Từ “thông minh” hiện nay được sử dụng rất nhiều, từ điện thoại thông minh, TV thông minh cho đến thậm chí là ngôi nhà thông minh. Tất cả đều thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ hiện nay. Các dòng xe hơi thông minh cũng đã và đang tạo sự hiện diện rõ rệt của mình trên thị trường.

Hệ thống dẫn đường

Công nghệ dẫn đường trên xe hơi đã xuất hiện từ lâu với sự tham gia của nhiều công ty, trong đó có cả các cơ quan của chính phủ nhiều nước. Hệ thống dẫn đường ban đầu không phải được thiết kế cho xe hơi mà chủ yếu phục vụ cho công tác dẫn hướng máy bay, tên lửa, chiến đấu cơ của Hoa Kì và chúng hoạt động dựa trên các vệ tinh trong hệ thống GPS – định vị toàn cầu. Trong dự án GPS, chính phủ Hoa Kì đã phóng lên vũ trụ hàng loạt vệ tinh, những vệ tinh này bay xung quanh trái đất và kiểm soát một khu vực nhất định trên mặt đất và mặt biển. Bằng cách đó, khi một vật dù ở bất kì đâu thì cũng có thể được định vị trí chính xác bằng các tọa độ cụ thể. Nga, Trung Quốc, Châu Âu, … cũng xây dựng hệ thống định vị toàn cầu cho riêng mình.

Hệ thống định vị toàn cầu bắt đầu được ứng dụng làm dẫn đường cho xe hơi tại nhiều quốc gia, trong đó có thể kể đến những nước đứng đầu về công nghệ như Hoa Kì, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, …Các hãng công nghệ như Nokia, BlackBerry, … cũng tham gia thị trường trên với công cụ bản đồ của riêng mình nhằm cho phép người dùng tìm được đường đi một cách chính xác tại bất kì nơi nào tại quốc gia được bản đồ ấy hỗ trợ. Như vậy, dù có đi đến đâu thì người dùng cũng không lo bị lạc nhờ các hệ thống dẫn đường kia.

Trong dự án dẫn đường cho “xe thông minh” của mình, Google dựa trên công cụ bản đồ Google Maps và phần mềm phân tích thông tin từ bộ phận tương tác với hệ thống định vị toàn cầu GPS, từ đó, máy tính” trên xe hơi sẽ xác định được chính xác vị trí của nó trên bản đồ. Nhiệm vụ của phần mềm lúc này rất đơn giản, nó sẽ chuyển vị trí của xe hơi từ thực tế lên bản đồ và căn cứ vào thông tin các đoạn đường ở phía trước nhằm giúp hướng dẫn đường đi cho xe. Bên cạnh đó, phần mềm cũng có khả năng chuyển các hướng dẫn trên thành khẩu lệnh có thể nghe được nhằm trợ giúp cho người lái xe tốt hơn.

Hiện tại, công nghệ này của Google đã được tích hợp vào trong các thiết bị dẫn đường và tung ra tại một số thị trường như Hoa Kì, Châu Âu, … Bên cạnh đó, tính năng dẫn đường này cũng đã được cung cấp miễn phí cho hệ điều hành Android trên smartphone và máy tính bảng. Vì thế, trong tương lai, người dùng sẽ được chính thiết bị cầm tay của mình chỉ cách… lái xe như thế nào.

Tự lái

Công nghệ tự lái cũng không có gì mới nhưng chiếc “xe thông minh” mà Google giới thiệu tại TED (Hội nghị công nghệ, giải trí và thiết kế thế giới) có những khả năng ưu Việt hơn. Về căn bản, bộ phận tự lái của một chiếc xe thông minh thường bao gồm các cảm biến nhằm giúp máy tính trên xe xác định được khoảng cách giữa xe mình với các xe xung quanh nhằm điều tiết tốc độ chạy.

Tuy thế, các cảm biến trên chỉ có thể giúp xe đi thẳng chứ không thể… quẹo. Việc cua, ngoặt theo các hướng khác nhau được thực hiện bằng máy tính nhờ việc xử lí thông tin từ các “mắt thần” gắn xung quanh xe. Những “mắt thần” trên thường được gắn ở phía trước, sau và hai bên của xe để ghi nhận lại hình ảnh của những xe xung quanh và tái hiện lại môi trường quanh xe. Hệ thống máy tính sẽ dựa vào đó để điều khiển tay lái nhằm giúp xe tăng tốc, cua, quẹo để tránh các chướng ngại vật hoặc xe đi kề bên.

Hệ thống giải trí cá nhân

Một chiếc “xe thông minh”, bên cạnh khả năng tự lái, tự làm chủ đường đi ở những nơi xa lạ thì cũng cần phải có một hệ thống giải trí cá nhân… thông minh. Công nghệ được nhắc đến nhiều nhất đối với hệ thống giải trí trong xe, đó là hệ thống loa… cá nhân “chung”, theo đó, tại vị trí mỗi người ngồi sẽ có một dàn loa âm thanh và màn hình TV riêng để người ngồi tại đó có thể giải trí theo sở thích. Âm thanh từ loa phát ra sẽ chỉ nghe được tại chỗ ngồi của người ấy và không thể làm ảnh hưởng đến người khác nhờ việc làm chậm lại tốc độ lan truyền của sóng để nó tự mất dần năng lượng đến mức người bên cạnh không còn nghe được nó nữa. Cách thức hoạt động của hệ thống loa này cho tới nay vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.

Tự sạc

Trong các triển lãm công nghệ gần đây, các hãng đưa ra khá nhiều ý tưởng hay cho một chiếc xe hơi thông minh trong tương lai, trong số đó, đáng kể nhất là công nghệ sạc điện không dây cho xe hơi điện. Giữa tình trạng khan hiếm xăng dầu và cạn kiệt nguồn tài nguyên này, các chính phủ trên khắp thế giới đang khuyến khích việc sử dụng xe hơi chạy điện. Công nghệ sạc không dây cho phép mọi loại xe điện không bao giờ hết pin và cũng không bao giờ cần sạc. Theo các chuyên gia, sóng – dù là loại nào thì cũng luôn có chứa một lượng nhất định năng lượng trong đó và chỉ cần chuyển năng lượng này ra điện năng thì các pin trong xe sẽ có thể sạc một cách dễ dàng.

Mặc dù cho tới hiện nay đã có nhiều công ty đang phát triển hệ thống sạc không dây, nhưng chỉ có duy nhất một công ty quyết định triển khai rộng rãi hệ thống này trên thị trường vào năm 2011. Evatran, công ty đã phát triển hệ thống được gọi là Plugless Power, một hệ thống dựa trên hiện tượng truyền điện từ để sạc năng lượng cho xe chạy điện. Hệ thống này bao gồm hai bộ phận chính, một adapter (ổn áp) được tạo ra sao cho phù hợp với từng mẫu xe chạy điện hay xe hybrid cắm điện và một trạm Plugless Power để kết nối và truyền điện cho adapter. Khi hai bộ phận này được đặt gần nhau, nghĩa là khi lái xe cho xe điện tới gần trạm, từ trường được sinh ra từ trạm sẽ bao phủ cả bộ phận adapter, như vậy pin trên xe sẽ được sạc.

Mới đây, một chuyên gia công nghệ sử dụng đèn LED để lấy được năng lượng của sóng Wi-Fi đã khiến thế giới ngạc nhiên.

Điều khiển từ xa

Công nghệ điều khiển từ xa xe hơi, không chỉ đơn thuần là việc người chủ của nó có thể biết được xe đang ở đâu (thông qua GPS) hay nhận biết khi nào xe có người lạ đột nhập hoặc đóng, mở cửa xe tự động theo yêu cầu mà một xe thông minh điều khiển từ xa cần phải làm được nhiều việc hơn thế. Trong các mẫu concept được các chuyên gia tạo ra để mô tả cho xe điều khiển từ xa, mẫu thiết kế ấn tượng nhất và khả thi nhất là công nghệ cho phép xe báo động khi nào xe sắp hết pin/xăng và chỉ rõ những địa điểm gần nhất có thể cấp lại năng lượng cho xe. Không những thế, khi người dùng đi di lịch thì xe cũng cần có khả năng cho chủ nhân biết ở đâu có chỗ nghỉ tốt, món ăn ngon hay chỗ đậu xe an toàn, rẻ, … Không những thế, các hãng xe lớn thậm chí còn ấp ủ dự án tạo ra các loại xe có khả năng tương tác với con người giống như hai thực thể với nhau.

Cũng giống như “ngôi nhà thông minh” mà phần nhiều chỉ là các ý tưởng hoặc thử nghiệm chứ không thể được sản xuất đại trà thì “xe thông minh” cũng mới là mong ước của các chuyên gia về loại xe về sau này, khi công nghệ đã tiến xe hơn. Tuy thế, vào thời điểm hiện tại, các tính năng của những mẫu xe thông minh, ít nhiều đã được chứng minh là sự thật.

Theo Tạp Chí Khám Phá Mobile Review (Số 49 ngày 10/3/2011)



Bình luận

  • TTCN (0)