Vượt qua hơn 150 sản phẩm tham dự, Hệ thống học và luyện thi trực tuyến của AI Việt Nam và hệ điều hành Web Operating System của nhóm Tia chớp Việt đã đoạt 2 giải cao nhất trong đêm chung kết Nhân tài Đất Việt, được tổ chức tối 20/11/2007 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Đêm chung kết Nhân Tài Đất Việt 2007 có 17 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia tranh tài ở cả hai hệ thống giải: Hệ thống giải cho các sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi và hệ thống giải cho các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Tương ứng với mỗi hệ thống giải có một giải nhất trị giá 100 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng và giải ba 30 triệu đồng.
Hệ thống giải thưởng cho sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi trong thực tế có 7 sản phẩm được đề xuất vào vòng chung kết. Giải pháp học trực tuyến và thi trực tuyến của AI Việt Nam ứng dụng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đã vượt lên những đối thủ và xuất sắc đoạt giải Nhất bởi hiệu quả trong ứng dụng.
Hệ thống được phát triển với 2 module chính là Trường học online và Hệ thống thi sát hạch trực tuyến. Đây là hệ thống đã được nhóm tác giả triển khai ứng dụng trong thực tế tại địa chỉ school.aivietnam.net (trường học online) và test.aivietnam.net (thi sát hạch). Hệ thống đã cung cấp dịch vụ cho nhiều trung tâm thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Cả hai hệ thống đều được phát triển dựa trên portal mã nguồn mở của dotnetnuke trên cơ sở ngôn ngữ Visual Basic .NET, hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server 2000. Hệ thống trường học trực tuyến cung cấp các khoá học với nội dung dạng text, các đường dẫn đến tài liệu tham khảo và bài giảng video. Người học có thể tự sắp xếp thời gian và tiến trình học tập của mình tuỳ thuộc vào ràng buộc của khoá học. Sau khi học xong, học viên sẽ tham dự buổi thi và sẽ được chấm điểm tự động, được cấp giấy chứng nhận nếu có nhu cầu. Đối với người quản trị, hệ thống cho phép quản lý các khoá học, lớp học, phòng chat và thông báo...
Giải nhì cho sản phẩm đã ứng dụng được trao cho nhóm tác giả Listen Me! với sản phẩm Phần mềm hỗ trợ trẻ em khiếm thính luyện âm, tập nói và rèn luyện tư duy, phiên bản 2.0.
Đối tượng chính được phần mềm này hướng tới là trẻ khiếm thính từ lớp 1 trở xuống và ở mức độ khiếm thính nhẹ. Phần mềm bao gồm một giáo trình (phiên bản 2.0), gồm 4 phần chính là Học Toán, Học Vần, Luyện phát hơi và Luyện nghe. Phần mềm cũng có các module hỗ trợ luyện phát âm, luyện khẩu hình miệng, module mô phỏng 3D cách phát âm, module hỗ trợ giúp bé tập viết và một từ điển múa dấu.
Giải ba cho sản phẩm đã ứng dụng thuộc về nhóm tác giả Lê Nguyên Quang, Nguyễn Đức Anh, Trần Duy Hải với sản phẩm Hệ thống tính cước Ghise Online tập trung dựa trên công nghệ Internet - 7018 hiện đang ứng dụng rộng rãi tại hệ thống các bưu cục tỉnh Bắc Ninh.
Giải Nhất của hệ thống giải thưởng cho nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng thuộc về sản phẩm Hệ điều hành Portals - 7083 của nhóm Tia Chớp Việt, thuộc công ty CP Giải pháp Công nghệ cao TCV gồm các thí sinh Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Nam, Bùi Tiến Đại, Nguyễn Đăng Khoa, Ngô Văn Ngọc, Lưu Kim Khánh, Trịnh Công Minh, Phạm Trung Thành, Nguyễn Đăng Khanh.
Từ ý tưởng Portals Desktop, sau nhiều lần trao đổi, thảo luận, "Web Operating System" đã là tên chính thức cho sản phẩm Hệ điều hành web của Nhóm Tia Chớp Việt thuộc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ cao. Xuất phát từ những ý tưởng ban đầu muốn xây dựng một hệ thống Cổng thông tin đa cấp, những tác giả của sản phẩm Hệ điều hành web (Web Operating System) đã xây dựng phần mềm nhằm tối ưu hóa những tính năng (quản trị hệ thống, xây dựng cấu trúc dữ liệu) mô phỏng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Long cho biết Web Operating System lấy các portal làm đối tượng trung tâm, trong đó mỗi portal hướng đến một lĩnh vực, một đối tượng sử dụng thông tin khác nhau, các portal cấp cao lại được phân thành các portal cấp thấp hơn. Đặc biệt, trên hệ điều hành có một loại portal tiện ích gọi là SaaS (kế thừa của dòng sản phẩm ERPAAS hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp theo mô hình SaaS – sản phẩm đã đạt giải thưởng Triển Vọng trong cuộc thi Nhân tài đất Việt 2006). SaaS là các phần mềm quản lý được triển khai trực tiếp trên mạng internet theo phương thức cho thuê phần mềm.
Nhóm giải thưởng tiềm năng ứng dụng năm nay không có giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về Chương trình soạn thảo trắc nghiệm - Lino Program 5.0 của tác giả Nguyễn Linh và sản phẩm Framework hỗ trợ phát triển game 3D trên Pocket PC của Lê Quang Song và Vũ Minh Thành.
“Sự trùng lặp về sản phẩm dự thi năm nay không nhiều. Những nhóm chuyên làm về công nghệ mới như dịch vụ web, dịch vụ portal đã có rất nhiều cải tiến. Nhóm tích hợp với mục tiêu cố gắng đưa ra những ứng dụng mang lại lợi ích xã hội cũng có chất lượng tốt hơn”, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hiệp hội Tin học Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2007, nhận xét.
Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp cuộc thi Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng nhận được sự tài trợ chính của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT, Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT. Theo thống kê của Ban Tổ chức, năm nay có gần 400 thí sinh tham gia gồm đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội đến từ khắp nơi trên Tổ quốc và cả những thí sinh hiện đang sống và làm việc tại nước ngoài. Thí sinh tham gia nhỏ tuổi nhất là em Trương Đông Phong mới 8 tuổi và lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Phú Thụy – 61 tuổi. Với sức lan tỏa của Nhân tài Đất Việt, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã gửi thư động viên khen ngợi các thí sinh đã và đơn vị tham gia tổ chức. Chủ tịch nước hoan nghênh sáng kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2008 sẽ được mở rộng sang cả 2 lĩnh vực : CNTT-TT và Y tế.
“Thế hệ trẻ có sức khỏe, có ước mơ hoài bão lớn sẽ sớm hội nhập với bạn bè bốn phương. Các bạn không ngừng trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để nền CNTT nước nhà sánh vai với các cường quốc năm châu”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Bộ TT-TT - đơn vị tham gia bảo trợ cuộc thi, phát biểu khép lại đêm chung kết Nhân tài Đất Việt 2007.
Hưng Hải (VNN)
Bình luận