Mặc dù Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý về quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, song để có một môi trường cạnh tranh viễn thông thực sự lành mạnh vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Cạnh tranh nhắm vào dịch vụ lợi nhuận cao
Khi đặt câu hỏi: Thị trường viễn thông Việt Nam đã có cạnh tranh hay chưa? Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin thuộc Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) đã khẳng định luôn, đã có và đang có cạnh tranh mạnh ở một số dịch vụ viễn thông, điển hình là dịch vụ thông tin di động, Internet băng rộng ADSL và dịch vụ thoại qua Internet (VoIP), đặc biệt là VoIP quốc tế chiều về.
Hiện có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chính tại Việt Nam là VNPT, Viettel, EVN Telecom, SPT, Hanoi Telecom, Vishipel, VTC và FPT. Riêng với thị trường dịch vụ di động hiện đã hội tụ đủ 6 nhà cung cấp với thế cân bằng, 3 doanh nghiệp thuộc công nghệ GSM và 3 thuộc công nghệ CDMA. Hiện Mobifone, Vinaphone và Viettel Mobile, ba mạng GSM mỗi mạng chiếm trên dưới 30%, còn lại là của ba mạng CDMA. Thị phần dịch vụ Internet ADSL giờ cũng chủ yếu nằm trong tay ba doanh nghiệp lớn là VNPT với khoảng 50% thị phần, Viettel 24%, FPT 24%, còn lại mới là phần của doanh nghiệp khác.
Cuộc cạnh tranh giành thị phần cũng chủ yếu diễn ra với những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn này. Các hoạt động cạnh tranh nhằm vào chính sách dịch vụ, chính sách giá cước, kênh phân phối, cạnh tranh về bán hàng. Ông Bùi Quốc Việt cho rằng, hiện các doanh nghiệp đang cạnh tranh với nhau chủ yếu thông qua yếu tố giá cước và khuyến mãi mà ít quan tâm tới công tác chăm sóc khách hàng và chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, dù các doanh nghiệp đều hiểu rằng không thể cứ ăn xổi mãi song vẫn đang sử dụng việc giảm giá cước như một công cụ chủ yếu nhất để hút khách hàng về phía mình.
Còn theo với ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom, mức độ cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam với gia tốc ngày càng lớn và thời gian tới chắc chắn sẽ còn quyết liệt hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này vẫn mang tính tự phát là chủ yếu, nhìn vào góc độ quản lý thị trường, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước thì vẫn còn thiếu.
Công bằng mà nói, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường, nhất là với lĩnh vực thông tin di động. Về phía người dùng, cơ hội sử dụng nhiều dịch vụ tiên tiến với chi phí ngày càng hợp lý và có quyền lựa chọn nhà cung cấp được tăng lên rất nhiều. Cùng với đó, cạnh tranh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có những thay đổi năng động hơn. Đây cũng là bước chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông lớn.
Nhưng xem ra, trong quá trình cạnh tranh, các doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi ích của chính doanh nghiệp mình mà ít có sự quan tâm tới lợi ích chung của quốc gia cũng như của các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông ra nước ngoài còn hạn chế. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cạnh tranh lại chưa có các chế tại quản lý, giám sát và xử lý đủ mạnh với các hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp mà chủ yếu nếu có vấn đề gì xảy ra, tự các doanh nghiệp phải tìm cách giải quyết với nhau.
Kêu khó bởi rào cản thị trường, đại diện của công ty Thông tin viễn thông điện lực EVN Telecom, ông Bùi Văn Việt đã liệt kê một loạt những khó khăn mà họ gặp phải. Là nhà khai thác mới đi vào cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng, chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nên về lợi thế EVN Telecom không được bình đẳng so với các nhà khai thác viễn thông đi trước như VNPT, Viettel... Việc sử dụng công nghệ mới CDMA2000 - 1X tần số 450 MHz, hỗ trợ EV-DO, dù đã cung cấp dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn quốc song do băng tần hẹp nên EVN Telecom gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch dung lượng mạng, chất lượng mạng chưa ổn định do băng tần không sạch, bị nhiễu nặng. Ngoài ra còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại như giá thiết bị cao, thiết bị đầu cuối đắt.
Cũng cùng quan điểm với Viettel, theo EVN Telecom, doanh nghiệp gặp khó khăn là vậy nhưng nhà nước lại chưa có một chính sách hữu hiệu nào để tạo điều kiện nâng đỡ các doanh nghiệp mới phát triển, làm cho môi trường đầu tư và tài nguyên cho các doanh nghiệp mới khai thác trở nên ít ỏi. EVN Telecom cho rằng đây là nguyên nhân làm cho tốc độ phát triển thuê bao tại nhiều tỉnh thành bị chậm do quỹ tần số không đủ để cung ứng trong thời gian đầu.
Nhu cầu của thị trường ngày càng cao, khách hàng ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ chất lượng tốt, giá thành rẻ, sự nỗ lực của EVN Telecom chưa đáp ứng được những yêu cầu chất lượng dịch vụ của khách hàng, thêm một lý do mà EVN Telecom đưa ra là do tốc độ xây dựng cơ bản chậm do có quá nhiều thủ tục quy trình xây dựng không thể bỏ qua.
Nhà quản lý nói gì?
Mặc dù các doanh nghiệp viễn thông kêu nhiều về mức độ hỗ trợ, điều tiết từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nhưng theo tiến sỹ Trần Tuấn Anh - Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chính sách quản lý, phát triển viễn thông Việt Nam đã tạo được một hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng, minh bạch cho các hoạt động viễn thông, Internet theo đúng quy định của các bộ luật chung trong nước, phù hợp với luật, thông lệ quốc tế về viễn thông. Môi trường pháp lý về viễn thông đã được thể chế hoá bằng những chính sách, chủ trương quan trọng như phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước; Hội nhập kinh tế quốc tế; Minh bạch hoá và cải cách các thủ tục hành chính trong cấp phép viễn thông, Internet; Nhanh chóng phổ cập dịch vụ viễn thông và thực hiện nghĩa vụ công ích; Tăng cường bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông; Tạo quyền chủ động của DN trong sản xuất kinh doanh và nắm bắt cơ hội công nghệ mới.
Ông Tuấn Anh dẫn chứng, với việc minh bạch hoá và cải cách các thủ tục hành chính trong cấp phép viễn thông, Internet, nếu như trước đây, theo Nghị định 109/1997/NĐ-CP có tới 10 loại giấy phép thì nay đã giảm thiểu được rất nhiều, chỉ có hai loại giấy phép kinh doanh viễn thông gồm giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cùng ba loại giấy phép về nghiệp vụ gồm giấy phép thiết lạp mạng dùng riêng, giất phép lắp đặt cáp quang biển và giấy phép thử nghiệm mạng, dịch vụ.
Để tạo quyền chủ động của DN trong sản xuất kinh doanh, với các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế (thị phần dưới 30%) được chủ động quy định giá cước theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ quản lý chặt chẽ giá cước đối với dịch vụ viễn thông công ích, giá cước dịch vụ viễn thông có thị phần khống chế và giá cước kết nối giữa các dịch vụ viễn thông. Thậm chí, với chất lượng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cũng được chủ động xây dựng và công bố tiêu chuẩn đối với dịch vụ do mình cung cấp.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực viễn thông ở vị trí cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay, mới chỉ trong nội bộ quốc gia mà các doanh nghiệp đã có sự cạnh tranh không minh bạch, doanh nghiệp công bố nhiều dịch vụ nhưng lại không đi kèm với minh bạch về chất lượng. Cần phải cảnh báo tới các doanh nghiệp trong vấn đề chính sách giá cước. Bà Hiền đã đặt ra câu hỏi: Đến thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông có còn đủ sức để tiếp tục giảm giá để thu hút khách hàng hay không?
Không còn lâu nữa, khi chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc tế, theo bà Hiền yếu nhất của các doanh nghiệp viễn thông là dịch vụ kênh, so với quốc tế, giá cước dịch vụ này của Việt Nam vẫn còn cao. Trong khi ấy, dịch vụ kênh là nguồn gốc giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở đường ra thế giới, nếu không làm ngay sẽ khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài.
Hiền Trâm (ICTnews)
Bình luận