Hôm nay, 15/11/2010, đúng 20 năm tổng đài số đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - hệ thống chuyển mạch điện tử số Digital E-10B.
Bước đi ban đầu đó là dấu mốc của cả một chặng đường phát triển không ngừng của cuộc cách mạng số trong ngành viễn thông Việt Nam sau này nói chung và của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT nói riêng…
Những bước phát triển ban đầu đáng nhớ
Ngày 15/11/1990, ông Đặng Văn Thân (Tổng giám đốc Tổng công ty BCVT Việt Nam) và ngài Blanche Maisson (đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Pháp tại Việt Nam) đã cắt băng khánh thành hệ thống tổng đài điện tử E-10B.
Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển mạnh của thời kì số hóa mạng lưới viễn thông, mở ra một trang sử mới cho ngành viễn thông Việt Nam. Và chỉ ít lâu sau đó, từ một tổng đài E-10B đầu tiên được Bưu điện Hà Nội khi đó (nay là Viễn thông Hà Nội) đi đầu lắp đặt, vận hành, đơn vị thứ hai lắp đặt đài E-10B là Bưu điện TP.Hồ Chí Minh.
Ngày 30/12/1991, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh cũng chính thức đấu chuyển toàn bộ mạng điện thoại analog sang kĩ thuật số E-10B. Đến cuối năm 1995, kết thúc giai đoạn tăng tốc lần thứ I của ngành Bưu điện, mạng Viễn thông Việt Nam đã có 53/53 tỉnh thành thực hiện tự động hóa. Hàng loạt tỉnh thành cũng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng tổng đài này.
Có thể nói, E-10B đã cải thiện hệ thống thông tin nội hạt và tạo khả năng tự động hoàn toàn đối với hệ thống liên tỉnh và quốc tế, tạo cơ sở kĩ thuật để Việt Nam có tên trong danh bạ điện thoại thế giới. E-10B đi vào hoạt động, đồng thời với việc nâng cấp mạng lưới, chất lượng liên lạc điện thoại được tăng lên, nhiều dịch vụ gia tăng trên tổng đài điện tử ra đời, các dịch vụ viễn thông dần được triển khai và đưa vào sử dụng như nhắn tin, điện thoại di động, Internet, truyền số liệu…
Theo đánh giá của Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty BCVT Việt Nam Mai Liêm Trực, khi những bậc lãnh đạo đầu ngành Bưu điện lúc bấy giờ quyết định chuyển đổi có nhiều ý kiến thời đó nhận định là “mạo hiểm”. Nhưng đến nay, thực tế đã chứng minh chiến lược này đã tạo nên bước phát triển đột phá cho ngành BCVT Việt Nam nói chung và của VNPT nói riêng.
Tập trung phát triển công nghệ mới - đầu tư cho tương lai
Sau 20 năm tổng đài E10B ra đời, đến giờ này, ngành Viễn thông Việt Nam cũng như Tập đoàn BCVT Việt Nam đã có những đổi thay, mở rộng hơn rất nhiều lần với nhiều dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại. Hàng loạt các công nghệ mới tiếp nối nhau được triển khai nhằm đem lại những dịch vụ lợi ích cho người dùng.
Đặc biệt, Tập đoàn VNPT đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển cho việc ứng dụng công nghệ mới. Sau công nghệ số, giờ, có thể kể tên hàng loạt các công nghệ mới được đưa vào ứng dụng hiệu quả như với di động, sau GSM là công nghệ tiền 3G, rồi 3G - công nghệ băng rộng di động.
Vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, VNPT luôn xác định đầu tư cho phát triển các công nghệ mới chính là đầu tư cho tương lai. Năm 2009 đánh dấu sự ra đời của một loạt các dịch vụ công nghệ 3G của các doanh nghiệp di động hàng đầu Việt Nam trong đó riêng VNPT đã có hai thành viên đó là mạng di động VinaPhone và MobiFone. Gần đây nhất, VNPT lại là doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai xây dựng và cung cấp dịch vụ công nghệ 4G ngay khi nhận được giấy phép thử nghiệm ít lâu.
Cùng với đó, VNPT còn xây dựng hệ thống điều khiển toàn bộ mạng trên IMS hiện đại nhất (tích hợp các dịch vụ mới, tích hợp cố định và băng rộng) để tăng cường khả năng cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ mà VNPT cung cấp cho khách hàng…
Có thể nói, dù rằng chiếc tổng đài số E-10B ngày nào giờ đã trở nên cũ kĩ hơn nhiều so với các tổng đài công nghệ hiện đại mà VNPT triển khai lắp đặt, vận hành ngày hôm nay, tuy nhiên, nó lại là chứng minh rõ nét nhất của một bước ngoặt của lịch sử phát triển ngành Viễn thông Việt Nam. Nó cũng chính là tiền đề, động lực để những luồng tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm tự tin khẳng định, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ viễn thông hiện đại vào phục vụ nhu cầu của khách hàng Việt trong hiện tại và tương lai.
Theo VnMedia
Bình luận