HP, Samsung, Motorola, HTC và một loạt công ty đang ấp ủ giấc mơ máy tính bảng đã lạc lối khi quá tập trung vào phần cứng trong cuộc đua mà Apple gọi là thời kì "hậu PC" đầy hấp dẫn.
Samsung Galaxy Tab, Motorola Xoom, HP TouchPad... lần lượt ra đời và nhận được nhiều lời ca ngợi rằng đây là đối thủ xứng tầm, là kẻ ngáng đường iPad. Tuy nhiên, ngay khi iPad 2 ra đời, quan điểm của các chuyên gia phân tích đã thay đổi.
"Khi những đối thủ khác còn đang cố bắt chước iPad thế hệ đầu thì chúng tôi công bố iPad 2 và nới rộng khoảng cách trong cuộc cạnh tranh, khiến họ một lần nữa lại bị tụt hậu", Steve Jobs tự hào tuyên bố.
CEO của Apple thẳng thừng đả kích Xoom có giá quá cao, Galaxy Tab chỉ đạt doanh thu nhỏ bé còn nhiều hãng khác chỉ là những kẻ chuyên đi sao chép. Tổng hợp của trang Telegraph cho thấy giới quan sát có vẻ đồng ý với nhận xét của Jobs.
Chuyên gia Adam Leach, thuộc công ty Ovum, cho hay: "Apple có lợi thế dẫn đầu, nhưng các đối thủ như Samsung, Motorola, HP, HTC và RIM cũng đều chỉ biết cố gắng lặp lại trải nghiệm mà Apple đem đến cho người dùng, thay vì đem đến những điều mới mẻ".
Sarah Rotman Epps, nhà nghiên cứu của Forrester Research, nhận xét: "Các sản phẩm cạnh tranh với iPad nghe có vẻ rất ấn tượng nhưng lại mắc sai lầm về chiến lược phân phối cùng giá bán quá cao bởi mức giá 500 USD của iPad rất khó để vượt qua".
Carolina Milanesi thuộc Gartner cũng nhận định các nhà sản xuất tablet vẫn không khắc phục được nhược điểm mà các hãng điện thoại mắc phải khi cạnh tranh với iPhone: họ cố tạo ra một cuộc chiến về phần cứng. Họ tự hào vì sản phẩm có đầy đủ các kết nối, bộ vi xử lí mạnh, có khả năng hoạt động đa nhiệm "thực thụ"... Nhưng rốt cuộc, cấu hình cao không đủ để những "đứa con cưng" của họ đạt doanh số 100 triệu máy chỉ với 4 phiên bản như iPhone hay 15 triệu máy chỉ sau 1 năm như iPad. Người ta có thể thấy Xoom hơn điểm này, TouchPad hơn điểm kia so với máy tính bảng của Apple, nhưng xét toàn diện, chúng không tạo cảm giác đột phá.
Trong khi đó, Steve Jobs cũng không cần che giấu bí quyết thành công của hãng: "Công nghệ thôi chưa đủ. Muốn hoàn hảo, công nghệ phải đi đôi với nghệ thuật và sự tiện dụng". Cùng quan điểm này, Rahul Sood, một giám đốc thuộc Microsoft, cũng phải ca ngợi MacBook và nói rằng các nhà cung cấp quá tập trung vào thông số kĩ thuật trong khi người tiêu dùng phổ thông lại không mấy để ý đến cấu hình, trừ một số chi tiết về bộ nhớ, dung lượng, tốc độ.
Thứ họ quan tâm hơn là kiểu dáng thiết kế. Bởi thế, dù tuần sau iPad 2 được phân phối, người sử dụng vẫn không hề biết sản phẩm sẽ có RAM 256 MB như bản cũ hay 512 MB giống iPhone 4, camera có cảm biến bao nhiêu megapixel... Giới công nghệ cho rằng phải chờ đến các kĩ sư iFixit "mổ bụng" iPad 2 thì mới có thể biết hết được cấu hình.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đánh giá cao iPad 2. Theo Jack Gold thuộc công ty phân tích J. Gold Associates, người tiêu dùng đang bị Apple "mê hoặc" bằng những ngôn từ bỏng bảy chứ sản phẩm không quá khác biệt so với thế hệ đầu, đặc biệt là khi so sánh với Motorola Xoom. Đây chỉ đơn giản là bản nâng cấp chứ không phải là một sự thay đổi lớn, do đó Apple chỉ nên gọi máy tính bảng của họ là iPad 1.5.
Dù vẫn còn một số lời chê bai và những điểm thất vọng với iPad 2, qua thành công của iPod, MacBook Air, iPhone và iPad, các hãng có thể rút ra bài học rằng cấu hình mạnh chưa bao giờ đem lại lợi thế cho họ khi cạnh tranh với Apple.
Theo VnExpress.
Bình luận
Công nhận khoản này Steve nói chuẩn. Ng dùng phổ thông ko cần và cũng ko để ý đến cấu hình của máy mà trước hết phải là kiểu dáng, và sau đó là sự tiện dụng, cuối cùng là lợi ích nó mang lại.
Cơ mà mình vẫn chưa bjo thích cái gọi là máy tính bảng hiện nay. Đã gọi là máy tính thì nó phải có một vi xử lý mạnh, nhiều chương trình ứng dụng thiết thực như trên PC,... Trong khi vs tablet hiện nay thi chẳng qua đó chỉ là một cái điện thoại phóng to !!! Vi xử lý thì của điện thoại, hệ điều hành cũng của smart phone, ứng dụng thì chỉ nhiều về số lượng, mà thực tế thì chẳng ai làm việc trên tablet cả.
Có lẽ để tablet thoát khỏi cái kiếp smart phone phóng lớn thì cần các nhà phát triển hiểu đc điều này. Hy vọng M$ hoặc Apple đạt đc thành tựu đó.