Đã từng có thời kì, dịch vụ Internet ADSL phát triển nóng tới mức, chất lượng không theo kịp với số lượng thuê bao. Thế nhưng, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ này có vẻ như đã bị chững lại ít nhiều, nếu không muốn nói kinh doanh ADSL đã bắt đầu gặp khó…

Thôi không nói tới các yếu tố cạnh tranh khiến ADSL đang bị đánh giá là ngày một khó phát triển đã được nhắc tới nhiều như sự ra đời và khẳng định vị thế của 3G, cáp quang FTTH, bài viết này sẽ chỉ đề cập tới chính những khó khăn nội tại của dịch vụ hiện nay.

Liên tiếp trong những năm qua, thị trường ADSL Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng được đánh giá là bùng nổ. Số thuê bao phát triển năm sau gấp đôi năm trước. Trong đó, thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay ba doanh nghiệp lớn nhất là VNPT/VDC, Viettel và FPT Telecom.

Nếu năm 2009, VNPT có sự bứt phá mạnh mẽ với 2,5 triệu thuê bao ADSL có trong tay. Còn Viettel tuyên bố đã có 530 ngàn thuê bao và FPT Telecom là 440 ngàn thuê bao thì kết thúc năm 2010, số lượng thuê bao đã có sự thay đổi không nhiều, thậm chí có doanh nghiệp bị sụt giảm.

FPT phát triển thêm được khoảng 60 ngàn thuê bao mới, nâng con số có được là 500 ngàn thuê bao. Theo con số của Viettel, hết năm 2010 nhà mạng này chỉ còn khoảng hơn 300.000 thuê bao ADSL. Thuê bao ADSL đến hết năm của VNPT là 2,6 triệu thuê bao.

Người ta thường nhắc tới tình trạng “thay SIM như thay áo” của các mạng di động trong thời gian trước đây, thì câu chuyện đó giờ lại được dành cho các thuê bao ADSL. “Lỗi” một phần cũng tại sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với chiêu khuyến mại mà ra.

Để hấp dẫn, liên tục trong năm, các nhà cung cấp dịch vụ ADSL đã tung ra các chương trình khuyến mãi khủng. Chả kém cạnh so với khuyến mại di động, nào là chiêu cho dùng thử miễn phí/tặng modem, miễn cước hoà mạng, miễn cước thuê bao tháng, thậm chí tặng luôn cả cước mất tháng sử dụng… liên tục được áp dụng.

Cứ đăng kí mới mỗi khi nhà mạng nào có khuyến mại để được sử dụng modem miễn phí, thêm mấy tháng dùng dịch vụ không phải lo tiền cước, rồi hết khuyến mại lại tìm cơ hội tiếp tục được “free” ở nhà cung cấp khác nên tình trạng người dùng thay nhà mạng như thay áo đã xảy ra. Họ sẵn sàng cắt huỷ dịch vụ khi thấy hết lợi ích.

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải thừa nhận, lượng thuê bao họ phát triển mới trong năm qua không phải ít, nhưng lại cũng bị hụt đi bởi thuê bao rời mạng khá lớn. Chẳng hạn như với FPT Telecom, doanh nghiệp nay cho biết, tỉ lệ rời mạng của họ lên tới 40%.

Chưa được hưởng lợi nhuận nào từ những thuê bao mới, thậm chí còn chưa kịp hoàn lại chi phí bỏ ra đầu tư cho mỗi thuê bao, nhà mạng đã ngậm ngùi nhìn khách hàng của mình đi tìm… niềm vui khuyến mại khác. Tình trạng này khiến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đứng trước nhiều cái khó, khó về kinh doanh và cả doanh thu đem về.

Để giảm bớt tình trạng này, hiện nay, các doanh nghiệp đang nghiên cứu lại các chính sách ưu đãi của mình. Chẳng hạn như nhà mạng sẽ không khuyến mại ào ạt nữa mà tập trung vào các thị trường trọng điểm. Với số lượng thuê bao hiện có, dù vẫn chưa tới thời điểm bão hoà song cũng đã cần được quan tâm hơn để giữ chân.

Một đại diện doanh nghiệp chia sẻ, năm nay, ngoài việc đầu tư phát triển thuê bao mới, mục tiêu bảo toàn các thuê bao hiện được đặt lên hàng đầu. Họ sẽ tập trung ưu đãi để đánh thức các thuê bao “ngủ” của mình dậy bằng cách đưa ra ưu đãi xen kẽ như: ba tháng sử dụng có một tháng được khuyến mại giảm cước, tặng quà khi đạt ngưỡng cước nào đó... Đây vốn là các thuê bao vẫn đang ở trên mạng song hàng tháng chi phí phát sinh cước rất ít, thậm chí nguy cơ cắt mạng luôn thường trực.

Và một yếu tố nữa cũng phải được chú trọng, đó là sức ép phải làm mới chính mình, từ vấn đề chất lượng đến nội dung cung cấp. Bởi hiện nay, trước quá nhiều sự lựa chọn, người dùng Việt đang ngày một khắt khe hơn với dịch vụ ADSL cũng như với chính nhà cung cấp dịch vụ.

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (1)
HuyetLoi  25

Nói thật thì mình cần chất lượng hơn! Mạng VN chất lượng còn kém lắm! (theo nhận định riêng)