Bất chấp sự tấn công ồ ạt của các hãng di động, bất chấp sự nổi lên ngày càng mạnh của nền tảng Android… Apple và iPad vẫn “vững như bàn thạch”. Lý do gì khiến cuộc đua với iPad chưa thể thành công?
Hồi cuối tuần trước, hãng nghiên cứu thị trường Forrester đã công bố một bản báo cáo về thực trạng hiện nay và trong tương lai gần của thị trường máy tính bảng thế giới. Điểm kết luận khiến không ít nhà nghiên cứu thị trường khác phải “nhảy bổ” vào tranh luận là: Các đối thủ của iPad có quá nhiều lỗ hổng trong chiến lược cạnh tranh nên họ không thể thành công.
Tuy nhiên, những kết luận này vẫn khiến nhiều người phải giật mình công nhận rằng trong hiện tại và tương lai gần (ít nhất là trong năm 2011 này), Apple và iPad vẫn chưa thể bị đánh bại.
Vậy đâu là những điểm yếu “chết người” của đối thủ khiến iPad vẫn ung dung ở vị trí dẫn đầu?
Giá bán đắt
Việc Apple tuyên bố ra mắt iPad 2 với một số cải tiến nhưng vẫn giữ nguyên giá bán được cho là đòn “nốc ao” đối với hầu hết các đối thủ của họ trên thị trường. Với mức giá khởi điểm 499 USD cho phiên bản cấu hình thấp nhất, iPad đã rẻ hơn toàn bộ các sản phẩm cùng loại đã và sắp ra mắt. Motorola Xoom, sản phẩm được cho là đối thủ xứng tầm nhất cũng có giá bán khởi điểm 599 USD, cao hơn iPad 2. Tại một số thị trường, người ta có thể mua Samsung Galaxy Tab hay các sản phẩm cùng loại của Dell, Motorola với giá thấp hơn iPad 2 nhưng phải kèm gói cước 3G trong 24 tháng liên tiếp. Có điều, mô hình bị trói buộc bởi nhà mạng này đã “quá đủ” với những chiếc điện thoại và người dùng mong muốn có được sự tự do đến tối đa khi dùng máy tính bảng.
Rõ ràng, nếu có ai đó muốn “làm quen” với dòng sản phẩm này, mọi con đường đều đang dẫn họ đến với iPad.
Kênh phân phối kém
Đừng vội ảo tưởng rằng chỉ cần sản xuất ra một sản phẩm tốt hơn iPad là mọi người sẽ đổ xô đến mua. Nghiên cứu của Forrester cho thấy, các cửa hàng của nhà mạng là nơi mọi người ít muốn đến nhất bởi ở đó họ không được phép “tranh luận” ngoại trừ việc ký vào các giấy tờ và mang sản phẩm về nhà tự mày mò sử dụng.
Đáng tiếc là đa số các mẫu máy tính bảng mới ra mắt lại đều được phân phối qua kênh này. Hãy thử so sánh trạng thái mua hàng tại nhà mạng với việc đến trực tiếp tại một cửa hàng của Apple (Apple Store) bạn sẽ thấy sự khác biệt vô cùng lớn. Tại Apple Store, người dùng được thoải mái thử nghiệm, hỏi han, thắc mắc… nhưng vẫn được các nhân viên của Apple tư vấn một cách rất tận tình và thoải mái. Forrester gọi đó là “nhân tố con người”. Khi bước vào cửa hàng của Verizon và hỏi mua Galazy Tab, người ta sẽ được thấy một chiếc máy tính bảng đầy bụi bặm được tư vấn sử dụng bởi một nhân viên thậm chí còn chẳng biết dùng nó thế nào. Và thành quả của “yếu tố con người” đã giúp cho Apple thành công thế nào thì ai cũng biết.
Không đủ khác biệt
Các đối thủ đã hơi sai lầm khi ra sức cạnh tranh với Apple iPad bằng những sản phẩm với cấu hình thật “khủng”. Nếu so với iPad 1, các mẫu máy tính bảng mới ra mắt có cấu hình cao hơn hẳn nhưng với iPad 2, mọi thứ đã lại trở về cân bằng. Có điều, với người mua máy tính bảng, cái mà họ cần là sản phẩm đó sẽ làm được gì chứ lại không mấy quan tâm đến cấu hình. Với đặc điểm này, rõ ràng iPad có lợi thế hơn hẳn nhờ được sự hỗ trợ của một kho ứng dụng đồ sộ còn người dùng Galazy Tab, Motorola Xoom lại có quá ít sự lựa chọn đáng giá.
Không chạy Windows
Có một điều bất ngờ là các cuộc khảo sát của Forrester lại cho thấy, hệ điều hành mà mọi người mong muốn có nhất trên máy tính bảng là Windows. Thực ra điều này không khó giải thích. Windows vẫn là nền tảng phổ biến nhất trên PC và mọi người mong muốn chiếc máy tính bảng cũng sẽ dùng Windows để họ có thể dễ dàng sử dụng, dễ dàng tìm kiếm ứng dụng, dễ dàng chia sẻ… Có điều, Windows 7 vẫn chưa chịu làm bạn tốt với màn hình cảm ứng trong khi Microsoft tuyên bố phải đến giữa hoặc cuối năm 2012 họ mới có hệ điều hành Windows cho máy tính bảng.
Và với những “sai lầm chiến lược” này, Apple vẫn có thể ung dung thẳng tiến một mình một đường trong ít nhất là 2 năm nữa.
Theo ICTNews
Bình luận