Việt Nam đã có tới hai tấm giấy phép mạng di động ảo được cấp phép. Nhiều chuyên gia nhận định, với các điều kiện không quá khắt khe như hiện nay, việc để có tấm giấy phép khá dễ dàng, nhưng để các mạng di động ảo thực sự đi vào hoạt động lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đặc biệt trong năm 2011 này, thị trường thông tin di động vốn được nhận định sẽ khó khăn ngay cả với những “người cũ”.
Mạng di động ảo (MVNO) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong lĩnh vực viễn thông. Năm 2010, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc cấp tấm giấy phép thứ hai cho mạng di động ảo của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Trước đó gần một năm, mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam Đông Dương Telecom được cấp phép.
Điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng ảo là chỉ cần tuân thủ các quy định về cấp phép trong Luật Viễn thông. Mạng di động ảo không có băng tần riêng mà sử dụng hạ tầng và băng tần của các mạng di động khác. Nhận giấy phép không quá khó khăn là vậy song xem ra, việc triển khai thực tế lại có vẻ như không mấy dễ dàng.
Bằng chứng là cho tới thời điểm này, đã gần 1 năm rưỡi có tấm giấy phép trong tay, mạng di động ảo đầu tiên Đông Dương Telecom vẫn chưa được ra mắt người dùng Việt. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp đầu số di động 099 cho ba doanh nghiệp trong đó có mạng di động ảo Đông Dương Telecom.
Còn mạng di động ảo thứ hai là VTC thì vẫn khá im hơi lặng tiếng. Khi nhận giấy phép, đại diện của doanh nghiệp đã tiết lộ, sẽ hợp tác với EVN Telecom để cung cấp mạng di động ảo. Và giờ, mọi tuyên bố cũng vẫn chỉ là tuyên bố. Các chuyên gia viễn thông cho rằng, sở dĩ các tấm giấy phép triển khai mạng di động ảo của Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận được lại chỉ… để đó vì họ gặp khó khăn trong bài toán kinh doanh khi cung cấp dịch vụ.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, việc triển khai MVNO có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đệ đơn xin cấp phép, doanh nghiệp này đã không lường trước được sự khắc nghiệt của thị trường thông tin di động Việt hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội thành công trong việc kinh doanh mạng di động ảo giờ đang ngày càng ít hơn khi mà cuộc chiến giữa các mạng có hạ tầng mỗi ngày một quyết liệt hơn.
Với con số ngót 150 triệu thuê bao di động, thị trường đang đứng trước ngưỡng của sự bão hoà khiến ngay cả các doanh nghiệp vốn được xây dựng hạ tầng nhưng “sinh sau đẻ muộn” như Vietnamobile hay Beeline còn đang chật vật kinh doanh, thì mạng di động ảo được dự báo khi tham gia cung cấp sẽ còn gặp khó hơn rất nhiều để có được thị phần nhất định.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của mạng di động ảo Đông Dương Telecom cho hay, kiểu gì, doanh nghiệp cũng phải triển khai cung cấp dịch vụ trong năm 2011 này. Và thời gian dự kiến đã được đưa ra đó là khoảng cuối quý I/2011. Tuy nhiên, ở thời điểm này, ngoài thông tin này, doanh nghiệp không thể tiết lộ thêm được điều gì nữa, chỉ biết rằng, bài toán kinh doanh sao cho hiệu quả vẫn còn ngổn ngang, khiến họ đang khá đau đầu tìm lời giải.
Quả thực, với những doanh nghiệp đã tham gia thị trường và có hạ tầng mạng lưới của riêng mình, thời gian tới còn được giới chuyên môn dự báo sẽ gặp không ít khó khăn để có thêm thị phần mới khi năm 2011 được dự báo sẽ có sự chững lại của thị trường viễn thông di động, nên không là quá khi đưa ra nhận định, các mạng di động ảo đang đứng trước một cánh cửa khá hẹp để có thể bước chân vào thị trường.
Năm 2011 được dự báo, lượng thuê bao 2G sẽ không còn phát triển mạnh như năm 2010 trở về trước nữa mà sẽ tăng trưởng chậm hơn, nhường bước cho các thuê bao di động băng rộng mới. Ngay cả bản thân các doanh nghiệp thông tin di động vốn được coi là các “đại gia” trên thị trường cũng sẽ phải tính đến một bài toán kinh doanh hiệu quả hơn huống hồ là những doanh nghiệp chân ướt chân ráo mới chỉ chuẩn bị bước vào.
Theo VnMedia
Bình luận