Theo đánh giá của VCCI, chỉ có 46% doanh nghiệp sử dụng e-mail trong công việc, hơn 50% không dùng phần mềm quản lí nhân sự, tiền lương, quản lí bán hàng… và chỉ có khoảng 20% có website riêng.

Tại hội thảo “Ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TT&TT tổ chức ngày 22/3, ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI) cho biết: Tính đến cuối tháng 10/2010, tại Việt Nam có khoảng 520.000 doanh nghiệp đã đăng kí kinh doanh (TP. HCM trên 120.000, Hà Nội 90.000, Hải Phòng khoảng 17.000…) – chiếm tới 95% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Và theo đánh giá của VCCI (dựa theo Chỉ số ứng dụng CNTT-TT do VCCI công bố năm 2010), thì chỉ có 46% doanh nghiệp sử dụng e-mail trong công việc, hơn 50% cho rằng không có nhu cầu dùng phần mềm quản lí nhân sự, tiền lương cũng như phần mềm quản lí bán hàng… Ngoài ra, khoảng 20% có website riêng (chủ yếu để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ qua mạng), phần lớn vẫn dè dặt với thương mại điện tử vì cho rằng chưa phải là thời điểm để mua bán qua mạng…

Ông Lợi nhấn mạnh: Một trong những hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là nguồn lực yếu cả về tài chính cũng như nhân lực, đặc biệt là ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp. Đồng quan điểm, bà Christine Zhenwei Qiang – Trưởng bộ phận Kinh tế CNTT của Ngân hàng Thế giới khẳng định: Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn còn ứng dụng chậm chạp, chủ yếu vẫn dùng điện thoại, fax và ứng dụng phần mềm quản lí đơn giản. Nhiều chủ doanh nghiệp không quen với việc điều hành máy tính, cho rằng CNTT chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp của họ thì có thể điều hành, giao dịch thủ công.

Tuy nhiên, bà Zhenwei Qiang cũng cho rằng một nguyên nhân cũng khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được với CNTT cũng do xuất phát từ phía các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, giải pháp CNTT. Các công ty này thường nhắm đến doanh nghiệp lớn – những khách hàng tiềm năng có khả năng chi trả số tiền lớn cho các dịch vụ CNTT phức tạp, thiếu giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Zhenwei Qiang cũng lưu ý đến cách phổ biến nhất để các chính phủ khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng CNTT chính là thông qua các hội thảo, hội nghị đào tạo, nhấn mạnh đến những lợi ích mà doanh nghiệp có thể đạt được khi ứng dụng CNTT, để các nhà quản lí doanh nghiệp có thể xác định được chiến lược tổng thể cho công ty. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, giải pháp CNTT cũng cần chú ý đến đối tượng này, tung ra các chương trình ưu đãi để kích thích ứng dụng.

“Các doanh nghiệp cần phải xem xét hệ thống CNTT là một phần của hạ tầng, cần lựa chọn mô hình ứng dụng phù hợp để trang bị máy tính, phần mềm văn phòng, kết nối Internet, lập website quảng bá thương hiệu... , để dần tiến tới ứng dụng cao hơn như phần mềm quản trị dịch vụ khách hàng, sử dụng chứng thư điện tử, lập web bán lẻ trực tuyến… Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động hạn chế bị gián đoạn cũng cần quan tâm tới ứng dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”, ông Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)