Năm 2010 "nóng" với các sự kiện như mạng xã hội Facebook tiếp tục bành trướng không giới hạn, hay "bom tấn" WikiLeaks bùng nổ và mối lo ngại về thời điểm "hết địa chỉ Internet" ngày càng tiến đến gần.
Cạn kiệt địa chỉ Internet
Trong quý 4 năm nay, các tổ chức quản lý và cấp phép địa chỉ tên miền số Internet trên thế giới đều lên tiếng cảnh báo về tình trạng cạn kiệt địa chỉ mạng (IPv4) do sự bùng nổ về số lượng của các thiết bị kết nối Internet như máy tính bảng, smartphone, laptop, netbook, desktop...
Về cơ bản, bạn có thể hiểu địa chỉ mạng như địa chỉ nhà (duy nhất, không trùng lắp) và Internet là một khu phố. Ai muốn vào ở trong khu phố cần phải có địa chỉ nhà, tương tự việc kết nối vào Internet phải có địa chỉ mạng.
Khu phố ngày càng đông đúc thì địa chỉ cũng ngày càng ít đi và sẽ dẫn tới tình trạng cạn kiệt địa chỉ nhà để cung cấp cho người mới. Do đó, việc mở rộng khu phố (chuyển từ IPv4 sang IPv6) là điều cần thiết.
Chuyển đổi từ IPv4 lên IPv6 là chuyển đổi từ địa chỉ mạng 32-bit lên 128-bit, đồng nghĩa với việc mở rộng địa chỉ mạng lên con số không tưởng. IPv6 (Internet Protocol version 6) có thể cung cấp đến 340 "nghìn tỉ nghìn tỉ của nghìn tỉ" địa chỉ mạng so với 4,3 tỉ địa chỉ của IPv4.
Hiện chỉ mới có một số hãng lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các tổ chức cơ quan chính phủ bắt đầu có kế hoạch chuyển đổi dần sang IPv6, tránh tình trạng bị động khi đến "thời điểm chết" của IPv4 được dự kiến vào quý 3-2011.
"Trái bom" WikiLeaks chấn động thế giới
Không phải bàn cãi nhiều về tầm ảnh hưởng của những tài liệu mật mà WikiLeaks công bố trong năm 2010. Hàng trăm hàng ngàn tin bài trên khắp các trang mạng liên tục đưa tin về sự kiện WikiLeaks, từ trước thời điểm công bố cho đến giai đoạn vị chủ nhân của trang web này là Julian Assange phải ẩn dật nhiều nơi như website của mình.
"Sức công phá" của những tài liệu mật được công bố đã làm bẽ mặt nhiều gương mặt ngoại giao tầm cỡ, những câu chuyện "hậu trường" của chính khách không mấy gì tốt đẹp đã bị phơi bày công khai mà chỉ cần một cú click chuột để tải về máy.
Ngày 25-12 vừa qua, tổng biên tập WikiLeaks, ông Julian Assange đã được báo Le Monde của Pháp và độc giả tạp chí Time bầu chọn là "Nhân vật của năm". Hiện ông đang ở Anh dưới sự quản thúc của chính quyền địa phương. Các công tố viên Thụy Điển cáo buộc ông cưỡng bức hai phụ nữ và yêu cầu dẫn độ ông.
WikiLeaks và Julian Assange sẽ còn tạo ra các sự kiện nóng trong năm 2011.
Facebook: bành trướng, mã độc và...
Tương tự Google hai năm về trước, Facebook trở thành câu nói cửa miệng hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới. "Hôm nay có cập nhật Facebook chưa?", "Đừng qua nông trại của tôi ăn trộm hoa nhé" (game nông trại ảo)... là những trạng thái được cập nhật mỗi ngày trên mạng xã hội Facebook.
Hàng triệu website trên Internet giờ đây đều có "bóng dáng" Facebook qua nút "Like" hay phần chia sẻ ở dưới các tin bài hay các hộp thông tin chứa danh sách người hâm mộ của website từ Facebook...
Mạng xã hội này hiện diện khắp nơi trên Internet. Nhiều dịch vụ khác "ăn theo" cũng lần lượt đưa chức năng "hỗ trợ Facebook" vào sản phẩm của mình như Skype 5.0 hay Windows Live Messenger 2011 và Yahoo Messenger 11.
Tuy vậy, mỗi lần dịch chuyển là mỗi lần Facebook làm nghẹt thở các đối thủ. Sự bành trướng của Facebook cũng đồng nghĩa với sự ra đi của nhiều đối thủ khác. Những nhà cung cấp dịch vụ ở quy mô nhỏ và trung bình bị đè bẹp.
Không chỉ thế, trong số các "nạn nhân" của Facebook còn có cả những tên tuổi từng là "ông lớn" như mạng xã hội Friendster hay MySpace, buộc MySpace phải đưa ra chính sách "mềm dẻo" qua việc hợp tác với Facebook, hoặc đe dọa vị trí của những dịch vụ đang dẫn đầu như Yahoo Flickr (lưu trữ và chia sẻ ảnh số) hay dịch vụ email Windows Live Hotmail, Yahoo! Mail hay Gmail qua chức năng tin nhắn mới mà Facebook sắp triển khai.
Tuy vậy, Facebook cũng gặp phải sự phản công mạnh mẽ từ Google. Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến dự kiến cho ra mắt mạng xã hội để đối đầu với Facebook.
Cuối cùng, virus và mã độc cũng là cụm từ được nhắc đến song hành cùng Facebook. Phạm vi rộng lớn và tính chất liên kết giữa các tài khoản là môi trường màu mỡ cho tin tặc phát tán mã độc hay lừa đảo. Rất nhiều tài khoản đã một đi không trở lại khi nạn nhân ngây thơ click vào các link được gửi đến trong tài khoản Facebook.
Sự kiện Google tại Trung Quốc
Từ giữa tháng 12-2009 đến đầu năm 2010, hệ thống máy chủ của Google và các công ty lớn tại Mỹ bị tin tặc tấn công, dẫn đến việc Google tuyên bố ngưng cung cấp các dịch vụ của mình như công cụ tìm kiếm tại thị trường Trung Quốc.
Theo thông tin công bố trên nhiều trang tin công nghệ uy tín thì đợt tấn công này được cho là xuất phát từ những hacker tại Trung Quốc. Vụ việc càng thêm sáng tỏ sau khi thông tin về các tài khoản email Gmail của Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài (FCC) ở Trung Quốc bị hack. Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ những thông tin trên.
Tháng 3, Google.cn (Trung Quốc) đã phải đóng cửa và chuyển hướng sang Google.hk (Hong Kong) do Google và Chính phủ Trung Quốc không đạt được thỏa thuận về việc kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm trên Google.cn.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận