Dù đã rất cẩn thận và nhẹ nhàng khi cào nhưng dòng mã số bí mật vẫn bị bong tróc, khiến chị không thể nạp được tiền. Nghĩ là do lỗi của mình, chị Hiền vội đi mua một thẻ khác về để nạp lại. Nhưng lần này vẫn chẳng khá hơn.
Đang bận rộn với đủ thứ việc vào thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng của mạng di động Viettel không khỏi bực mình khi vài ngày qua họ mua thẻ cào của Viettel về nhưng không thể nạp tiền vào máy. Đây đã là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Viettel để xảy ra tình trạng này.
Chị Hiền, ngụ ở đường Kim Ngưu, cho biết, hôm thứ 7 ngày 22/1, chị đi mua thẻ nạp tiền Viettel trị giá 50.000 đồng ở một điểm bán sim thẻ gần nhà. Tuy nhiên, dù đã rất cẩn thận và nhẹ nhàng khi cào nhưng dòng mã số bí mật vẫn bị bong tróc, khiến chị không thể nạp được tiền. Nghĩ là do lỗi của mình, chị Hiền vội đi mua một thẻ khác về để nạp lại. Nhưng lần này vẫn chẳng khá hơn.
Không hiểu lí do vì sao, chị Hiền mang thẻ ra chỗ người bán để hỏi lại, thì được cô bán hàng giải thích, họ mua thẻ từ đại lí của Viettel rồi bán lại, nên cũng không biết nguyên nhân vì sao lại thế. Chị bán hàng còn cho biết, đợt này có rất nhiều khách hàng mua thẻ cào Viettel phản hồi như vậy.
Đang cần nạp thẻ để gọi điện, nhưng sợ mua thẻ cào khác lại gặp phải sự cố tương tự, chị Hiền đành gọi điện đến số điện thoại "nóng" của Viettel và được nhân viên tổng đài ở đây hướng dẫn là mang hai chiếc thẻ lỗi ra cửa hàng giao dịch để được đổi thẻ. Hôm sau, chị Hiền đến phòng giao dịch Viettel trên đường Minh Khai và "té ngửa" khi biết mình không phải là "nạn nhân" duy nhất. Hàng loạt khách hàng đã ngồi xếp hàng từ trước để đợi đổi thẻ vì sự cố giống hệt.
Một đại diện phòng truyền thông Viettel Telecom xác nhận, đúng là có một lượng thẻ cào của Viettel được in mới đây bị lỗi phần cào mã số, khiến khách hàng không đọc được toàn bộ mã số thẻ nên không nạp tiền được.
Nguyên nhân là do Viettel mới thay đổi đối tác nhập hàng in thẻ và thay đổi tiêu chí của thẻ cào là theo tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, loại thẻ này phát hành ở Việt Nam do khác biệt về khí hậu với châu Âu nên phần cào và phần chữ ghi mã số thẻ rơi vào tình trạng dễ bị bong tróc.
Anh Hiệu, ngụ ở đường Đại La cho hay, chiều 22/1 anh mua một chiếc thẻ cào Viettel mệnh giá 100.000 đồng và cũng không xem được đủ mã số nạp tiền. Vì có việc gấp, lại sợ mua tiếp thẻ hỏng, anh đành tìm điểm bán sim thẻ có máy in thẻ giấy để mua. Với loại thẻ này, mã số nạp tiền in trực tiếp trên thẻ, khách hàng không cần cào mà chỉ cần nạp trực tiếp mã số vào máy. Sang tuần mới, chợt nhớ đến cái thẻ Viettel hỏng, anh Hiệu định mang qua đại lí Viettel để hỏi lí do, thì tìm không thấy thẻ đâu. “Thế là tự dưng mất toi 100.000 đồng”, anh Hiệu tiếc nuối.
Với giọng rất bức xúc, chị Nhung, một khách hàng mua chiếc thẻ cào 100.000 đồng của Viettel hôm 23/1 nhưng không cào được số, cho biết: “Khi tôi gọi lên số tổng đài phục vụ báo hỏng và tiếp nhận khiếu nại dịch vụ di động 18008119 để phản hồi và hỏi lí do, nhân viên nói nguyên nhân là do người dùng cào mạnh tay quá nên bị bong cả số bên trong lớp mạ bạc. Tôi nghe cảm thấy rất ức chế, vì trước giờ tôi nạp thẻ đều cào như vậy, có bị làm sao đâu. Với lại thẻ cào mà mới cào đã bị bong số thì có thể chất lượng thẻ kém, sao nhà mạng lại đổ hết lỗi cho khách hàng”.
Trao đổi với PV, một đại diện phòng truyền thông Viettel Telecom xác nhận, đúng là có một lượng thẻ cào của Viettel được in mới đây bị lỗi phần cào mã số, khiến khách hàng không đọc được toàn bộ mã số thẻ nên không nạp tiền được. Nguyên nhân là do Viettel mới thay đổi đối tác nhập hàng in thẻ và thay đổi tiêu chí của thẻ cào là theo tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, loại thẻ này phát hành ở Việt Nam do khác biệt về khí hậu với châu Âu nên phần cào và phần chữ ghi mã số thẻ rơi vào tình trạng dễ bị bong tróc. “Đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát của nhà mạng, chúng tôi đã hủy tất cả thẻ bị lỗi còn lưu trong kho, còn số lượng thẻ đã phát hành, chúng tôi chỉ còn cách kêu gọi sự cộng tác của khách hàng. Nếu khách hàng nào mua phải thẻ này, thì có thể mang thẻ ra các điểm giao dịch của Viettel và đọc số seri của thẻ, nhân viên Viettel sẽ đổi lại thẻ khác với mệnh giá tương tự cho khách”, vị này nói.
Cũng theo vị đại diện này, thời gian qua, Viettel đã nhiều lần phải thay đổi đối tác phát hành thẻ cào, vì nhiều lí do, trong đó có việc hạn chế khách hàng không mua thẻ nhưng vẫn cào trúng số để nạp tiền.
Trước đó, cách đây tròn một tháng, một lô thẻ cào của Viettel cũng gặp sự cố tương tự, khiến người dùng cào thẻ bằng cách nào cũng không đọc được đầy đủ mã số nạp tiền. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thanh Vân, Phụ trách phòng truyền thông của Viettel Telecom, nguyên nhân của sự cố thẻ lần này lại khác. Đầu tháng 12/2010, Viettel bị mất một số lượng thẻ lớn, xuất phát từ đầu mối TP HCM. Lượng thẻ này đã phát tán đi rất nhanh. Do là đồ đánh cắp nên chúng được bán ra với giá rất rẻ, nên khách hàng đổ xô mua, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phát hành.
Để hạn chế tình trạng này, phía nhà mạng đã truy cập vào số seri của các thẻ bị mất và mã hóa chúng sang một tài khoản khác, nhằm tạo nên sự cố lỗi thẻ để khách hàng ra đổi lại. "Mặc dù gặp phải những phản hồi không tốt từ phía khách hàng nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì đây là giải pháp cần thiết và vẫn đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua thẻ”, bà Vân nói.
Chị Lê Thị Ngọc Bích, sinh viên khoa tài chính ngân hàng, ĐH Dân lập Thăng Long, cho hay, lần trước chị cũng mua phải thẻ lỗi của Viettel, nhưng chỉ có mỗi một địa điểm duy nhất của nhà mạng tại Hà Nội cho phép đổi thẻ. Chị phải đợi gần 4 tiếng ở phòng giao dịch Viettel số 1D Láng Hạ mới đổi được thẻ mới, đến lúc về thì tắc đường cả buổi tối vì người dân Hà Nội đổ xô ra đường đi chơi Noel. “Lần này còn may là nhà mạng cho phép đổi thẻ ở tất cả các điểm giao dịch của Viettel, tuy nhiên tôi cũng như các khách hàng khác của Viettel chỉ mong rằng những sự cố như thế này sẽ không bao giờ bị lặp lại nữa”, chị Bích nói.
Theo Báo Đất Việt
Bình luận
Tôi cũng bị tình trạng trên. Trong một tháng, mua ba 3 thẻ cào mà đã phải đem ra cửa hàng Viettel đổi lại thẻ mới. Lớp chứa chữ số khá mỏng nên khi dùng một vật cứng cào qua là cả lớp bạc bảo vệ và lớp chứa mã số thẻ bong tróc.