Bộ TT&TT đang nghiên cứu chính sách cho phép thuê bao chuyển mạng nhưng vẫn giữ được số của mình để buộc các mạng di động cạnh tranh phục vụ khách hàng tốt hơn.
Nếu chính sách này được thực thi, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Thuê bao đang bị “cầm tù” vì không thể đổi số
Câu chuyện về chính sách cho phép khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số đã được cơ quan quản lí nhà nước đặt ra từ vài năm nay. Cho dù chính sách này chưa thành hiện thực nhưng cũng đã là thông tin vui đối với nhiều thuê bao bị “cầm tù” không thể chuyển sang mạng khác bởi một lí do hết sức đơn giản - không thể đổi số khác được khi họ đã có nhiều mối liên lạc đến số này.
Anh Hiếu, một thuê bao di động của VNPT ở khu vực Vĩnh Hồ đã rất “đau khổ” khi ở trong cảnh về đến nhà thì cả hai máy di động của anh đều tò te tí. Khi liên hệ đến nhà mạng thì được trả lời là khu vực anh ở có nhiều nhà cao tầng nên bị che chắn sóng. Câu chuyện “đau khổ” này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng anh Hiếu không thể chuyển sang mạng khác bởi số máy anh dùng đã ngót chục năm và có nhiều đối tác đã lưu số máy này.
Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Thời báo Kinh tế cũng nhiều lần giãi bày rằng anh là một khách hàng đem lại doanh thu lớn cho nhà mạng khi cước hàng tháng lên đến 400.000 đồng. Thế nhưng, nhiều năm qua chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của nhà mạng “quên” khách hàng trung thành khiến anh không hài lòng, nhưng anh không thể chuyển mạng khác chỉ vì số điện thoại đã sử dụng quá lâu và có nhiều mối liên lạc đối tác với số máy này. Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình của nhiều thuê bao đang phải chịu cảnh “cầm tù” chỉ vì không thể đổi số thuê bao.
Ai mừng, ai lo?
Giới phân tích cho rằng, trên lí thuyết nếu Việt Nam áp dụng chính sách này thì mạng di động nhỏ là người hưởng lợi. Hiện Viettel, MobiFone và VinaPhone nắm giữ khoảng 90% thị phần. Sở hữu số thuê bao lớn, các nhà mạng này đang được cho là nhà mạng có nhiều thuê bao thuộc đối tượng bị “cầm tù" nhiều nhất. Trong khi đó, các mạng di động nhỏ như Vietnamobile, Beeline, S-Fone chỉ còn “cửa” phải chăm sóc khách hàng tốt hơn để thu hút thuê bao về mình.
Như vậy, nhiều khả năng các mạng di động lớn không muốn áp dụng chính sách này bởi nó quá rủi ro với họ vì có thể mất thuê bao. Trong khi đó, những khách hàng đang là thuê bao của mạng nhỏ mới dùng số máy này nên cũng không quá quan trọng như số thuê bao của mạng lớn. Vì vậy, nếu các thuê bao này thực sự muốn chuyển sang mạng di động lớn thì họ không nhất thiết phải chờ đợi chính sách cho chuyển mạng giữ nguyên số. Như vậy tương quan mạng lớn trong chính sách này là có “quá nhiều thứ để mất”, còn mạng nhỏ "chả có gì để mất”.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những phân tích trên lí thuyết, còn thực tế trên thế giới đã có những câu chuyện ngược lại. Một quan chức của Bộ TT&TT cho biết, ở một vài nước, khi bắt đầu chính sách này thì có một lượng lớn thuê bao của các mạng lớn đổ về các mạng nhỏ, nhưng sau đó thì các thuê bao mạng nhỏ lại ồ ạt đổ về mạng lớn. Như vậy, vấn đề cốt lõi là mạng nhỏ có thể đủ tiềm lực giữ chân khách bằng chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng khi thuê bao mạng lớn chuyển sang hay không.
Nhà mạng nói gì?
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên đặt vấn đề xây dựng khung pháp lí cho vấn đề này ngay từ bây giờ để có thể triển khai trong vòng 3 năm tới khi thị trường di động đi vào giai đoạn ổn định. Như vậy chính sách này sẽ thúc đẩy các mạng di động tiếp tục phải cạnh tranh để “giữ chân” khách hàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đang trong giai đoạn phát triển thuê bao mới. Vì vậy, đây chưa phải là thời điểm triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Nếu chính sách này bị đẩy sớm quá sẽ đẩy doanh nghiệp đưa ra các “cơn bão” chính sách ngắn hạn nhằm hạn chế sự di chuyển thuê bao của mình sang mạng khác nên không đầu tư nguồn lực cho chính sách dài hạn. Có thể thiệt hại đầu tiên do “cơn bão” này sẽ đến với các mạng di động trước, sau đó sẽ quay lại ảnh hưởng đến khách hàng.
Đồng tình với quan điểm này, một lãnh đạo của VinaPhone chia sẻ quan điểm cá nhân rằng hiện tại chưa phải là thời điểm áp dụng chính sách này khi dịch vụ di động của Việt Nam “còn nhiều vấn đề”. Vì vậy cần có lộ trình vài năm để các mạng di động Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, bà Elizabete Fong, Tổng Điều hành của Vietnamobile cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đón và hoan nghênh những chính sách như vậy. Vì nó sẽ giúp cho những nhà cung cấp mạng mới có nhiều cơ hội hơn vì chúng tôi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực về tài chính vào xây dựng mạng của mình. Ngoài ra, khách hàng là những người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này vì có rất nhiều người đã sử dung 1 mạng từ rất lâu và muốn chuyển đổi, tuy nhiên, họ đang bị giữ lại vì số đó”.
Bà Elizabete Fong còn cho rằng, chính sách này sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt hơn nhiều, và đặc biệt là các nhà mạng sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc làm cho dịch vụ của mình tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà mạng sẽ không được cạnh tranh nhau thuần tuý về giá cả, vì như vậy, những người sử dụng sẽ nhảy từ mạng này sang mạng kia chỉ trong thời gian giảm giá rồi lại tiếp tục nhảy. Như vậy vừa lãng phí về SIM mà không ai được lợi.
Mới đây, một số nhà tư vấn quốc tế chia sẻ với Bộ TT&TT rằng không nên áp dụng chính sách này đối với thị trường có doanh thu bình quân trên một thuê bao thấp như ở Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để triển khai chính sách này không nên nhìn vào doanh thu bình quân trên thuê bao, mà nhìn vào hạ tầng và mật độ người sử dụng. Khi các mạng di động triển khai xong hạ tầng thì nên triển khai chính sách này.
Theo ICTNews
Bình luận
Ai cũng lo, nhưng có một số người mừng
Cạnh tranh càng khốc liệt hơn cả về tính đa dạng linh động lẫn chất lượng dịch vụ cũng như khuyến mãi và chăm sóc khách hàng ...
Biến động thuê bao nhiều => lại phải tối ưu lại mạng. Mạng đang tốt thì xấu đi, cần đầu tư mở rộng hoặc tối ưu ... Mạng đang xấu sẽ có cơ hội tốt lên ... Mạng nào làm ăn nghiêm túc thì phát triển, mạng nào làm ăn không nghiêm túc thì vẫn sống ...
Chưa hiểu giải pháp này cụ thể như nào nhỉ ? SIM thì của mạng khác, số thuê bao vẫn giữ nguyên => mọi thủ tục khởi nguồn từ máy điện thoại này đều bình thường. Thủ tục nội mạng mới thì chả có vấn đề gì khúc mắc, nhưng nếu từ ngoại mạng gọi đến thuê bao này thì sao nhỉ ? (chủ gọi nằm ở mạng cũ, hoặc chủ gọi nằm ở mạng khác)... Chắc rằng cần sự bắt tay giữa các mạng, hơn nữa vấn đề tính cước chắc cũng phải điều chỉnh gì đấy nhỉ ?!