Đã hơn một năm kể từ khi tôi xem xét các ứng viên của Web 2.0 tại Việt Nam. Đó là một thời điểm không xa nhưng lúc đó web 2.0 chỉ là một khái niệm khá mới mẻ và chưa có Web 2.0 nào đúng nghĩa ở Việt Nam. Nhưng đến hôm nay các trang web 2.0 thực sự đã xuất hiện, hoạt động và thành công. Welcome to Vietnam - new destination of Web 2.0!

Mở đầu loại bài này, tôi xin bắt đầu bằng đánh giá các mạng xã hội (social network). Đây sẽ là tâm điểm của web 2.0 trong tương lai tại Việt Nam, mặc dù trên thế giới các Facebook, MySpace, Friendster đã làm mưa làm gió trong thời gian khá dài.

Yahoo! 360°

Tôi xin nhắc tới mạng xã hội đang bị bỏ rơi này bởi ảnh hưởng sâu rộng của nó tại Việt Nam. Thực tế, khó có thể nói đây là một mạng xã hội hoàn chỉnh vì chức năng mà người ta dùng nhiều nhất lại là blog.

Ưu điểm chính của Y!360 là dễ sử dụng và nó gắn chặt với Yahoo!IM, mạng chat phổ biến nhất tại Việt Nam. Chỉ cần một vài bước là bạn có thể tạo một blog với một hình nền riêng rồi mời bạn bè trong nhóm chat của mình tới coi, bình luận. Nhưng hành trình tùy biến của Y!360 đến đó là gần như kết thúc.

Tôi luôn tự hỏi Yahoo nhắm tới cái gì khi tạo ra Y!360: một blog có chức năng mạng xã hội hay một mạng xã hội lấy blog làm trung tâm? Thất bại của Y!360 là câu trả lời của người dùng: Chúng tôi thích những gì chuyên nghiệp hơn là các giải pháp nửa vời.

Yahoo biết rằng duy trì Y!360 là vô nghĩa vì mạng XH này chưa bao giờ chiếm được 1% thị phần. Một vài tờ báo cho rằng Yahoo! muốn thay Y!360 bằng Mash nhưng rõ ràng Mash không dành cho dân amateur. Đây là một trang mash-up, tức là hướng tới việc dùng lại các dịch vụ từ các trang web khác và việc tạo ra các mash-up đòi hỏi trình độ khá cao về web. Còn mảng mạng xã hội có thể sẽ được Yahoo! chuyển giao cho một dịch vụ mới có tên là KickStart - một mạng dành cho các sinh viên và cựu sinh viên tương tự Facebook trước đây.

Lang thang qua các trang cá nhân trong Y!360, từ các trang nổi tiếng cogaidolong, Dâu Tây (Joe), Hà Kin tới các blog của nhà thơ Đỗ Trung Quân hay nhạc sĩ Tuấn Khanh và của nhiều bạn khác, là việc rất thú vị. Tôi rút ra được rắng Y!360 đã làm cho khái niệm mạng XH trở nên quen thuộc với người Việt và tạo thói quen viết lách thể hiện mình. Việc Y!360 đóng cửa là một cú sốc với người dùng Việt Nam nhưng đây lại là cơ hội cho các mạng XH và blog nội địa khác.

Ưu: Phổ biến, dễ dùng, tích hợp với Yahoo!IM. Có số lượng người dùng vượt trội tại Việt Nam.

Khuyết: Kém về khả năng tùy biến. Mảng mạng xã hội chưa đầy đủ chức năng. Sắp đóng cửa.

Điểm: 3,5/5

VietSpace

Mạng XH VietSpace không gây nhiều thiện cảm với tôi ở cái nhìn đầu tiên. Cá nhân tôi không thích những website dùng màu sắc thiếu thống nhất và thiết kế UI không cẩn thận. Có vẻ Vietspace muốn hướng tới lứa tuổi teen bằng bảng màu sặc sỡ, tuy nhiên theo tôi dù tuổi teen thích các tone màu sáng, sống động nhưng cũng cần hài hòa hơn.

Khi tôi đang viết các dòng này (1:20 PM ngày 07/11/2007) thì hầu hết các link từ trang chủ của Vietspace không hoạt động (Runtime Error). Các lần truy cập trước cũng khá chậm. Tôi e rằng họ có một chút vấn đề khi lựa chọn nền tảng kỹ thuật (DotNetNuke) cho một mạng xã hội vốn đòi hỏi cao về năng lực xử lý và thời gian đáp ứng.

VietSpace cho phép bạn thêm vào không gian của bạn nhiều module với các chức năng khác nhau, giao diện cũng có thể tùy biến ở mức tương đối cao. Tuy nhiên do hạn chế về mặt thiết kế nên hiếm khi bạn tạo được một giao diện cân đối. Việc đưa các module vào cũng khá phức tạp và dễ gây lỗi. Theo tôi, VietSpace sẽ phải làm nhiều việc để có một nền tảng ổn định và chuyên nghiệp hơn.

Ưu: Ra đời sớm, dễ tùy biến.

Khuyết: Thiết kế xấu. Nhiều lỗi, chưa hoàn chỉnh về mặt công nghệ.

Điểm: 2,5/5

YoBanBe

Trái ngược với VietSpace, YoBanBe (nếu tôi không nhầm, đây là một trong những web của VinaGame) thể hiện một bộ mặt chuyên nghiêp về thiết kế với nền tone màu xanh lá cây, các đường nét nhã nhặn. Tốc độ và tính ổn định của các chức năng rất tốt chứng tỏ có sự đầu tư sâu về công nghệ.

YoBanBe khá giống với Yahoo!360 về mặt bố cục, chức năng và kết quả là khả năng tùy biến giao diện cũng bị hạn chế như Y!360 nếu không nói là hạn chế hơn. Cũng như Y!360, hầu hết các trang cá nhân trên YoBanBe đều tập chung vào chức năng Blog. Ngoài ra bạn có thể tạo một thư viện ảnh, tham gia vào các CLB theo các chủ đề. Một chức năng mới thú vị hơn cả là phần “Âm Nhạc”, bạn có thể nghe (đương nhiên rồi), bình luận, đánh giá các bài nhạc; tạo và lưu các playlist cho riêng mình.

Nói chung, tôi cảm thấy khá dễ chịu khi dùng mạng xã hội này. Các chức năng không quá rườm rà và rất hợp với cách sử dụng mạng XH của người Việt tức là nhiều tính tự sự hơn việc dùng để mở rộng quan hệ. Theo tôi đây là ứng viên số 1 có thể thay thế Y!360 khi mạng này đóng cửa nếu biết tranh thủ thời cơ.

Ưu: Thiết kế tốt, chức năng tốt. Phù hợp với cách sử dụng của người Việt.

Khuyết: Hạn chế khả năng tùy biến. Quá giống Y!360 nên không tạo dấu ấn riêng.

Điểm: 4/5

CyWorld

Tôi được giới thiệu về CyWorld ngay trước khi mạng này có bản tiếng Việt. Đây là một mạng XH rất thành công của Hàn Quốc. Thực tế, nó gần giống như một xã hội ảo trong đó mỗi người có một đại diện của mình (gọi là Minime) trong thế giới CyWorld. Bạn sẽ phải chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất cho nhân vật ảo của mình như mua sắm đồ, tạo các quan hệ hàng xóm láng giềng… Phải nói là các nhân vật trong CyWorld trông khá teen theo kiểu avatar hoạt hình đậm chất Hàn Quốc.

Hầu hết hoạt động sẽ diễn ra ở các căn nhà (Minihome) hay căn phòng (Miniroom) nơi bạn có thể trang trí, viết nhật ký, tạo album hình… rồi mời hàng xóm tới chơi, tán gẫu, bình luận… Đương nhiên bạn cũng có thể tới thăm các hàng xóm của mình. Tôi đoán là bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian (và có thể cả tiền bạc) cho thế giới này không kém chơi game online.

CyWorld có một hệ thống kinh tế riêng, bạn sẽ cần các hạt dẻ để có thể trang bị các đồ đạc cho căn nhà của mình hay quần áo, giày dép cho nhân vật ảo. Ban đầu bạn sẽ được tặng 200 hạt dẻ, còn sau khi tiêu hết thì bạn cần mua thẻ nạp.

Nói chung đây là một mạng XH đã được thử thách cả về mắt công nghệ lẫn ý tưởng. Vấn đề duy nhất là liệu bạn có thích kiểu xã hội này hay không?

Ưu: Giống như một xã hội ảo và hoạt động gần như game online.

Khuyết: Kiều XH ảo này còn khá xa lạ với người Việt.

Điểm: 4,5/5

CyVee

CyVee thoạt nhìn khá giống Digg ở chức năng chia sẻ, đánh giá các bài viết hay (và đôi khi không hay lắm) và giống Yahoo!Anwser ở phần hỏi đáp cộng đồng. Chỉ sau khi bạn đăng ký tài khoản thì mảng mạng XH mới hiện diện rõ ràng.

Bạn sẽ thắc mắc vì cái tên khá lạ tai này, CyVee là cách phiên âm của CV (Curriculum Vitae - Sơ yếu lý lịch). Đúng như cái tên của nó, bạn cần tạo một lý lịch đầy đủ rồi tìm kiếm những đồng nghiệp, bạn học cùng trường để tạo nên một mạng luới nhắm giúp đỡ bạn trong con đường học tập, nghề nghiệp. Đây là một LinkedIn của Việt Nam.

Tôi khá ấn tượng với các chức năng tạo hồ sơ của mạng này. Kinh nghiệm, học vấn, sở thích, thông tin cá nhân là những cái bạn cần đưa vào để hồ sơ của mình đạt 100% mức độ hoàn chỉnh. Một thanh chỉ thị sẽ cho bạn biết mức độ hoàn thành của hồ sơ là bao nhiều phần trăm.

Bạn có thể tạo hoặc tham gia các hội, nhóm theo chủ đề như “Nhóm phát triển web”, “Hội đồng hương miền Trung”… Nếu muốn tham gia nhóm “Web 2.0 Vietnam” thì bạn có thể vào đây.

Có thể thấy CyVee hướng vào đối tượng khác hẳn so với VietSpace hay YoBanBe. Những người tham gia mạng XH này sẽ phải tích cực giao tiếp với các thành viên khác hơn khi cần các lời khuyên hay hướng dẫn trong công việc. Nhìn chung họ thường là những người chuyên nghiệp muốn dùng web như một nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập các mối quan hệ nghề nghiệp.

Ưu: Giao diện sáng sủa, chức năng khá tốt. Mạng liên kết nghề nghiệp đầu tiên mà tôi biết ở Việt Nam.

Khuyết: Có nhiều chức năng khác nhau nên chưa nêu bật mảng mạng XH.

Điểm: 4/5

Tổng kết

Mới chỉ hơn một năm, Web 2.0 tại Việt Nam đã phát triển từ chỗ gần như không có gì thành một nền tảng đầy sức sống. Cả các công ty nước ngoài và nội địa đều liên tục đưa ra các các dịch vụ web thế hệ mới nhắm tới người dùng Việt Nam. Bao quát hết các trang Web 2.0 Việt Nam không còn là một công việc dễ dàng.Ngay trong mảng mạng xã hội, các bạn cũng có thể thấy sự đa dạng của các loại hình và các đối tượng mà các trang web này nhắm tới. Trong khi Y!360, VietSpace, YoBanBe cung cấp việc tạo các trang cá nhân và blog theo kiểu truyền thống thì CyWorld là một xã hội ảo còn CyVee lại hướng tới người dùng chuyên nghiệp. Tất cả đang tạo nên một sân chơi mới, một trào lưu mới cho người dùng web tại Việt Nam.

Điều đáng tiếc nhất là chưa mạng nào cung cấp các API để phát triển các ứng dụng như Facebook và gần đây là Google, MySpace vừa làm. Hy vọng một các mạng XH của Việt Nam sẽ vươn lên tầm cao mới trong lần tổng kết sau.

Lưu ý lần nữa, đây là các đánh giá riêng của cá nhân tôi, các bạn có thể đồng ý hoặc không. Xin lưu lại comment của bạn và xin cho tôi biết các mạng XH khác chưa được đánh giá trong bài này. Cảm ơn.

Hồng Quang (web2vietnam)




Bình luận

  • TTCN (3)
Hải Nam  30903

Bài này tác giả viết cách đây gần 3 tuần nên chưa cập nhật được tình hình của yobanbe (màn PR của Zing) và đối thủ đầu tiên của cyvee là [b]Faceviet[/b], đang lên rất nhanh (public beta từ hôm 20/11).

Nhưng dù sao cũng là một bài viết hay.

Thu Nga

bài viết hay

Rất cập nhật, rất xúc tích. Mới đây bà con cũng đang nói về sự thoái trào của cyvee vì gần 3 tháng không có thêm nổi 1000 user mới. FaceViet thì có vẻ lên rất nhanh vì tấn công vào các đối tượng học sinh, sinh viên mà lâu ngày bị bỏ quên. À mà cao thủ nào chịu khó viết thêm một bài tổng quát cập nhật đi.

Nemo Nguyen  21665

vietspace hay cyvee hay faceviet gì đi nữa đều dùng mô hình của mấy mạng XH nổi tiếng để dựa hơi... Chẳng chịu sáng tạo ra cái gì mới, phù hợp hơn với người VN thì thành công vẫn còn xa lắm lắm...