LimeWire, một trong những dịch vụ chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer) nổi tiếng nhất thế giới, cuối cùng đã bị buộc phải đóng cửa sau cuộc chiến pháp lí kéo dài 4 năm với toàn bộ công nghiệp âm nhạc Hoa Kì.
Tòa án cấp bang ở New York đã ra phán quyết cấm vĩnh viễn đối với LimeWire, vì cho rằng các hoạt động của trang web đã tạo ra những sự vi phạm bản quyền “khổng lồ”, khi cho phép 50 triệu người dùng hằng tháng chia sẻ qua lại một cách trái phép hàng nghìn tác phẩm có bản quyền.
Thành lập năm 2000 bởi Mark Gorton, một cựu thương nhân phố Wall, LimeWire hiện đã bị cấm đưa vào hoạt động công cụ tìm kiếm và chia sẻ những nội dung có bản quyền, vốn cũng là lí do chính dẫn người dùng tìm đến công cụ này. Tuy nhiên, trang web sẽ vẫn “sát cánh cùng công nghiệp âm nhạc (Hoa Kỳ) nhằm tiến về tương lai” - một phát ngôn viên của LimeWire cho biết.
Thẩm phán Kimba Wood nói rằng các hãng thu âm “đã và sẽ tiếp tục chịu những tổn thất không thể bù đắp từ việc LimeWire phát tán các công trình mồ hôi trí óc của họ”. Phiên tòa cũng ra lệnh LimeWire phải dùng mọi biện pháp và công nghệ có thể để dừng và ngăn chặn ngay lập tức việc phát tán những nội dung kể trên. Do đặc tính của mạng chia sẻ ngang hàng, người dùng vẫn có thể chia sẻ nội dung một khi đã tải và cài đặt thành công phần mềm LimeWire lên máy tính cá nhân.
Bản án cũng được xem là hồi kết của bốn năm “đấu đá” pháp lí giữa LimeWire và Hiệp hội Thu âm Hoa Kì (RIAA), được xem là tổ chức đại diện cho phần lớn hãng thu âm có tên tuổi của thế giới.
RIAA buộc tội LimeWire đã làm thiệt hại cho công nghiệp âm nhạc số tiền lên đến hàng trăm triệu USD. Theo số liệu từ RIAA, thu nhập của ngành công nghiệp thu âm Hoa Kì đã rớt từ con số 14,5 tỉ USD năm 1999 xuống chỉ còn 7 tỉ USD vào năm 2009, và thủ phạm của việc này không ai khác chính là sự phát triển của những website chia sẻ ngang hàng như LimeWire.
Sự phổ biến của LimeWire được phản ánh rõ nhất nhờ NDP Group, tổ chức này nhận 58% số người hay tải nhạc trái phép thông qua các mạng ngang hàng đã chọn sử dụng LimeWire vào năm 2009.
Trước đó vào đầu năm 2010, LimeWire dự định cho ra mắt dịch vụ Spoon, cho phép người dùng mua một cách hợp pháp những bài hát có bản quyền. Tuy nhiên dự án đã thất bại khi các hãng ghi âm được thông báo LimeWire phải mất một năm mới chuyển hết những tài khoản người dùng chia sẻ thông tin trái phép sang dịch vụ mới.
Một ví dụ tương tự là Napster, trang web cung cấp dịch vụ tải nhạc trái phép nổi tiếng, từng tuyên bố sở hữu đến 100 triệu người dùng vào thời kì huy hoàng nhất của mình, sập tiệm vào năm 2002 sau một chuỗi kiện tụng liên miên. Sau đó công ty này trở lại với tư cách hợp pháp vào năm 2004.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận
Chúng ta vẫn còn phần mềm iMesh mà. Miễn phí, giao diện đẹp, an toàn (xác nhận bởi McAfee)