Ảnh chụp toàn cảnh Phú Mỹ Hưng (trên) và TP Pleiku (dưới).

Nhìn độ hoành tráng của tấm ảnh, người xem mới cảm nhận được sự kiên nhẫn của những người chụp ảnh Panorama khi muốn cho ra đời một tác phẩm khổng lồ.

Trong hàng loạt sự kiện chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một chàng trai Sài Gòn lặng lẽ vác máy chụp hình lên những tòa nhà cao nhất Hà Nội để cho ra một bức ảnh khổng lồ, gồm 1.000 tấm ghép lại. Theo Dương Vi Khoa, tác giả bức ảnh trên, với tấm ảnh có dung lượng 6,1 tỉ pixel, đây là tấm ảnh thể loại Panorama đầu tiên của Việt Nam đạt đến kỉ lục này.

Từ đơn giản

Góc máy hẹp mà khung hình cần lấy rộng, phương pháp đơn giản nhất chính là sử dụng phương pháp chụp Panorama nhằm thể hiện khung hình rộng nhất nhưng sẽ đem lại chi tiết chất lượng nhất hơn là phương pháp chụp góc rộng. Panorama, nói đơn giản chính là tấm ảnh có góc rộng được ghép bằng những tấm nằm kề nhau. Nếu chỉ là người chụp ảnh không chuyên, bạn vẫn có thể tạo nên một tấm ảnh Panorama hết sức đơn giản bằng máy chụp ảnh du lịch (PS). Đầu tiên, chúng ta lấy máy PS dùng chế độ tự động đo sáng để lấy thông số (ISO, F, tốc độ chụp, tiêu cự - zoom). Ví dụ: ISO 100, F=1/4, S=1/125, zoom=50 mm. Sau khi chụp tấm ảnh đầu tiên, chuyển về chế độ chụp Manual (“M”) chỉnh các thông số như thông số đọc được trên tấm ảnh đầu tiên. Chụp từng tấm một, tấm này đè lên tấm kia một chút, tốt nhất là khoảng 35% của tấm vừa chụp, cứ thế cho đến khi hết cảnh thì thôi! Đây là việc quan trọng nhất, theo kinh nghiệm của các tay ảnh chuyên chụp Panorama, chụp theo chiều dọc khi ghép lại sẽ đẹp hơn khi cầm máy ngang. Để tấm ảnh ra tốt nhất, bạn nên có chân đế để giữ máy ảnh luôn ổn định. Sau phần chụp, có rất nhiều phần mềm để ghép lại thành một tấm Panorama, mà sử dụng nhiều nhất chính là Photoshop với chức năng merge khá tiện dụng.

... Đến công phu

Trở lại với tấm ảnh khổng lồ về Hà Nội, tay máy Dương Vi Khoa cùng cộng sự Nguyễn Huy Trung Dũng mất khoảng 2 tiếng chụp liên tiếp 1.000 bức ảnh 16 megapixel bằng máy ảnh Canon EOS 1D Mark IV và ống kính EF 300 mm f/4 và 400 mm f/5.6L cùng một số phụ kiện khác trên đỉnh tòa nhà BIDV (25 tầng) tại đường Trần Quang Khải. Sau khi chụp, Vi Khoa đã dành hơn 24 giờ xử lí và ghép ảnh với hệ thống workstation HP Z800 để tạo nên tấm hình có kích cỡ 6,1 Gigapixel rõ đến từng chi tiết về thủ đô Hà Nội. Khi phóng to, người xem còn có thể thấy được cả biển số xe trên đường. Nếu in ở độ phân giải 72 dpi, ảnh có diện tích khoảng 780 m2.

Hoặc tấm ảnh chụp toàn cảnh Phú Mỹ Hưng dưới đây, phóng viên Báo Người Lao Động đã dùng máy ảnh Canon EOS 1D Mark III cùng ống kính EF 300 mm f/4, giữa nắng sáng trên tầng 12 của tòa nhà Lawrence S. Ting, quận 7 để cho ra bức ảnh gồm 200 tấm ảnh nhỏ ghép lại.

Tốn kém

Với thời @, việc thực hiện một tấm ảnh Panorama trở nên đơn giản nhưng lại tốn kém. Hiện tại một số máy ảnh số PS có chế độ Panorama, thực ra là cắt khuôn hình cho nó ra vẻ Panorama. Hoặc xịn hơn chắc các bạn đã biết tới những chiếc máy ảnh chuyên dụng chụp Panorama, như chiếc máy Horizon của Nga, chụp Panorama góc 120 độ. Vào tháng 9/2010, khi Sony tung ra dòng Sony Nex 5-10, giới chơi Panorama gần như ngẩn ngơ khi chỉ cần một phát kéo máy, một tấm ảnh Panorama ra đời ngay lập tức mà không cần bất cứ một phần mềm hỗ trợ nào. Hoặc nếu có 4.000 USD, chiếc RoundShot đến từ Thụy Sĩ bạn mua được có thể cho ra đời ngay lập tức một tấm ảnh Panorama 360 độ. Nhưng khủng nhất chính là con máy Panorama 360 độ Digital, có tên là Seitz, độ phân giải lên tới 160 megapixel với giá cũng khủng... trên dưới 30.000 EUR.

Không chỉ kiên nhẫn, người chơi ảnh Panorama cần có sức khỏe và kĩ thuật chụp ảnh tốt. Bởi những tấm ảnh Panorama đều luôn chụp ở góc cao hoặc góc rộng, đầy gió. Ngoài máy ảnh tốt, còn phải mang theo nhiều phụ kiện nhằm hỗ trợ tháp máy hoặc gá máy đỡ.

Nhưng chỉ cần đam mê, bạn hãy cùng vác máy và tạo ra một tấm ảnh Panorama nhé, để có thể thưởng thức một bức ảnh hoành tráng do chính mình tạo nên.

Theo Thế giới @



Bình luận

  • TTCN (0)