Trước những tác hại không mong muốn của game online cho xã hội, thời gian qua nhiều cấp, ngành đã đau đầu tìm phương hướng giải quyết. Nhưng đến nay những việc này chưa đem lại hiệu quả cao như mong đợi.
Mới đây, có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên thắt chặt biện pháp tài chính, “đánh” vào túi tiền để từ đó hạn chế người chơi.
Cấm chơi game sau 23 giờ: Bất lực?
Mặc dù các cơ quan chức năng tỏ ra khá mạnh tay trong việc quản lý giờ mở cửa của các đại lý Internet, song việc đại lý cho game thủ chơi sau 23 giờ vẫn diễn ra tấp nập. Nhiều đại lý còn đóng cửa bên ngoài để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, còn phía bên trong vẫn sẵn sàng cho game thủ “cầy” thâu đêm suốt sáng.
Ghi nhận của phóng viên Vietnam+ tại một cửa hàng Interrnet ở khu vực gần trường Cao đẳng Kinh tế (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho thấy, sau 23 giờ, các game thủ vẫn say sưa “chém, giết”.
Ông Nguyễn Văn Thành, một cư dân ở khu vực này cho hay, việc quán game cho chơi thâu đêm đôi khi làm mất trật tự khu phố. “Có đêm tôi đang ngủ say, thấy tiếng cười nói huyên náo rất khó chịu từ các cháu học sinh chơi đêm. Chả hiểu bố mẹ chúng quản lý thế nào mà để con đi chơi về muộn thế,” ông Thành nói.
Tại một số điểm chơi game ở ngõ 48 Tạ Quang Bửu (Bách Khoa, Hà Nội) cũng vậy. Sau 23 giờ, các quán đa phần đều đóng cửa, để game thủ chơi ở bên trong. Khi thấy người lạ ấn chuông, một chủ quán game đã từ chối khách với lý do “đã hết giờ mở cửa.”
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, bằng những biện pháp kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, đến nay đã đóng cửa được các đại lý Internet gần trường học. Riêng với các đại lý hoạt động sau 23 giờ thì vẫn còn tồn tại.
Theo ông Bản, lý do của việc này là bởi nhiều đại lý mở ra núp dưới danh nghĩa đường truyền internet cá nhân, khiến doanh nghiệp không thể cắt, hoặc đóng đường truyền theo quy định.
Tăng giá để quản lý
Trên thực tế, việc quản lý các đại lý Internet còn gặp nhiều khó khăn khi các đại lý liên tục lách luật. Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy định giữa các bộ, ngành còn chồng chéo. Lấy ví dụ, quy định về giờ mở cửa các đại lý Internet của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch là 6 giờ-23 giờ, còn Bộ Thông tin và Truyền thông là 8 giờ-22 giờ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động này có nền nếp, có lẽ việc quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức xã hội. Thế nhưng, trong khi vấn đề giáo dục, tuyên truyền chưa “mưa dầm thấm đất” thì những biện pháp mạnh tay của các nhà quản lý vẫn là một công cụ hữu hiệu.
Mới đây, trong một cuộc đối thoại về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT cho rằng “để siết chặt quản lý Internet, các cơ quan cần tính đến biện pháp về tài chính.”
Theo đó, nếu các cơ quan chức năng cùng ngồi lại, bàn cách tăng giá, thuế với ngành này, khiến giá của giờ chơi Internet tăng cao. Đến một mức nào đó, giá thành cao sẽ không khuyến khích người chơi thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ông Phạm Quốc Bản cho rằng, đây là ý tưởng rất tốt. Song, để hiện thực nó thì còn là một bài toán khó.
Ông Bản cũng đưa ra ví dụ về việc trong quá trình siết chặt quản lý các đại lý Internet, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã kiến nghị cần rút giấy phép kinh doanh, tiến tới cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện đối với các đại lý này.
Tuy nhiên, kiến nghị này đến nay vẫn... không thực hiện được bởi nó không đồng nhất với quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Bởi vậy, ông Bản cho rằng để quản lý chặt đại lý Internet, game online thì không chỉ nỗ lực của một ngành, mà cần sự vào cuộc của tất cả các cấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nhận thức được tác hại của nó để định hướng cho hoạt động kinh doanh. Bản thân bố mẹ phải quản lý giờ giấc của con cái cũng như giáo dục, hướng dẫn người sử dụng đúng cách để bảo đảm sức khỏe của mình.
Theo Vietnam+
Bình luận
tăng giá chưa giải quyết được vấn đề
các cụ khéo vẽ tăng thu nhập cho nhà mạng. Vấn đề chủ chốt ở nhà phát hành game bán vật phẩm đắt nhưng lại không công nhận tài sản ảo do chính mình phát hành. Nói thật một câu tiền trơi đắt mấy game thu vẫn ngồi được nhưng tiền đó game thủ lấy ở đâu thì các cụ lại phải bàn đấỵ
thời buổi giá cả!
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, thì hình như là internet là một công cụ không thể thiếu cho việc học tập, giải trí, để trả chi phí thuê bao hàng tháng hay hàng giờ củng là một vấn để hết sức khó khăn đối với những đai đa số các HẦU BAO, nhất là với các bạn sinh viên, người dùng bình dân thì càng khó hơn.
Với biện pháp thắt chặt tài chính để hạn chế chơi game online, theo mình nghỉ là chưa được hợp lý cho lắm, ai sẻ lợi nhuận trong việc này? người dùng hay là nhà mạng?. và liệu với việc trả một khoảng tiền như vậy thì In tờ nét có còn phổ biến rộng cho người dùng hay không, và cuộc sống sẻ ra sao nếu thiếu Internet? và VN bao giờ mới vươn ra tầm quốc tế.
Đừng để một việc không lớn lắm mà ảnh hưởng tới một cộng đồng!