa chỉ thư điện tử đang gây tác động tiêu cực tới hoạt động quảng cáo điện tử, gây bất lợi cho người tiêu dùng, làm giảm sút niềm tin của cộng đồng khi tham gia giao dịch TMĐT. Chỉ cần click vào một số đường link trên mạng (123mua, webmuaban, vatgia, raovat...) là có thể dễ dàng tìm thấy những lời rao bán 7 triệu, 8 triệu, 25 triệu địa chỉ email công ty, DN, cá nhân với giá rẻ mạt 200 - 400.000 đồng.

Tuy nhiên, đáng lo hơn cả là một số đối tượng đã lợi dụng TMĐT để ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân, DN để rút tiền hoặc mua bán hàng hóa kiếm lời bất hợp pháp. Theo điều tra của Bộ Công Thương, lo ngại về an toàn trong giao dịch điện tử (bao gồm cả bảo vệ dữ liệu cá nhân) được các DN đánh giá là trở ngại thứ 3 trong số 7 trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các hành vi liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân một cách có hệ thống.

Bồi hoàn - chuyện trong mơ

Ông Dominique Ponsot, Phó Giám đốc Nhà pháp luật Việt - Pháp kể: “Cách đây 6 tháng, tôi mua vé máy bay qua mạng để tới Việt Nam với giá cả rất hợp lý. Thế nhưng, khi kiểm tra vé, cô tiếp viên đã yêu cầu tôi xuất trình thẻ tín dụng mà tôi đã dùng để trả tiền vé máy bay. Lúc đó, tôi không mang theo thẻ tín dụng bên mình. Cô tiếp viên giải thích, điều kiện sử dụng dịch vụ mua vé điện tử qua Internet là phải xuất trình thẻ tín dụng, dù cô tiếp viên không có thiết bị đầu cuối để đọc thẻ tín dụng của tôi. Tôi đã chứng minh rằng thẻ tín dụng để dùng trả tiền vé máy bay là đứng tên tôi và nhân viên kỹ thuật có thể kiểm tra danh tính thông qua hộ chiếu và rằng vé đã được thanh toán. Tuy nhiên, mọi lời giải thích đều vô ích, tôi buộc phải mua một tấm vé mới và người ta bảo đảm tôi sẽ được hoàn tiền cho tấm vé máy bay đầu tiên. Thế nhưng, sau khi đến Việt Nam, tôi đề nghị bồi hoàn thì người ta nói rằng, đây là vé ưu đãi không được bồi hoàn”.

Câu chuyện của ông Dominique là chứng minh cho tình trạng người tiêu dùng bị gài bẫy bởi một điều khoản hợp đồng lắt léo, tưởng chừng vô thưởng, vô phạt và khách hàng không mấy để ý. Trong khi đó, khả năng bồi hoàn gần như là không thể. Không chỉ mình ông Dominique mà nhiều người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng cũng gặp phải các trường hợp tương tự như hàng không đúng với quảng cáo trên mạng, hàng bị lỗi, không đảm bảo chất lượng... song rất ít trường hợp được bồi hoàn.

Kết quả điều tra mới đây của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho thấy, khi bị thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, có tới hơn 33% người tiêu dùng chọn biện pháp bỏ qua, chỉ 13,7% người dân đứng ra khiếu nại với DN để yêu cầu bồi thường. Kết quả điều tra cũng cho thấy, hơn 82% người dân mua phải hàng hóa kém chất lượng, không đúng quảng cáo không được bồi thường thiệt hại. Số DN tự giác bồi thường rất nhỏ, chỉ trên 3%, số ít còn lại chỉ chịu bồi thường khi người tiêu dùng đi kiện. Đặc biệt, trường hợp mua hàng qua mạng lại càng khó kiện vì khách hàng chỉ xem quảng cáo trên mạng và quyết định ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, thủ tục chứng minh thiệt hại (chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, nguyên nhân gây thiệt hại, mức độ thiệt hại) hiện nay rất phức tạp, vì vậy người tiêu dùng rất ngại đi kiện.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (2)
Ghê quá :))

Nói như đúng rồi

Chỉ cần click vào một số đường link trên mạng (123mua, webmuaban, vatgia, raovat...) là có thể dễ dàng tìm thấy những lời rao bán 7 triệu, 8 triệu, 25 triệu địa chỉ email công ty, DN, cá nhân với giá rẻ mạt 200 - 400.000 đồng.

Ghê quá :-ss bác ấy nhận định như đúng rồi. Cái này là dùng phần mềm quét email chứ ăn trộm gì. Email rao bán là Email để gửi thư chứ có phải email ăn trộm đâu :-ss

Hải Nam  30903

Chính xác. TMĐT chẳng liên quan gì đến vụ trộm email cả. Cứ quăng vài trang web lớn lớn vào rồi web ra cả đống email. Còn nguy cơ lộ email, thì giờ hầu như website nào cũng bắt đăng kí thành viên rồi, chứ việc gì đến "mua bán trên mạng". Đoạn rao bán email có lẽ tác giả bài viết tự thêm mắm muối vào.