Không còn quá sớm khi ở thời điểm này, các doanh nghiệp Viễn thông Việt cùng đồng loạt triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ công nghệ 4G LTE. Nhưng để việc thử nghiệm thành công với kết thúc có hậu là thương mại hoá dịch vụ có rất nhiều việc phải làm.
Sau hơn một tháng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động công nghệ LTE (Long Term Evolution) cho 5 doanh nghiệp hạ tầng mạng, Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC đã là doanh nghiệp di động tiên phong triển khai. Và đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp còn lại cũng đã có những động thái tích cực thực hiện.
LTE được đánh giá là một công nghệ mới, đã được một vài doanh nghiệp viễn thông trên thế giới chính thức đưa vào khai thác. Theo dự kiến trong năm 2011 có thể có vài chục mạng khai trương. Việc đề xuất được triển khai thử nghiệm công nghệ LTE của các doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ khả năng tiếp cận với công nghệ mới cũng như sẵn sàng triển khai các ứng dụng hiện đại nhất của thế giới cho người dùng viễn thông.
Muốn đưa ra bất kỳ một công nghệ nào, nhất là công nghệ mới như LTE thì phải có tiến trình. Và việc thực hiện tiến trình đó như thế nào lại thuộc vào kế hoạch của từng nhà khai thác, phụ thuộc và cả thị trường. LTE là một tương lai dài, cần có những bước tiến, lộ trình cụ thể chứ không thể nhảy vọt từ công nghệ này sang công nghệ khác. Vì vậy, việc triển khai công nghệ điều quan trọng là phải học và tiếp thu các kinh nghiệm từ các nhà khai thác khác trên thế giới đã trải qua.
Hãng sản xuất thiết bị viễn thông Nokia Siemens Networks (NSN) đã triển khai rất tốt mạng công nghệ mới trong đó có LTE trên thế giới nên có thể tư vấn cho các nhà khai thác Việt Nam khi triển khai. Thế nhưng việc bao giờ triển khai thì hoàn toàn phải phụ thuộc vào chính bản thân các nhà khai thác. Vấn đề là các nhà khai thác muốn làm gì với mạng công nghệ mới này. Chỉ khi trả lời được câu hỏi trên thì mới có thể quyết định được thời điểm nào là thời điểm chín muồi để đưa dịch vụ sau thử nghiệm ra thương mại hoá.
Khi cấp phép thử nghiệm LTE tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định, trong thời gian một hai năm tới, công nghệ LTE sẽ đem lại nhiều tiện ích mới cho người dùng viễn thông. Tuy nhiên, tiện ích đó đạt được hiệu quả như thế nào, khả năng thương mại hoá đến đâu thì ở thời điểm này, bản thân các nhà quản lý của Việt Nam cũng chưa thể đưa ra những nhận định chính xác nhất.
Chính vì vậy, để đánh giá thực tế khả năng của công nghệ, dịch vụ, mức độ chấp nhận dịch vụ của người sử dụng tại thị trường Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ủng hộ đề xuất thử nghiệm của doanh nghiệp. Việc thử nghiệm không chỉ là để đánh giá công nghệ mà còn đánh giá xem dịch vụ được đưa ra như thế nào đặc biệt là việc chấp nhận của người sử dụng trên thị trường Việt Nam ra sao trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, giấy phép thử nghiệm LTE có thời hạn 1 năm. Bộ có thể gia hạn thêm tối đa thêm 1 năm nữa nếu các doanh nghiệp đề nghị. Sau thời gian thử nghiệm, trên cơ sở đánh giá của doanh nghiệp và với mức độ triển khai rộng rãi hơn trên thế giới, chắc chắn công nghệ LTE sẽ được hoàn thiện hơn và khi đó sẽ xem xét việc triển khai chính thức tại Việt Nam.
Theo VnMedia
Bình luận