Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, con người dần dần xa rời với những tập hồ sơ kềnh càng để tiến đến việc số hóa mọi dữ liệu của họ vào chiếc máy tính nhỏ bé. Mọi việc tưởng chừng như đến đó là đã khiến người ta hoàn toàn yên tâm rằng những thông tin quan trọng đã được lưu giữ cẩn thận. Nhưng rồi một ngày nào đó bỗng nhiên mọi dữ liệu của bạn đều bị hỏng do bởi rất nhiều nguyên nhân
Nguyên nhân có thể khách quan như thiên tai, lỗi thiết bị, sự tấn công của virus hay chỉ đơn giản là do ta xóa nhầm... Dưới đây là 10 gợi ý nhằm giúp bảo vệ dữ liệu của bạn an toàn hơn.
1. Lưu giữ liệu trên ổ đĩa mạng
Network Attatched Storage (NAS) hay còn gọi là ổ đĩa mạng là một hộp nhỏ chứa ổ cứng với dung lượng lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn GB. Thiết bị có thể hoạt động như một máy chủ cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các máy trong mạng nội bộ hoặc đơn giản chỉ dùng để sao lưu dự phòng các dữ liệu trên máy tính cá nhân của bạn.
Thiết bị NAS ngày nay đã rẻ hơn rất nhiều, với khoảng 300 USD thậm chí bạn có thể mua được NAS với hai ổ cứng tạo thành RAID có khả năng chịu lỗi cao, còn nếu ngân sách dư dả bạn có tậu cho mình một phương tiện lưu trữ có dung lượng hàng Terabyte với giá dưới 500 USD.
Bên cạnh đó còn có một giải pháp khác tiết kiệm hơn là biến các máy PC cũ trong nhà bạn thành một Home server cài hệ điều hành Linux và thực hiện chia sẻ dữ liệu thông qua Samba.
2. RAID
Sử dụng công nghệ RAID 1 hoặc RAID 5 khi kết hợp nhiều ổ cứng sẽ tạo cho máy tính của bạn khả năng chịu lỗi do vậy khi một ổ cứng bị lỗi bạn sẽ không mất dữ liệu.
3. Đĩa Flash
Ổ đĩa Flash hiện nay có giá thành khá hợp lý bạn có thể có 8 GB khoảng trống nếu bỏ ra 60 USD và sẽ là 16 GB nếu số tiền là 140 USD. Flash rất nhỏ gọn và là giải pháp lưu trữ các dữ liệu quan trọng đáng tin cậy song lưu ý rằng đừng bỏ quên nó đâu đó trên xe buýt.
4. Không bấm tổ hợp phím Shift-Del
Đừng bao giờ bấm tổ hợp phím "Shift-Del" là lời khuyên của các chuyên gia lưu trữ bởi khi đó bạn sẽ xóa dữ liệu của mình vĩnh viễn. Hãy chỉ bấm Del để có thể vào Recycle bin mà thay đổi ý kiến.
5. Lưu trữ ngoài
Chúng ta đã thảo luận đến việc sử dụng NAS để lưu dữ liệu nhưng đôi khi sử dụng ổ cứng gắn ngoài lại là cách đơn giản hơn cho người dùng gia đình. Chỉ cần một ổ cứng dành cho laptop 2.5 inch với dung lượng khoảng 200 GB là có thể dễ dàng để trong túi áo của bạn. Việc sử dụng ổ cứng gắn ngoài cho phép bạn mở rộng khả năng lưu trữ của hệ thống mà không cần phải mở máy và cài đặt ổ cứng mới. Hơn nữa nó cũng giúp cho việc chia sẽ dữ liệu với người thân được dễ dàng hơn. Hiện nay trên thị trường đã có các loại ổ cứng gắn ngoài sử dụng công nghệ SATA nhằm tăng tốc độ thực thi.
6. Sao lưu dữ liệu trực tuyến
Sao lưu dữ liệu lên máy chủ của một nhà cung cấp thứ ba là một trong những biện pháp đang được sử dụng rất nhiều. Một số dịch vụ nổi tiếng cho phép bạn lưu dữ liệu quan trọng của mình lên máy chủ của họ thông qua giao diện web là IBackup, Xdrive, Box ... Ngoài ra một số dịch vụ cho phép lưu trữ và chia sẻ tập tin khác như Megaupload, Rapidshare, Imageshack hay Flickr ... Mức phí hàng tháng tùy thuộc vào dung lượng cũng như bandwidth mà bạn đăng ký. Nhưng vấn đề đối với lưu trữ trực tuyến đó là giới hạn tốc độ đường truyền Internet, khi upload 500 GB thì điều này thật đáng sợ.
7. Tự động backup
Có một điều luôn đúng là hầu như mọi người nên sao lưu dữ liệu nhưng cũng có một sự thật là hầu như mọi người đều không thực hiện có thể là do tác vụ backup bằng tay khá lặt vặt và nhàm chán. Tuy nhiên bạn nên biết rằng hầu hết các phần mềm sao lưu hiện nay cho phép ta không mất quá nhiều thời gian để lập lịch thực hiện tự động việc sao lưu. Một vài phần mềm cho bạn tham khảo: Mirra của Seagate hoặc Second Copy.
8. Lưu trữ dữ liệu quan trọng ở nơi khác
Những chuyên viên công nghệ thông tin thường xuyên áp dụng phương pháp này. Họ tạo một bản sao của dữ liệu đã được backup sau đó cất nó ở một nơi nào đó khác hơn có thể là ở nhà bạn hay tại tủ bảo hiểm của ngân hàng... Hay nói dễ hiểu hơn là bản backup được cất ở nơi A và bản sao của nó lại được lưu giữ ở nơi B. Điều này được gọi là offsite archival. Bạn sẽ nhận thấy ngay tác dụng của cách làm này khi bản backup chính bị mất do thiên tai, hỏa hoạn. Các công ty như Sentry Safe đưa ra các hộp bảo vệ tùy thuộc vào loại thảm họa.
9. Lưu trữ bằng đĩa quang
Dung lượng các đĩa CD và DVD ngày nay có thể cho phép bạn lưu trữ đến 8 GB dữ liệu bên cạnh đó giá cả cũng tương đối rẻ. Tuy nhiên bạn không nên hòan toàn tin tưởng vào các đĩa quang vì đôi khi việc ghi dữ liệu ra đĩa được báo thành công song nó lại không thể đọc được. Để tránh điều này bạn nên tạo nhiều bản sao khác nhau hoặc đơn giản là đánh dấu vào tùy chọn kiểm tra tính toàn vẹn dữ liệu (data integrity) trong khi ghi đĩa.
10. Phân vùng ổ đĩa
Có một câu hỏi rất thường xuyên rằng "Liệu tôi có nên phân vùng ổ cứng?".
Câu trả lời là "Tất nhiên là có". Nếu bạn sử dụng Linux thì việc chia phân vùng là đương nhiên. Trong các bản Windows OEM cũng vậy nó cũng có phân vùng restore chứa tập tin ảnh của hệ điều hành cho phép khôi phục khi gặp sự cố.
Bạn hãy tưởng tượng nếu không chia phân vùng thì khi gặp lỗi hệ điều hành dữ liệu của bạn cũng sẽ mất theo nhưng nếu có chia hai phân vùng - một chứa hệ điều hàng, một chưa dữ liệu thì thật may mắn dữ liệu của bạn không hề bị ảnh hưởng.
Lưu trữ một tập tin ảnh của phân vùng chứa hệ điều hành (có thể tạo bằng chương trình Ghost) giúp bạn khôi phục nhanh chóng hệ điều hành nếu bị lỗi.
Một phương pháp an toàn hơn nữa là bạn cài hệ điều hành trên ổ cứng thứ nhất và lưu dữ liệu lên ổ cứng thứ hai. Hãy yên tâm giá ổ cứng rẻ hơn rất nhiều so với giá bạn phải trả cho sự mất mát dữ liệu quan trọng
Tóm lại bạn nên ít nhất sử dụng 2 - 3 mẹo nhỏ trên để bảo đảm mình luôn luôn nhìn thấy những dữ liệu quan trọng khi bật máy.
Vĩnh Duy (Theo ExtremeTech)
Bình luận