Nhìn vào máy, ấn tượng đầu tiên là Lenovo IdeaPad U260 có hình dáng của một máy ThinkPad, dòng sản phẩm laptop dành cho doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới.

Máy có thiết kế khá vuông vắn, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp nhưng không kém phần thời trang khi phía lưng máy cũng như đường viền của máy được thiết kế màu cam (cũng có một màu khác là màu nâu) giúp bỏ hẳn đi cảm giác một màu đen mờ có lẽ hơi nhàm chán ở ThinkPad.

Đây có lẽ là chiếc máy đầu tiên sử dụng kích thước màn hình 12.5”. Thật ra đây là một đặc tính hoàn toàn kĩ thuật, người dùng thực tế cũng không nhận biết ra nhiều về con số này. Kích thước của máy lại rất ấn tượng, nhỏ, gọn, mỏng, chỉ dày hơn một chiếc ĐTDĐ đời mới 1 chút, hoàn toàn có thể so sánh với một chiếc Macbook Air 2010 mới nhất từ Apple. Trọng lượng của máy cũng chỉ 1.36 kg, tức là chỉ tương đương một chiếc netbook, trong khi đó lưu ý là Lenovo IdeaPad U260 là một chiếc máy tính mạnh mẽ chứ không phải hi sinh sử dụng cấu hình thấp như Macbook Air hay netbook.

Bàn phím của máy là dạng chicklet. Các phím được bố trí cách nhau, dễ sử dụng. Nhưng vì có khoảng cách nên số lượng phím cũng ít hơn so với dòng sản phẩm ThinkPad. Tuy nhiên, khi so sánh với bàn phím ThinkPad thì người viết thích bàn phím ở IdeaPad này hơn, dễ bấm và những phím hay sử dụng như PgUp, PgDn, Home, End ở vị trí thuận tiện hơn.

Vì là máy “siêu mỏng”, vì vậy, số lượng cổng kết nối ở Lenovo IdeaPad U260 khá ít. Máy có 2 cổng USB (mỗi bên hông máy một cổng), cổng VGA và HDMI (hai cổng này thường sử dụng, do “định nghĩa” dòng máy doanh nhân cần kết nối để trình diễn nhiều), cổng miniPCIe để kết nối thêm với những thiết bị khác (cổng này còn khá mới, vì vậy, không có nhiều thiết bị sử dụng cổng này, đặc biệt tại thị trường Việt Nam, có lẽ Lenovo nên sử dụng cổng SATA có thể thuận tiện hơn cho người sử dụng). Đáng chú ý là máy không có ổ đĩa quang, đây là hậu quả tất yếu của một máy tính “mình hạc xương mai”.

Màu sắc màn hình hiển thị tốt. Độ phân giải của màn hình là 1,366 x 768 pixels, chuẩn 16:9 WideXGA (HD 720p). Trên màn hình, Lenovo cũng tích hợp sensor ambient light, sensor này có chức năng tự động điều chỉnh độ sáng của màn hình theo môi trường. Thử nghiệm thực tế sensor này hoạt động khá tốt, mang hiệu quả thiết thực trong sử dụng. Phía trên màn hình là webcam độ phân giải 0.3 Mpx, độ phân giải có lẽ hơi “lỗi thời” nhất là với một máy tính cao cấp như Lenovo IdeaPad U260, nhưng lại phù hợp thực tế với tốc độ truyền Internet tại Việt Nam.

Loa ngoài của Lenovo IdeaPad U260 theo catalogue là được ứng dụng công nghệ xử lí “Dolby Advanced Audio” nhưng âm thanh cho ra chất lượng không thật sự xuất sắc, đây cũng là một điểm thường thấy ở những chiếc laptop có thiết kế mỏng.

Lenovo IdeaPad U260 sử dụng CPU Intel Core i5 470UM (2 nhân, tốc độ 1.33 MHz) dòng điện thế thấp tiết kiệm năng lượng, 4 GB RAM loại DDR3, ổ đĩa cứng dung lượng 320 GB (tốc độ 5,400 rpm). Với cấu hình này, khả năng Lenovo IdeaPad U260 là một sản phẩm hoạt động hiệu năng cao. Thử nghiệm thực tế, với nhu cầu sử dụng văn phòng thì Lenovo IdeaPad U260 hoàn toàn có thể đáp ứng một cách xuất sắc.

Máy có kết nối Wi-Fi (chuẩn a/b/g/n) và Bluetooth. Theo chúng tôi, như thế là đủ dùng cho nhu cầu hàng ngày. Việc kết nối được diễn ra dễ dàng bằng sử dụng trình điều khiển của Lenovo và Windows.

Với pin 6 cell đi cùng, Lenovo IdeaPad U260 có thể hoạt động liên tục ở chế độ kết nối Wi-Fi với thời gian là 4h. Có thể hơi thấp so với những máy thuộc dòng “nhỏ nhẹ” khác, nhưng với tính năng mạnh mẽ như cấu hình, người viết cho rằng khoảng thời gian này là chấp nhận được.

Cấu hình
  • CPU: 1,33 GHz Intel Core i5 470UM
  • Màn hình: LED 16:9 12,5”, độ phân giải tối đa 1366 x 768, tích hợp webcam
  • Card đồ hoạ: Intel HD tích hợp
  • RAM: 4 GB
  • HDD: 320 GB HDD, 5,400 rpm
  • Ổ đĩa quang: không có
  • Wi-Fi 802.11 a/b/g/n, Bluetooth 2.1
  • Các cổng giao tiếp: VGA; HDMI; RJ45; miniPCIe; Headphone; Microphone; 2 USB
  • Pin 6 cell tích hợp
  • Trọng lượng: 1,36 kg (có pin)
  • Hệ điều hành: Windows 7 Home Premium (32-bit)
  • Kích thước: 317,5 x 205,7 x 17,8 mm

Theo Tạp Chí Khám Phá Mobile Review (Số 48 - ngày 25/2/2011)



Bình luận

  • TTCN (0)