Không ít người cảm thấy bực bội thật sự khi bị làm phiền bởi những cuộc gọi không mời mà đến từ các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, mua bán bất động sản…
Nhưng tại sao những nơi này lại có chi tiết các thông tin cá nhân rõ như thế? Ít ai biết rằng có cả một thị trường mua bán thông tin cá nhân được hình thành và vì mục đích kinh doanh, người ta sẵn sàng mua nó với bất kỳ giá nào…
Người dùng điện thoại di động liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi quảng cáo các dịch vụ cho vay tín dụng, bảo hiểm... Và không ít người thắc mắc không hiểu từ đâu nhân viên các công ty bảo hiểm, ngân hàng kia lại có được những thông tin cá nhân của họ.
Anh N.H.D., chủ nhân hai số thuê bao MobiFone trả sau 090896xxxx và 090818xxxx khiếu nại việc nhà mạng MobiFone tiết lộ thông tin cá nhân của anh ra bên ngoài.
Cụ thể anh D. phản ảnh: “Thời gian gần đây không hiểu vì sao một công ty bảo hiểm có các chi nhánh ở TP.HCM gọi điện thường xuyên vào hai số điện thoại của tôi để tư vấn cho vay tiền. Tôi đã nhiều lần từ chối, thậm chí không thừa nhận đây là số điện thoại của tôi nhưng các nhân viên luôn khẳng định “đây là số máy của anh D. mà” và đọc họ tên tôi một cách chính xác”.
Anh D. khiếu nại: “Tại sao công ty này lại có được thông tin cá nhân và số điện thoại của tôi trong khi những thông tin đó tôi chỉ cung cấp cho MobiFone mà thôi?”.
Nhiều cách kiếm dữ liệu
Rất nhiều người cũng khẳng định bị làm phiền bởi những cuộc gọi như vậy, đặc biệt là thời điểm những ngày cuối năm này.
Chị Uyên, chủ thuê bao Vinaphone 091885xxxx, cho biết thường xuyên phải nhận những cuộc gọi không mong muốn từ các nhân viên một số ngân hàng giới thiệu dịch vụ cho vay tiền. Chị thắc mắc: “Không hiểu vì sao họ có được số điện thoại cá nhân của mình?”.
Tương tự anh T. (quận 10, TP.HCM), chủ nhân thuê bao Viettel trả trước 098827xxxx, cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại của một công ty bảo hiểm, chi nhánh quận 8, TP.HCM. Khi anh T. hỏi tại sao có được số điện thoại cá nhân, nhân viên này trả lời: “Bên em có bộ phận marketing chuyên thu thập thông tin của khách hàng từ nhiều nguồn. Còn em gọi trực tiếp từ tổng công ty. Kinh doanh mà anh, tụi em biết được mới hay chứ!”.
Chị N. từng làm việc cho một công ty bảo hiểm cho biết ở công ty này có bộ phận lo việc tìm kiếm thông tin khách hàng để cung cấp cho bộ phận tổng đài. Nhân viên tổng đài chỉ việc gọi theo số điện thoại cho sẵn để quảng cáo dịch vụ mà thôi. Còn cách thu thập thông tin khách hàng cụ thể như thế nào thì tùy từng người.
Chị N. khẳng định gần như không có người nào siêu cần cù đến mức đi góp nhặt từng thông tin về khách hàng để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn.
Chị chỉ tiết lộ: “Thời này áp dụng công nghệ triệt để nên người ta có nhiều cách kiếm dữ liệu khách hàng dễ dàng. Mình có thể đi mua từ những người chuyên thu thập dữ liệu khách hàng hoặc liên hệ thẳng với nơi có nguồn dữ liệu thông tin khách hàng cần thiết để hỏi mua”(!?).
Hình thành “hàng hóa” thông tin cá nhân
Theo ông Lê Mạnh Hùng, phó chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số, thông tin của khách hàng đang trở thành yếu tố sống còn với sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh bùng nổ mobile marketing (tiếp thị di động). Trong đó thông tin quan trọng nhất của một cá nhân hiện nay chính là số điện thoại cá nhân - con đường nhanh nhất và tiện lợi nhất để tiếp cận với khách hàng.
Vì vậy doanh nghiệp phải làm nhiều cách để tiếp cận với nguồn thông tin khách hàng, kể cả việc dùng chiêu: “Hãy để ý hầu hết các dịch vụ ngoài đời thực hay trên Internet hiện nay đều yêu cầu (nhưng không bắt buộc) người dùng cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Lý do được đưa ra rất thuyết phục, đó là “để chúng tôi có thể liên lạc công việc hay chăm sóc bạn tốt hơn”. Điều này khiến hầu hết người dùng dễ dàng cung cấp số điện thoại cá nhân của mình” - ông Hùng nói.
Khi đã xây dựng được kho dữ liệu khách hàng phong phú, doanh nghiệp có thể sử dụng cho chính hoạt động kinh doanh của mình hoặc đem đi bán. Từ đó hình thành loại “hàng hóa” thông tin cá nhân.
Thế nhưng trong thực tế, quá trình xây dựng được dữ liệu khách hàng phong phú là rất khó. Không mấy ai chịu bỏ sức đi cóp nhặt từng thông tin cá nhân. Chỉ có những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ không cần nhiều khách hàng mới làm theo cách xây dựng nói trên.
“Còn đa số doanh nghiệp cần lượng khách hàng lớn thì không thể theo con đường này được. Họ sẽ phải đi mua dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn dữ liệu thông tin cá nhân lớn nhất hiện nay chỉ có thể tìm kiếm từ các đơn vị quản lý chứ chẳng nơi nào khác có được” - ông Hùng khẳng định.
Thị trường buôn bán thông tin cá nhân hình thành như vậy.
Ai tiết lộ thông tin?
Chúng tôi đã gửi một số câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin khách hàng đến ba nhà mạng di động đang sở hữu lượng thuê bao lớn nhất hiện nay là Viettel, MobiFone và Vinaphone.
Đến thời điểm này Viettel vẫn chưa trả lời Tuổi Trẻ, hai mạng còn lại chỉ trả lời chung chung. Bà Thu Hồng, đại diện truyền thông Vinaphone, cho biết: “Vinaphone khẳng định không cung cấp hay tiết lộ bất cứ thông tin bí mật nào của khách hàng”. Đại diện MobiFone cũng chỉ cho biết: “MobiFone cam kết và khẳng định: mọi thông tin cá nhân của khách hàng trên mạng MobiFone được tuyệt đối bảo mật”.
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, nhận định: “Có rất nhiều khả năng để nguồn dữ liệu thông tin nhân viên hay khách hàng của một tổ chức bị lộ ra ngoài, trong đó nguy cơ lớn nhất là từ con người làm trong tổ chức đó”.
Theo phân tích của ông Thắng, những cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu về thông tin khách hàng sẽ chủ động liên lạc đặt vấn đề với những nơi có thể có nguồn thông tin lớn: công ty nghiên cứu thị trường, các hiệp hội, trung tâm mua sắm, thậm chí cả các trang diễn đàn mạng, tìm việc làm trực tuyến...
Đối tượng là những cá nhân có liên quan trực tiếp đến nguồn dữ liệu thông tin. Sau đó bằng con đường “quan hệ rộng” hoặc “đặt vấn đề” thẳng mà người ta có thể xin hoặc mua danh sách thông tin. Danh sách này có thể tiếp tục được mua đi bán lại nhiều lần như một món hàng.
Trưởng ban công nghệ thông tin của một câu lạc bộ doanh nhân ở TP.HCM kể: “Trước đây từng có một doanh nghiệp bất động sản liên lạc với một thành viên trong ban thư ký câu lạc bộ chúng tôi để hỏi mua danh sách các doanh nhân hội viên, gồm các thông tin email, điện thoại, địa chỉ, giám đốc, nhóm ngành nghề hoạt động và số vốn đăng ký kinh doanh... Người thư ký đó đã đồng ý bán nhưng rất may chúng tôi phát hiện và ngăn chặn kịp thời”.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, chia sẻ: “Có một lỗ hổng lớn trong cách quản lý của nhiều công ty ở Việt Nam hiện nay, là khi nhân viên liên quan đến nguồn dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng hoặc nhân viên công ty nghỉ việc để sang một công ty khác thì các cơ sở dữ liệu thông tin cũng đi theo nhân viên đó. Khách hàng nào “vô phước” nằm trong những dữ liệu này sẽ bị tra tấn liên tục”.
Liệu có phải những thông tin cá nhân chỉ bị rò rỉ bởi các nhân viên, các công ty... hay còn những nguồn nào khác?
Ông Lê Mạnh Hùng (phó chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số, giám đốc Công ty truyền thông ABC):
Rất khó điều tra nguồn tiết lộ!
“Công ty tôi kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nội dung số, nhưng kho dữ liệu khách hàng của riêng công ty tôi cũng không chỉ nằm trên máy chủ của công ty mà còn nằm ở các nhà mạng.
Do đó, dù tôi có đầu tư cả kỹ thuật lẫn con người để bảo vệ thông tin khách hàng của mình thì nó vẫn hoàn toàn có thể bị lộ và thực tế đã bị lộ rất rõ ràng. Những đơn vị khác vẫn có được thông tin khách hàng của tôi và tiến hành câu kéo về phía họ.
Ngay cá nhân tôi suốt ngày cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm... và họ biết rất rõ về tôi.
Chúng tôi làm trong ngành dịch vụ nội dung số nên thường xuyên nhận được rất nhiều lời chào hàng từ các đơn vị, cá nhân bán dữ liệu cá nhân. Những dữ liệu đó được quảng cáo là đã phân chia chi tiết theo nhà mạng, sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng gì...
Tình trạng lộ thông tin cá nhân người dùng hiện nay đang ở mức độ báo động, thế nhưng con đường tiết lộ thông tin này có rất nhiều hướng và rất khó điều tra, ngoại trừ cơ quan chức năng”.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận