Bkis đang chuẩn bị lộ trình để tiến ra nước ngoài từ cuối năm 2010.

Các hãng phần mềm diệt virus nội như CMC, BKIS… đều đặt mục tiêu năm 2012 sẽ nằm trong top đầu của thế giới dù năm nay mới xúc tiến mạnh mẽ các kế hoạch bước ra nước ngoài.

Mục tiêu năm 2012

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và phát triển BKIS cho biết, đơn vị này đã triển khai lộ trình chuẩn bị để bước ra nước ngoài từ cuối năm 2010. Sản phẩm BKAV của BKIS đã có những khách hàng người nước ngoài ở Mỹ, Italia, Pháp, Indonesia… mua online thông qua thẻ Visa, Master Card và nhận được phản hồi tốt từ phía người sử dụng. Hiện khách hàng biết nhiều đến BKAV thông qua các bài báo giới thiệu về virus, các chuyên gia Việt Nam phát hiện lỗ hổng...

Điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường trong và ngoài nước chính là việc khách hàng nước ngoài có thói quen quan tâm chủ yếu đến chất lượng của sản phẩm thay vì bị ảnh hưởng bởi các thông tin khác không liên quan. Thị trường đầu tiên mà BKIS hướng đến là thị trường Mỹ và sắp tới BKIS sẽ mở một văn phòng đại diện ở đây. “Bởi vì khi BKAV đã được công nhận ở Mỹ, các thị trường khác cũng sẽ thành công theo giống như một hệ quả tất yếu. Tại một số quốc gia đã có những đối tác đã liên hệ với BKIS làm đại lý phân phối sản phẩm BKAV”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, tham vọng của BKIS là đưa BKAV lọt vào top 10 phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới cả về chất lượng lẫn thị phần vào năm 2012. Trong quá trình chuẩn bị bước ra nước ngoài, BKIS cũng đã nhận được những đề nghị hợp tác. Nhưng nếu hợp tác thì sản phẩm BKAV sẽ rất khó cạnh tranh với những phần mềm antivirus khác. Chính vì thế, để có thể tiến xa, chủ trương của BKIS là tự phát triển sản phẩm riêng của mình. Căn cứ vào tiềm năng thị trường và phản hồi của khách hàng nước ngoài, ông Sơn cho rằng BKIS hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này với 2 sản phẩm là BKAV SE và BKAV Pro.

Ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) cho biết: Năm 2010 được coi là năm CMC InfoSec gặt hái được thành công đáng kể ở thị trường Việt Nam, đây cũng là năm tạo tiền đề và niềm tin để công ty tiến tới đưa phần mềm CMC ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên ông Đức cũng cho biết, bài toán xâm nhập thị trường quốc tế là một bài toán cần có thời gian và không hề đơn giản. Tính đến thời điểm này, CMC đã có văn phòng đại diện tại Nhật, Pháp. Đối tượng khách hàng CMC hướng đến chủ yếu là các doanh nghiệp với quy mô vài ngàn máy tính. Kể từ năm 2011, CMC InfoSec sẽ bắt đầu nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân và có những bước đi thăm dò tại một số thị trường trọng điểm.

Trong vòng 2 năm tới, mục tiêu hàng đầu của CMC InfoSec là đưa tên tuổi CMC AntiVirus (phiên bản miễn phí) trở thành một trong những sản phẩm phổ biến nhất và lọt vào top 5 phần mềm diệt virus miễn phí đáng tin cậy với cộng đồng người dùng quốc tế. Điều CMC InfoSec thật sự mong muốn, CMC InfoSec sẽ trở thành một thương hiệu mạnh về phần mềm diệt virus, sánh ngang cùng Kaspersky, BitDefender, NOD32 và Avira vào năm 2015.

CMC InfoSec có những cơ sở nhất định để tin tưởng mình rằng sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra. Thứ nhất, tại thị trường Việt Nam, CMC đã dần khẳng định được vị trí của mình trong lòng người dùng bằng việc vượt qua Kaspersky cũng như nhiều hãng bảo mật khác về số lượng người download vào đầu tháng 12/2010. Thứ hai, việc trở thành thành viên chính thức của Liên minh máy tính quốc tế ICSA sẽ bắt buộc sản phẩm của CMC phải mang đẳng cấp quốc tế. Thứ ba, theo thống kê vào tháng 2/2011, CMC đã có mặt trên 88 quốc gia, trong đó Việt Nam, Mỹ, Braxin, Hàn Quốc, Nhật, Lào, Úc, Singapore, Anh, Campuchia…là 10 quốc gia có nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm của CMC nhất. Tất cả điều này sẽ là những bước đệm vững chắc giúp phần mềm của người Việt tiến lên chinh phục được thị trường quốc tế.

Cần chuẩn bị để bước ra nước ngoài?

Ông Sơn cho rằng, hệ thống của BKAV hiện tại đã đủ điều kiện để bước ra nước ngoài như bộ phận chăm sóc khách hàng, công nghệ cập nhật và hỗ trợ từ xa... Sản phẩm phần mềm của công ty cũng được thiết kế mang tính "toàn cầu" để khách hàng ở bất kì đâu cũng có thể sử dụng, hỗ trợ được dù ở Mỹ hay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, BKIS sẽ xúc tiến mạnh mẽ các kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm diện rộng qua các kênh như trên các trang CNTT uy tín (CNET, PCWORLD..) hay trên các diễn đàn CNTT lớn trên thế giới... "Dù sản phẩm có tốt mà không quảng bá thì cũng chả có mấy người biết đến", ông Sơn cho biết thêm.

Ngoài ra, để sản phẩm bước ra nước ngoài tốt cũng cần phải có thêm các chứng chỉ quốc tế uy tín để đẩy nhanh việc quảng bá và khẳng định chất lượng thương hiệu. Chính vì thế, ngoài Virus Bulletin (VB) - tổ chức kiểm định phần mềm diệt virus uy tín nhất trên thế giới đã tham gia từ trước, năm nay BKIS sẽ tham gia lấy các chứng chỉ khác trên thế giới. Nếu không có các chứng chỉ, việc quảng cáo sản phẩm ở thị trường nước ngoài sẽ mất rất nhiều thời gian mà không hiệu quả.

Để sản phẩm của CMC Infosec đạt được các mục tiêu của mình vào năm 2012 và 2015, theo ông Đức, CMC sẽ tham gia nhiều hơn nữa các tổ chức về Antivirus trên thế giới và hỗ trợ người dùng 24/7 trước những virus mới. Trước mắt sản phẩm cần đạt chứng chỉ do ICSA cấp, tiếp theo là tham gia bảng xếp hạng của Av-comparatives và các tổ chức về Antivirus trên thế giới.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)