Tuy chưa đến mức cạnh tranh khốc liệt, thôn tính lẫn nhau, nhưng với số lượng 7 mạng di động chính thức cung cấp dịch vụ, chưa kể các mạng ảo được cấp phép, thị trường thông tin di động với 90 triệu dân của Việt Nam bị đánh giá đang bị lãng phí nhiều thứ…
Viễn thông Việt Nam trong đó có lĩnh vực thông tin di động được đánh giá có sự phát triển nhảy vọt từ năm 2000 trở lại đây.10 năm qua, thị trường viễn thông đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của hàng loạt mạng di động mới. Từ Sfone, Viettel, EVN Telecom, HT Mobile (nay là Vietnamobile) và Beeline. Tính đến thời điểm này, đã có 7 mạng đang chính thức hoạt động, cung cấp dịch vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A - một người có khá nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ICT Việt Nam cho biết, ông ủng hộ việc mở cửa thị trường, bỏ độc quyền để các doanh nghiệp di động tham gia cạnh tranh một cách bình đẳng. Thế nhưng, một quốc gia như Việt Nam mà có tới 7 mạng di động đang hoạt động, chưa kể các mạng ảo được cấp phép như hiện nay thì quá xa xỉ và lãng phí.
Theo ông Quang A, nếu có quá nhiều mạng cùng tham gia thị trường, điều tất yếu họ phải xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị điều này sẽ dẫn đến đầu tư trùng lắp, lãng phí lớn. Đã vậy, số tiền mà doanh nghiệp đầu tư sẽ thu hồi từ đâu, tất nhiên là người dùng hiện nay phải chịu.
Vì vậy, tại sao không thu hẹp lại số lượng doanh nghiệp di động cung cấp lại? Nếu thời gian tới, thị trường chỉ có độ 3 - 4 mạng cạnh tranh ngang ngửa nhau thì có lẽ sẽ hay hơn. Điều quan trọng là Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan nhà nước cầm chịch quản lý phải có được sự giám sát chặt chẽ từ vấn đề chất lượng, giá cước đến dịch vụ cũng như không để các “ông lớn” di động cấu kết với nhau lũng đoạn thị trường.
Không phải chỉ riêng tiến sĩ Quang A mới có quan điểm này mà trên thực tế, nhiều chuyên gia viễn thông khác cũng đã từng bày tỏ những suy nghĩ tương tự. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn là vẫn là cứ để nguyên sự phát triển như vậy, và thậm chí không hạn chế số lượng mạng di động ảo, doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được cấp phép.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, mặc dù hiện nay Bộ không hạn chế số lượng doanh nghiệp thông tin di động tham gia cung cấp dịch vụ song vẫn luôn đặt ra những điều kiện, quy định, tiêu chuẩn, để đánh giá đầy đủ chỉ những doanh nghiệp thực sự đủ năng lực mới được tham gia thị trường. Vấn đề là ở chỗ, cần có sự quy hoạch lại trong việc đầu tư hạ tầng. Bài toán dùng chung cơ sở hạ tầng thêm một lần được nhắc lại đã đến lúc cần bàn bạc, triển khai nghiêm túc.
Lẽ tất yếu, ra mạng, cung cấp dịch vụ thì phải xây dựng hạ tầng, thế nhưng, một sự thực cần phải nhìn nhận đó là do mạnh ai nấy phát triển, nên trong một thời gian dài, việc xây dựng hạ tầng giữa các mạng di động hiện đã tạo ra một sự chồng chéo, lãng phí nếu không nói là phần nào gây lộn xộn cho thị trường.
Đây chính là điều kiện cũng như đòi hỏi các doanh nghiệp thông tin di động Việt phải có những chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng mạng lưới hợp lý trong thời gian tới. Dù không còn là lần đầu tiên vấn đề các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là doanh nghiệp di động cần có sự hợp tác, dùng chung hạ tầng mạng lưới được đặt ra. Tuy nhiên, để có một lời gian cho một bài toán được đánh giá là khá hóc này không phải là dễ.
Theo VnMedia
Bình luận