Ngày càng nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực kinh doanh tái chế và bán lại điện thoại di động và các thiết bị điện tử cũ.

Trong vòng vài năm gần đây, thị trường đồ cũ chiếm khoảng 20% doanh số điện thoại di động ở Mỹ, Stephen Manning, giám đốc điều hành ReCellular, một trong những hãng chuyên tái chế điện thoại di động lớn nhất ở Mỹ, cho biết.

Năm ngoái, ReCellular đã bán lại hoặc tái chế 5,2 triệu điện thoại di động, tăng hơn gấp hai lần so với con số 2,1 triệu sản phẩm cách đây 5 năm. ReCellular bán khoảng 60% số di động hãng này tái chế ở thị trường Mỹ, số còn lại được bán đến các thị trường ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Âu.

Không chỉ thu mua từ các đại lý bán lẻ và các tổ chức từ thiện kêu gọi người dùng quyên góp đồ điện tử cũ, ReCellular gần đây đã quảng cáo cả trên truyền hình để thu mua điện thoại cũ từ người dùng cá nhân thông qua website Usell.com.

ReCellular dự kiến doanh thu của hãng sẽ tăng hơn 50% trong năm 2011 từ con số 66 triệu USD trong năm 2010. Hãng này đã thu hút được 20 triệu USD tiền đầu tư từ các công ty kinh doanh vốn trong 2 năm qua.

Hãng phân tích thị trường Yankee Group ước tính thị trường điện thoại di động cũ hiện tiêu thụ khoảng vài trăm triệu chiếc mỗi năm. Đây là con số không nhỏ so với 1,6 tỷ điện thoại di động mới bán ra trên toàn cầu trong năm ngoái.

Mặc dù một vài hãng kinh doanh điện thoại di động cũ đã ra đời cách đây vài chục năm, lĩnh vực kinh doanh này vẫn đang mở rộng bởi các loại điện thoại thông minh ngày càng đắt đỏ và có thể đem về cho các công ty làm dịch vụ tân trang vài trăm USD mỗi chiếc sau một hoặc vài năm sử dụng. Trong khi đó, kinh tế suy thoái đã khiến nhiều người tìm đến những điện thoại đơn giản sản xuất vài năm trước để tiết kiệm.

“Có thị trường rất lớn cho các điện thoại di động cũ”, Ramon Llamas, chuyên gia phân tích của IDC nói. Ông này ước này tính không dưới 5% điện thoại di động ở Mỹ là điện thoại tân trang. Các nhà bán lẻ lớn như Best Buy ở Mỹ, các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng di động cũng tham gia vào thị trường điện thoại di động cũ.

ReCellular và các đối thủ của hãng này thường trả giá vài USD cho các điện thoại cơ bản được sản xuất từ nhiều năm trước và có thể lên tới 400 USD cho chiếc iPhone của Apple. Những điện thoại cũ này thường được bán lại ngay tại thị trường Mỹ hoặc nước ngoài qua các công ty bán lẻ hoặc qua mạng.

ReCellular có nhà máy sản xuất vỏ nhựa dùng cho điện thoại cũ tân trang có khả năng đáp ứng hàng trăm nghìn điện thoại cũ mỗi ngày. Trung bình, khoảng 75% số điện thoại cũ có thể tu sửa để bán ra thị trường. Số còn lại, gồm cả những điện thoại trên xe hơi đã 20 năm tuổi, có thể chỉ lấy được kim loại và nhựa.

Brightpoint, hãng chuyên phân phối và vận chuyển cho các nhà sản điện thoại di động và các mạng di động có trụ sở ở Mỹ, đã bỏ ra 76 triệu USD vào tháng 12 năm ngoái để mua lại công ty làm dịch vụ sửa chữa và tái chế điện thoại di động Touchstone Wireless Repair & Logistics.

Hầu hết các điện thoại ReCellular mua có thể bán lại sau khi hãng này xóa bỏ các dữ liệu cá nhân, tân trang lại đôi chút và thay thế pin hoặc các linh kiện khác. Những sản phẩm cần sửa chữa phức tạp thường được gửi đến các đối tác ở Trung Quốc, Việt Nam hoặc Mexico trước khi đưa ra thị trường.

Một mối đe dọa lớn với những công ty tái chế điện thoại là một số công ty Trung Quốc bán ra những mẫu điện thoại đơn giản với giá rất rẻ, chỉ có 15-30 USD. Điều này có thể làm giảm nhu cầu trong thị trường điện thoại giá thấp, nhưng Stephen Manning, Giám đốc của ReCellular cho rằng có nhiều nhu cầu cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, iPod và đầu đọc sách điện tử cũ.

Theo Dân trí



Bình luận

  • TTCN (0)