Ngày thứ Hai 7/2/2011, các luật sư của Julian Assange sẽ đưa ra một số lí lẽ chống lại việc dẫn độ sang Thụy Điển.

Cuộc điều trần dẫn độ người sáng lập WikiLeak, Julian Assange, sẽ bắt đầu vào ngày thứ Hai 7/2/2011 tại London (Anh). Các luật sư của ông Assange chuẩn bị để đưa ra một số lí lẽ nhằm chứng minh rằng, nếu bị dẫn độ tới Thụy Điển, cuối cùng ông có thể sẽ “kết thúc cuộc đời” trong nhà tù ở Vịnh Guantanamo.

Ông Assange là công dân Úc. Các công tố viên Thụy Điển muốn thẩm vấn ông về những rắc rối với 2 phụ nữ hồi tháng 8/2010 và có thể phải đối mặt với những lời buộc tội như: hãm hiếp, cưỡng bức trái pháp luật và lạm dụng tình dục. Ông Assange thì nói rằng, các “cuộc gặp gỡ” này đều có sự đồng thuận.

Sau khi nhà chức trách Thụy Điển yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ toàn châu Âu, hôm 7/12/2010 ông Assange đã tự nộp mình cho cảnh sát Anh. Sau một tuần bị giam giữ, ông được tại ngoại với điều kiện phải nộp hộ chiếu của mình, đeo thiết bị giám sát điện tử và thường xuyên trình diện với cảnh sát.

Theo một tài liệu dày 35 trang phác ra những tranh luận pháp lí dự kiến của mình, các luật sư của ông Assange (trong đó có luật sư cao cấp Mark Stephens) có kế hoạch lập luận rằng, lệnh bắt giữ đã được ban hành "vì các quan điểm chính trị của ông".

Các luật sư của ông Assange cũng sẽ tranh luận rằng, công tố viên Thụy Điển Marianne Ni không có thẩm quyền ban hành lệnh bắt giữ toàn châu Âu và việc dẫn độ chỉ với mục đích thẩm vấn 1 nghi ngờ không phù hợp với luật pháp Anh.

Các vấn đề pháp lí của ông Assange nảy sinh khi hồi cuối tháng 11/2010 khi WikiLeaks bắt đầu phát hành một số trong 250.000 điện tín ngoại giao bị rò rỉ của Mỹ lên website. Việc phát hành này đã gây ra sự dận giữ trong một số chính trị gia Mỹ. Cựu Thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee kêu gọi hình phạt tử hình đối với những người đã phát hành các điện tín. Cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Sarah Palin nói, Assange nên bị săn đuổi khẩn cấp như các lãnh đạo al-Qaeda và Taliban.

Những bình luận trên đang cung cấp luận cứ cho các luật sư để tranh luận rằng, nếu ông Assange bị dẫn độ sang Thụy Điển, nước này có thể nhượng bộ trước áp lực của Mỹ. Văn phòng của Tổng chưởng lí Hoa Kì đã điều tra ông Assange, nhưng chưa có lời buộc tội nào được đưa ra. Theo tài liệu, "có một nguy cơ thực sự rằng, nếu bị dẫn độ sang Thụy Điển, Mỹ sẽ tìm cách dẫn độ ông Assange sang Mỹ, nơi ông ta sẽ có một nguy cơ bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo hay ở nơi khác".

Cuộc điều trần, dự kiến bắt đầu lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương) ngày thứ Hai 7/2/2011.

Theo PC World VN.



Bình luận

  • TTCN (0)