Nokia, Samsung, LG Electronics và nhiều tên tuổi lớn khác trên thị trường di động đang bị "trọng thương" trước sự tấn công quyết liệt của các doanh nghiệp vô danh đến từ Trung Quốc tại các thị trường mới nổi.
Theo cảnh báo mới từ Gartner, đà tăng trưởng tăng vọt của các dòng điện thoại giá bèo, không thương hiệu, với hình thức và tính năng na ná như các mẫu smartphone cao cấp đã khiến cho doanh số chung của toàn thế giới tăng tới 35% so với quý trước.
Dù vẫn là hãng số một thế giới song thị phần của Nokia đã giảm từ 36,7% hồi năm ngoái xuống còn vẻn vẹn 28,2% trong năm nay. Đây cũng là mức thấp nhất của hãng kể từ năm 1999 trở lại đây. Rõ ràng là sức thu hút của thương hiệu Nokia đang suy giảm rất mạnh và hơn bao giờ hết, gã khổng lồ di động cần có một sản phẩm đinh, một quả bom tấn đích thực để vãn hồi tình thế của mình.
Không riêng Nokia mà Á quân Samsung Electronics và đại gia No 3 thị trường LG Electronics cũng chứng kiến thị phần của họ lần lượt tụt xuống mức 17,2% và 6,6%. Ở thái cực đối lập, các doanh nghiệp vô danh mà chủ yếu là các hãng Trung Quốc chuyên sử dụng chipset của Mediatek hay Spreadtrum Communications, đã nhanh chóng mở rộng diện phủ sóng của mình ra khỏi Trung Quốc. Họ liên tục bành trướng sang châu Phi, Ấn Độ, Mỹ La tinh và Nga, những thị trường không quá khắt khe về công nghệ, nhạy cảm về giá và đang sở hữu một số đông dân số chưa tiếp cận nhiều với di động cao cấp.
"Tuy nhiên, trong số các đại gia, Nokia là hãng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Đơn giản, bởi vì họ vốn sở hữu phân khúc thấp cấp của thị trường. Thế mạnh của Nokia là điện thoại giá rẻ và trung cấp. Giờ đây, vị thế của họ đang bị lung lay nghiêm trọng", chuyên gia Carolina Milanesi của Gartner bình luận.
Bên cạnh điện thoại giá rẻ, các doanh nghiệp vô danh Trung Quốc cũng đang dồn sức chuyển sang sản xuất cả smartphone giá rẻ. Số lượng điện thoại do khối này tung ra thị trường đã tăng từ 50 triệu máy hồi năm ngoái lên 138 triệu vào năm nay. Trong khi đó, lượng tiêu thụ của các mẫu điện thoại phi smartphone của Nokia đã giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, lý do mà Nokia đưa ra là thiếu linh kiện.
Tại Ấn Độ, một thị trường trọng điểm của Nokia tại thời điểm này, thị phần của hãng đã giảm mạnh từ 51% xuống còn 31%, Gartner cho biết. Đây thực sự là một dấu hiệu đáng lo ngại cho Quán quân di động toàn cầu, vốn đang gặp khó khăn khi cạnh tranh ở phân khúc cao cấp.
Theo Vietnamnet
Bình luận
Hahahaha...khi thằng ăn cắp lên ngôi...giá bèo thì lời ít
Bài viết cùi quá
Nhìn theo hướng tích cực về vấn đề này thì các doanh nghiệp của VN vẫn còn khả năng "chen chân" vào được, Nokia hay Apple có thể đem đến cho chúng ta những sản phẩm đẳng cấp và chất lượng nhưng cũng đồng nghĩa là tiền sẽ chảy về quốc gia của họ, cách làm của TQ có thể bị gọi là "hèn", nhưng đó là một cái hèn khôn ngoan và đầy mưu tính.Dầu sao vẫn cỗ vũ Người VN dùng hàng VN
Hèn là hèn...không có chuyện khôn ngoan đâu bạn mà phải gọi là ranh con.
Nước Tàu mãi sẽ là chú lùn của thế giới chỉ biết chuyên sản xuất hàng nhái hàng dõm mà thôi
Con người ta chỉ biết chê bai người khác mà có khi nào nhìn nhận rằng người khác giỏi hơn mình? Các bạn nên nhìn về khía cạnh là công nghệ kỹ thuật của người ta giỏi nên mới làm được như thế. Nếu đặt trường hợp chúng ta biết như họ thì chúng ta cũng làm như họ đấy thôi. Thân!