http://www.ictnews.vn/GetFiles/ImageView.aspx?PublishedFileId=58308&req=vcms

Nhật Bản là nơi cung cấp 40% bộ nhớ flash và 15% lượng DRAM của cả thế giới nên trận động đất 8,9 độ richter vừa qua có thể khiến thị trường bán dẫn thế giới chấn động mạnh.

Theo chuyên gia Jim Handy của hãng chuyên nghiên cứu thị trường bán dẫn Objective Analysis cho biết, hậu quả của trận động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Nhật Bản là sản lượng wafer (mảnh vật liệu bán dẫn mỏng chuyên dùng để “cấy” các linh kiện điện tử) sẽ sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến giá bán tăng vọt trong tương lai gần. Trong trường hợp “khả quan” nhất là các nhà máy bán dẫn Nhật chỉ phải đóng cửa chừng 2 tuần thì hậu quả mà họ để lại cho thị trường thiết bị điện tử, CNTT thế giới là rất khó lường.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với ý kiến của Objective Analysis. Một số hãng nghiên cứu thị trường như iSuppli không tin rằng thị trường DRAM và bộ nhớ NAND flash sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ thiên tai này.

Theo chuyên gia Mike Howard của iSuppli, các cơ sở sản xuất chính của những hãng điện tử, bán dẫn lớn như Micron, Toshiba hay Elpida Memory đều nằm cách tâm chấn khá xa và gần như không bị ảnh hưởng hay thiệt hại gì. "Các nhà máy này đều nằm ở vùng phía Nam và phía Tây Nhật Bản nên gần như chắc chắn sản lượng hay tốc độ sản xuất của họ sẽ không thay đổi”, Mike nói. Nhưng vị chuyên gia này cũng tỏ ra khá lo ngại trước vấn đề ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản vẫn sẽ bị đình đốn bởi bị cắt đứt nguồn cung nguyên liệu.

"Các hãng cung cấp vật liệu và linh kiện bán dẫn Nhật sẽ phải đối mặt với một số sự khó khăn lớn về nguồn cung vật liệu thô và vấn đề vận chuyển hàng hóa”, thông cáo mới nhất ra chiều ngày 12/3 của iSupply nói.

Theo những thông tin mà iSuppli nhận được thì 2 hãng sản xuất DRAM lớn nhất Nhật Bản là Micron và Elpida đều không bị ảnh hưởng nhiều.

Hầu hết các cơ sở sản xuất điện tử bán dẫn Nhật đều không bị thiệt hại trực tiếp từ trận động đất.

Không chỉ gặp vấn đề về nguồn cung, thị trường bán dẫn và linh kiện điện tử thế giới trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp phải những sự khan hiếm trầm trọng kể cả trong trường hợp các nhà máy sản xuất có phải đóng cửa hay không. Theo đánh giá của Objective Analysis, bởi có rất nhiều các hãng sản xuất điện tử đang hoạt động ở Nhật Bản và sức tiêu thụ của họ sẽ tăng đột ngột sau khi nước Nhật bắt tay vào tái thiết sau trận động đất.

Ngày 12/3, hãng điện tử Sony cho biết họ đã phải đóng cửa 6 cơ sở sản xuất của mình ở miền Đông Bắc nước Nhật còn Nikon, hãng công nghệ có một loạt các cơ sở sản xuất nằm ngay gần tâm chấn cũng đã bị thiệt hại nặng nề.

Trước đây, thị trường bán dẫn thế giới cũng đã từng có những phen dậy sóng khi phải đối mặt với những thảm họa thiên tai. Năm 1999, trận động đất mạnh 7,6 độ richter tại Đài Loan đã khiến một loạt những cơ sở bán dẫn ở phải ngừng hoạt động. Năm 1989, trận động đất mạnh 6,9 độ richter tại Mỹ cũng khiến cho gần như toàn bộ thung lũng Silicon phải ngừng hoạt động. Có điều, cả 2 vụ động đất kia chỉ mạnh chưa bằng 1/100 trận động đất vừa diễn ra ở Nhật Bản.

"Objective Analysis đã liên lạc với rất nhiều các hãng điện tử bán dẫn để xác định mức độ thiệt hại nhưng quy mô của trận động đất này quá lớn nên ít nhất phải vài ngày nữa chúng tôi mới có thể có được báo cáo đầy đủ”, thông cáo của Objective Analysis nói.

Tin vui với giới công nghệ thế giới là các hãng điện tử bán dẫn Nhật Bản cũng đã có những sự chuẩn bị cho thảm họa thiên nhiên khá tốt. Không chỉ thiết kế và xây dựng các cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn chống động đất mà các hãng này còn lo xa bằng cách phân bố các cơ sở này ở rải rác nhiều vùng khác nhau trên đất nước nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại.

Điều này trái ngược với thói quen tập trung tất cả các nhà máy về một điểm của các hãng bán dẫn Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)