Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai "Đề án sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT" vào ngày 3/12, cả FPT và CMC đều tiết lộ tham vọng phát triển cho giai đoạn 2011-2015 và xa hơn.

Người mơ top 500 của Forbes, kẻ muốn có tỉ đô

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT cho biết tập đoàn này đã đặt ra mục tiêu có lợi nhuận 10.000 tỉ vào năm 2014 và xa hơn là lọt vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (danh sách top 500 của Forbes) vào năm 2025.

Trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ, FPT phấn đấu đạt doanh số 500 triệu USD vào năm 2015, vượt mốc 1 tỉ USD sau đó 5 năm (trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 70%) và có 20.000 nhân lực vào năm 2015, 40.000 vào năm 2020.

FPT hiện là công ty lớn nhất trong thị trường CNTT Việt Nam với 13.000 nhân viên. Trong 10 tháng đầu năm 2010, tập đoàn này đã đạt doanh thu gần 19.000 tỉ đồng. Trong lĩnh vực phần mềm, theo ông Tùng, FPT đạt doanh thu 80 triệu USD trong năm 2009 và dự kiến tăng lên 100 triệu USD trong năm nay với khoảng 4.400 nhân viên.

Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ CMC – doanh nghiệp hiện đứng thứ hai trên thị trường CNTT Việt Nam sau FPT, cũng hi vọng đưa thương hiệu này lọt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu 1 tỉ USD trong 5 năm tới.

Theo ông Chính, CMC dự kiến đạt doanh thu khoảng 5.000 tỉ đồng trong năm 2010.

"Với tốc độ tăng trưởng 25-30% mỗi năm, khả năng đạt doanh thu 800 triệu USD đến 1 tỉ USD vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi", ông Chính nói. "Trong đó, lĩnh vực phần mềm, dịch vụ và nội dung số dự tính sẽ chiếm khoảng 200 triệu USD."

Đầu tư cho M&A để tăng tốc

Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Chính cho biết CMC vẫn sẽ tập trung mạnh vào 3 lĩnh vực mũi nhọn là CNTT, viễn thông và kinh doanh điện tử.

Hoạt động sản xuất máy tính sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển. Không chỉ sản xuất máy tính, CMC đang có kế hoạch sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị truy cập khác như GPS (hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu).

"Chúng tôi đang dự kiến đầu năm tới sẽ công bố về các sản phẩm mới", ông Chính nói vậy khi được đề nghị tiết lộ về kế hoạch sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng.

Bên cạnh đó, theo ông Chính, CMC đang đề nghị chính phủ ủng hộ kế hoạch sản xuất 1 triệu máy tính giá rẻ nằm trong chương trình phổ cập thông tin đến bà con nông dân. "Nếu có sự trợ giá khoảng 30% từ chính phủ, chúng tôi có thể sẽ cung cấp máy tính với giá dưới 200 USD mỗi chiếc", ông Chính tiết lộ.

Bên cạnh đó, ông Chính cho biết CMC hiện có một khoản ngân quỹ khoảng 20 triệu USD để phục vụ hoạt động mua sắm và sáp nhập (M&A) những công nghệ có triển vọng thương mại.

Trong thời gian vừa qua, CMC đã tiến hành một số hoạt động M&A như thương vụ đầu tư hơn 100 tỉ đồng vào Netnam và đầu tư vào công nghệ bảo mật hình thành nên công ty con CMC Infosec. Theo ông Chính, CMC Infosec hiện là sản phẩm khá thành công với khoảng 5,4 triệu người dùng và đang có kế hoạch vươn ra thị trường quốc tế.

FPT gần đây cũng đang đẩy mạnh hoạt động M&A để mở rộng thị trường. Mới đây nhất là thương vụ FPT cùng công ty con của tập đoàn này là FPT Telecom dự định đầu tư 2.000 tỉ đồng để mua lại 44% cổ phần của nhà mạng EVN Telecom để tham gia thị trường di động.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Phan Đức Trung, Phó tổng giám đốc FPT cho biết công ty FPT Software, thành viên của tập đoàn FPT, cũng đang nghiên cứu để tiến hành M&A các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài, trong đó ưu tiên số một hiện nay là thị trường Mĩ - nơi có tốc độ phục hồi sau suy thoái nhanh và là thị trường đang phát triển của FPT.

"Dự kiến, thời gian tới FPT Software sẽ có một M&A khoảng 20 triệu USD ở thị trường Mỹ", ông Trung nói. Tuy nhiên, theo ông Trung, FPT sẽ không tiến hành M&A với các công ty trong nước với lĩnh vực phần mềm vì quy mô của các công ty quá nhỏ.

Theo ICT News



Bình luận

  • TTCN (0)