Sự lệ thuộc vào điện thoại thông minh của nhiều người Mỹ đang làm thay đổi những quy tắc xã hội, thói quen làm việc và có thể là cả những chức năng của não bộ con người.
Doug Wilson mang theo mình chiếc smartphone mọi lúc mọi nơi. Khi người thanh niên 28 tuổi này thức dậy, anh ngay lập tức túm lấy chiếc điện thoại để trên đầu giường và đọc những dòng tin mới trên Twitter cũng như các tin nhắn trên tài khoản Facebook của anh trước khi ra khỏi giường.
Cả ngày, anh đều mang theo chiếc iPhone 4 trong tay. Quên điện thoại với anh là điều khá mạo hiểm, bởi nếu thế có thể anh sẽ bỏ lỡ cơ hội chụp được một bức ảnh đẹp. Vào ban đêm, việc sử dụng chiếc điện thoại thông minh quan trọng hơn bao giờ hết. “Tôi sống ở Arkansas, vì vậy tôi không muốn vô tình dẫm lên một chú rắn hoặc thứ gì nguy hiểm khi đi lại lúc tối trời cả”, anh nói.
Tiếp đến là vợ của anh, Ashlee, người mà anh vô tình làm cho có thai vào một buổi tối sau khi quên không xem một ứng dụng iPod giải thích chi tiết về phương pháp tính thời gian rụng trứng. “Chúng tôi đã có em bé theo cách đó”, anh nói, “bởi vì tôi đánh mất chiếc iPod Touch của mình”.
Trong khi cặp vợ chồng tới từ Rusellville, Arkansas này đang ngóng chờ ngày ra đời của bé gái con họ, thì Doug Wilson nói rằng chiếc điện thoại lại thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa, khiến anh lúc nào cũng để nó ở chế độ sẵn sàng trên tay, để đợi cuộc gọi quan trọng khi vợ anh trở dạ - vào bất kỳ lúc nào.
Mặt khác, cũng theo chàng thanh niên này, những yếu tố khác lại không thực sự như ý muốn.
Anh không cô đơn trong thế giới được kết nối chặt chẽ này. Dường như nước Mỹ đang bị thu hút và làm cho mê hoặc bởi những chiếc smartphone. Mọi người phụ thuộc vào thiết bị được ví như “chiếc dao đa năng của quân đội Thụy Sỹ” thời hiện đại trong mọi hoạt động từ việc lên kế hoạch làm việc cho tới việc xem tin tức, tìm các hoạt động giải trí và tham gia vào các mạng xã hội. Và chúng cũng được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi – một thực tế là có đôi khi chức năng này bị lãng quên và thay vào đó là các tin nhắn, phương tiện đã trở nên phổ biến và được ưa thích bởi thế hệ các bạn trẻ. (Theo Dự án Pew Internet & American Life Project, có khoảng gần 90% các bạn tuổi teen sử dụng điện thoại di động chủ yếu để gửi và nhận tin nhắn, và trung mình họ gửi đi 50 tin nhắn trong một ngày).
Mới chỉ 1 trong số 5 người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh, theo một cuộc điều tra mới đây của Forrester Research. Nhưng với những người đã mua loại thiết bị này - đặc biệt với những chiếc điện thoại có giá trên 150 USD - thì những trải nghiệm có thể làm thay đổi cuộc sống. Đã qua cái thời mà bạn phải đợi cả ngày để trả lời một cái e-mail, hoặc phản hồi một tin nhắn sau vài giờ bị trễ mà lại không hề vi phạm những quy tắc xã hội mới và đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Một vài địa điểm hiện nay không có bất kỳ giới hạn nào cho smartphone cả. Một phần bởi vì việc nhắn tin, lướt web hay chơi game có thể được thực hiện một cách yên lặng, và bởi vì những cơ quan như là trường học – từng một thời là kẻ thù của nền văn hóa điện thoại di động – thì hiện nay đang bắt đầu tìm cách thích nghi dần với những thiết bị này.
Một số thành viên của thế hệ sử dụng điện thoại di động tỏ ra thích thú với những thay đổi này. Họ nói rằng mình không thể sống mà không có chiếc điện thoại ở bên, và phong cách sống ‘luôn kết nối’ là tiêu chí số một của họ. Ngày nay, bạn thử cố xem một bộ phim trong rạp mà không nhìn thấy một tia sáng nào lóe lên từ màn hình của chiếc smartphone ở ghế ngồi gần bạn xem.
Nhưng cũng có những câu hỏi nghiêm túc về những ảnh hưởng của các thiết bị này tới bộ não của chúng ta. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tập trung vào nhiều việc trong cùng một thời điểm sẽ làm giảm khả năng suy nghĩ tập trung, sáng tạo và cuối cùng là năng suất lao động của chúng ta bị giảm sút. Điện thoại thông minh là một trong những công nghệ đã thúc đẩy kiểu suy nghĩ này, khi mà mọi người liên tục rơi vào biển thông tin.
Một nghiên cứu của đại học Stanford tiến hành năm 2009, xuất bản trên Tạp chí Khoa học quốc gia của Mỹ, đã chỉ ra rằng những người “đa nhiệm” – nghĩa là những người cố gắng xem hai hay nhiều loại phương tiện truyền thông cùng lúc – sẽ là những người dễ dàng bị phân tâm.
“Họ cùng lúc quan tâm tới những thứ chẳng liên quan gì tới nhau”, giáo sư Clifford Nass thuộc đại học Stanford cho hay trong bản thông báo về kết quả của cuộc nghiên cứu, được tiến hành với 262 sinh viên đại học. “Họ bị phân tâm bởi mọi thứ”.
Vì những lí do này, một số người đã phát triển mối quan hệ yêu-ghét với chiếc điện thoại của họ. Richard Glover, một sinh viên 23 tuổi theo học chuyên ngành khoa học chính trị tại đại học cộng đồng Austin ở Texas, đã thú nhận mức độ phụ thuộc vào chiếc điện thoại của anh ta ngang với phụ thuộc vào chiếc ô tô để đi từ nơi này tới nơi kia.
Điều quan trọng là anh ta có thể xem được các tin tức chính trị được cập nhật liên tục, và có thể phản hồi ngay lập tức khi nhận được các tin nhắn. Vào năm 2008, anh đã có một chuyến đi tới Công viên quốc gia Yosemite, nhưng ở đó lại không có sóng di động và anh đã để chiếc điện thoại ở lại khách sạn.
“Tôi cảm thấy được giải phóng khi không mang theo nó”, anh nói, “nhưng cùng lúc, tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận lại nó --- và cảm nhận rằng mình được kết nối trở lại”.
Bud Kleppe, một người môi giới bất động sản 32 tuổi ở St.Paul, bang Minnesota, nói rằng anh không thể rời xa chiếc BlackBerry một chút nào cả. Bởi vì khả năng bán được nhà sẽ cao hơn, nếu anh ta trả lời email của khách hàng trong vòng 20 phút và trả lời tin nhắn ngay lập tức.
Anh ta thích cảm giác được kết nối liên tục.
“Nó thường xuyên nằm trong tay tôi”, anh nói về chiếc điện thoại của mình. “Nếu không có nó ở bên cạnh, tôi cảm thấy một chút thiếu tự tin. Chiếc điện thoại của tôi có lẽ không bao giờ xa tôi quá một sải tay”.
Và anh cũng thú nhận rằng mình không thể trở lại được là mình khi mà smartphone chưa xuất hiện.
“Không, tôi không nghĩ nó quan trọng về mặt chức năng, anh nói. “Với tôi, đó không phải là một điều khó chịu. Tôi thích nó, và tôi không thể - có lẽ là cảm thấy trống vắng nếu rời xa chiếc điện thoại của mình trong một ngày”.
Công nghệ đang phát triển và tiến bộ không ngừng, nhưng có lẽ xác định cách làm thế nào để quản lí cuộc sống ảnh hưởng bởi công nghệ và di động là nhiệm vụ của tương lai. Kenny Fair, nhà thiết kế đồ họa ở Overland Park, Kansas, nói rằng ông phải học cách sử dụng những thiết bị cầm tay kể từ khi ông mua chiếc smartphone Palm Pre vào tháng 8/2009, và đó là một sự kiện mà ông miêu tả là một “tiếng sét ái tình” giúp thay đổi cuộc sống của ông.
Theo người đàn ông này, nếu ông không học cách quản lí sử dụng smartphone, ông có lẽ đã bị lạc vào “dòng thông tin” từ chiếc điện thoại tới bộ não của mình.
Wilson, một người sử dụng smartphone ở Arkansas, nói rằng có những thời điểm anh cảm thấy mình như bị biến mất vào bên trong màn hình nhỏ xíu của chiếc smartphone, đặc biệt khi anh ngồi ở đâu đó trong căn nhà của mình xem TV cùng với vợ.
“Đôi khi, tôi cảm thấy mình ở xa hiện thực bởi vì chiếc điện thoại của tôi – tôi chỉ xem qua các ứng dụng và những thông tin tương tự, và chỉ mơ về iPad – và ước gì màn hình điện thoại to hơn – và khi mà không thể hiện thực hóa được nó, tôi không nói gì với vợ trong hàng giờ liền. Cảm giác đó thật không thoải mái chút nào”.
Wilson cũng nói rằng anh hạnh phúc khi mang theo chiếc iPhone mọi nơi.
Tại đại học công nghệ Arkansas, nơi anh đang theo học, một giáo sư môn xã hội học không cho phép sinh viên dùng điện thoại trong giờ học, Wilson kể lại. Nhưng thay vì để điện thoại ở nhà, có một cách để lách quy định này – Wilson đã sử dụng những thao tác đơn giản để giữ nó ở bên mình.
“Khi tôi tham gia tiết học đó, tôi chuyển sang chế độ trên máy bay hoặc im lặng, có khi là tắt nó đi”.
Anh thậm chí còn sử dụng điện thoại trong các buổi lễ ở nhà thờ.
Có lần, khi được đề nghị đọc một đoạn kinh thánh trước giáo đoàn ở Nhà thờ West Side, Wilson đã sử dụng ứng dụng Bible có sẵn trên iPhone để tìm đúng đoạn kinh cần đọc.
“Tôi mua nó với giá 7 USD”, anh nói về ứng dụng này. “Quả thực tôi đã rất sáng suốt”.
Wilson cũng cho rằng, không phải bất kì ai ở nhà thờ cũng nghĩ rằng sử dụng công nghệ theo cách đó là phù hợp. Một số người đã tới gặp anh sau buổi lễ, và thắc mắc rằng có phải anh đã nhắn tin hay làm gì đó trong buổi lễ hay không.
Wilson cũng từng có một cuốn kinh thánh in trên giấy. Nhưng hiện nay nó đang nằm phủ bụi trong ngăn kéo của chiếc ô-tô của anh ta.
Theo ICT
Bình luận
ở đâu cũng thế, ko riêng gì us
Quả thật smartphone có sức hấp dẫn kỳ lạ, không ngày nào mình không dùng nó cho email và facebook, không cầm nó trên tay để chạy các phần mềm cần thiết-kể cả vào TTCN nữa. Nhưng mỗi khi đi tập thể thao mà không mang đt theo hoặc những lúc đi đâu đó mà phải để nó ở nhà để sạc pin mình cảm thấy trong người nhẹ bẫng, một cảm giác thật tuyệt vời.