Cảm biến CMOS cỡ 16 x 16 pixel được đặt trên một tấm nhựa đàn hồi có thể điều khiển độ cong bằng việc rút ra hay bơm vào lượng chất lỏng nằm khoang dưới của tấm nền. Ảnh: Dpreview.

Với cảm biến thay đổi theo sự thay đổi của ống kính, ứng dụng mới hứa hẹn ảnh trên điện thoại hoặc ống nhòm sẽ đạt chất lượng cao hơn.

Các nhà khoa học tại đại học Tây Bắc và đại học Illinois (Mỹ) vừa công bố một công trình mới về chiếc máy ảnh có khả năng uốn cong để lấy nét, do đó chỉ cần một ống kính đơn giản cũng có thể đạt được chất lượng cao.

Cơ chế hoạt động mới này khá đơn giản. Một cảm biến CMOS kích cỡ 16 x 16 điểm ảnh được đặt trên một tấm nền nhựa đàn hồi có thể điều khiển độ cong bằng việc rút ra hay bơm vào lượng chất lỏng nằm khoang dưới của tấm nền đó.

Ống kính thì được thiết kế chỉ với một thấu kính là một tấm màng nhựa trong suốt nhưng được đặt ngoài một khoang chứa chất lỏng. Cũng bằng việc thay đổi lượng nước của khoang chứa chất lỏng có thấu kính này sẽ làm thay đổi hình dạng của thấu kính, từ đó thay đổi được độ phóng đại. Độ cong của cảm biến phía dưới cũng được điều chỉnh cùng với độ cong của thấu kính chất lỏng này để thu nhận toàn ảnh phản chiếu qua thấu kính.

Với cấu tạo và nguyên tắc hoạt động đơn giản, các nhà khoa học hy vọng rằng công nghệ mới sẽ có những ứng dụng hữu ích trong việc sản xuất các thiết bị ống nhòm đêm, đèn nội soi hay các camera điện thoại vốn yêu cầu cơ chế zoom đơn giản và góc nhìn rộng. Nhất là lĩnh vực ống nhòm đêm và nội soi vốn vẫn là các lĩnh vực có những thiết bị quá đắt tiền như hiện nay.

Mặc dù còn khá nhiều thách thức trong việc hoàn thiện công nghệ để thương mại hóa cũng như nâng số điểm ảnh lên vài triệu, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết rất lạc quan về công nghệ mới này. Hiện đã có công ty đến đàm phán về hợp đồng "li-xăng" cũng như thương mại hóa công nghệ mới, vì thế họ cho rằng nếu thuận lợi, chỉ một vài năm nữa công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường.

Theo Số hóa



Bình luận

  • TTCN (0)