Chỉ còn 1 năm nữa, hệ thống địa chỉ Internet hiện tại (IPv4) sẽ cạn kiệt và trong quá trình các quốc gia đổi sang thế hệ kết nối mới, người sử dụng có thể gặp khó khăn khi truy cập website và dịch vụ.
Các ước tính cho thấy toàn bộ 4,3 tỷ địa chỉ của IPv4 sẽ được khai thác hết vào cuối tháng 1/2012. Một hệ thống mới với nhiều địa chỉ hơn là IPv6 đã được thiết lập nhưng tốc độ sử dụng nó vẫn đang diễn ra chậm chạp.
Cha đẻ của Internet Vint Cerf chỉ trích các doanh nghiệp toàn cầu là "thiển cận" khi không tiến hành chuyển đổi sớm hơn. Hiện chỉ có 1% dữ liệu được chuyển qua Internet dưới các gói IPv6. "Mọi người cần hiểu rằng đây là một hạ tầng cơ sở mà họ đang phải phụ thuộc vào. Nó cần thay đổi để tiếp tục mở rộng và doanh nghiệp cũng không thể phát triển nếu không có đủ địa chỉ để sử dụng", Cerf nhấn mạnh
Tuy nhiên, ông cũng cho biết công việc này không quá khó khăn nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ bởi sẽ có những rắc rối khi thế giới dùng sang giao thức mới. Việc sử dụng Internet có thể bị ngắt quãng trong giai đoạn đó một phần vì 2 hệ thống địa chỉ này không tương thích nhau nên sẽ có những người không truy cập được site, nguồn tài nguyên và dịch vụ web.
Sự bất ổn này có thể kéo dài vài năm. Ngay cả hãng tìm kiếm trực tuyến Google nơi Cerf làm việc cũng phải mất 3 năm để mạng IPv6 của họ hoàn thiện và chạy ổn định.
Một số quốc gia như Trung Quốc và Czech đã tiến những bước dài trong việc tiếp cận IPv6 nhưng cũng có những nước còn chưa có động thái gì. Tại Việt Nam, tháng 6/2010, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức triển khai ứng dụng địa chỉ IPv6 trên toàn bộ hệ thống kỹ thuật của họ gồm hệ thống mạng dịch vụ DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia - VNIXv6. Hệ thống mạng phục vụ công tác quản lý, điều hành cũng được ứng dụng song song IPv4/IPv6. Trước đó vào năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới.
Theo VnExpress
Bình luận