Nhân ngày Ung thư Thế giới (4/2), Hiệp hội Ung thư Mỹ vừa công bố số liệu nghiên cứu cảnh báo rằng tình trạng thay đổi lối sống, ảnh hưởng do tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển đang làm tỉ lệ mắc ung thư tăng cao.
Trên thực tế, trong tổng số 7,1 triệu trường hợp phát hiện ung thư mới và 4,8 triệu người tử vong vì căn bệnh này trên toàn thế giới hằng năm, đa phần đều thuộc các quốc gia đang phát triển.
Các nhà khoa học nói rằng kết quả này phản ánh rõ nét hậu quả của việc lạm dụng các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: hút thuốc lá, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng... của người dân tại các quốc gia đang phát triển.
Số liệu điều tra toàn cầu năm 2008 tại các nước có nền kinh tế phát triển, các dạng ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, ung thư trực tràng.
Ngoài ra, phổ biến còn có ung thư vú đối với phụ nữ, và ung thư tuyến tiền liệt đối với nam giới.
Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, các trường hợp mắc ung thư nhiều nhất lại rơi vào ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan ở nam giới; ung thư phổi, ung thư cổ tử cung và ung thư vú ở nữ giới.
Theo Tiến sĩ Otis W. Brawley thuộc Viện nghiên cứu ung thư Mỹ, năm 2008 trung bình có khoảng 7.300 người chết vì ung thư mỗi ngày. Tuy nhiên, con số tử vong đã có thể được giảm xuống 2/3 nếu như tập trung phòng ngừa tốt các nguyên nhân gây ung thư cao bắt nguồn từ lối sống: uống rượu, hút thuốc lá, các bệnh nhiễm trùng, chế độ dinh dưỡng...
Theo Thanh Niên.
Bình luận