Hiện nay, để phục vụ cho nhu cầu mở rộng và phát triển của các mạng điện thoại di động, nhằm tránh hiện tượng nghẽn mạng, các nhà cung cấp dịch vụ liên tục cho xây thêm các trạm thu phát sóng (BTS). Đặc điểm của các trạm này là có thiết kế ngày càng nhỏ gọn để có thể đặt ở các khu dân cư cho tiện lợi. Việc tính toán và lựa chọn vị trí lắp đặt BTS phải đảm bảo nhiều điều kiện về độ cao, vị trí cần phủ sóng...
Lưu ý là bức xạ từ BTS hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe khi các BTS phát sóng đúng với công suất cho phép, điều này đã được rất nhiều tổ chức xác nhận. Bài viết này chỉ có ý nghĩa nếu các nhà quản lí mạng điều chỉnh BTS phát sóng ở mức công suất cao hơn quy định.
Bài viết sẽ không bàn về những khía cạnh kỹ thuật của việc lựa chọn vị trí đặt BTS ở đây, thay vào đó tôi sẽ bàn đến những ảnh hưởng mà các bạn phải chịu khi "được" một nhà cung cấp nào đó lựa chọn làm vị trí đặt anten hay nhà bạn đang ở trong hoàn cảnh bị 2 - 3 BTS "bủa vây" xung quanh.
1. Bạn sẽ làm gì khi "được" lựa chọn ?
Sau khi tính toán các thông số kỹ thuật, nhà cung cấp sẽ cử nhân viên đến liên hệ với chủ nhà. Mục đích của họ là xin phép được dựng một cột anten trên nóc nhà, xin thuê thêm một phòng trong nhà làm vị trí đặt các máy móc phụ trợ khác với một số tiền thuê không nhỏ và một thời hạn thuê được ký trước là khoảng 5 năm.
Tất nhiên điều mà gia chủ lo lắng đầu tiên sẽ là mức độ ảnh hưởng của anten phát sóng đến sức khỏe trước hết của những người trong gia đình sau đó là của những người hàng xóm (vì tất nhiên nếu họ kiện cáo lôi thôi thì gia đình cũng chẳng thích thú gì).
Các nhân viên đã được huấn luyện sẽ trả lời các bạn rất thành thục về mức độ ảnh hưởng này. Theo họ, tất cả các BTS đều được phát với một công suất cho phép theo các chuẩn viễn thông quốc tế. Nếu có hộ hàng xóm nào có muốn thưa kiện thì cũng rất khó họ sẵn sàng đưa ra các kết quả đo đạc để kiểm chứng (tất nhiên là việc thay đổi công suất phát sóng tại thời điểm đo được thực hiện rất dễ dàng ở các BSC - các trung tâm quản lý BTS).
Thế liệu sóng có gây ảnh hưởng gì thực sự nghiêm trọng tới sức khỏe không? Tất nhiên nếu bạn chỉ nghe máy điện thoại trong vòng vài phút, hay thỉnh thoảng đi ngang qua các trạm phát sóng trên đường đến công sở thì gần như vô hại. Tuy nhiên nếu 1 ngày 24 giờ, trong 5 năm liền bạn phải tiếp xúc với một sóng điện từ có công suất kha khá thì là một chuyện khác.
Như các loại sóng điện từ khác (sóng dùng trong lò vi ba, sóng ánh sáng), sóng di động có khả năng làm nóng các tế bào của các tổ chức sống. Nếu phải chịu đựng trong một thời gian dài, nó sẽ có thể tạo ra một lượng nhiệt khá lớn để gây hại cho các tế bào này. Trong cơ thể con người, có rất nhiều loại tế bào không hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ cao, thậm chí nếu nhiệt độ tăng lên quá cao, nó sẽ có phản ứng giống như cơ thể bị một cơn sốt.
Ngoài ra, các hệ thống máy móc phụ trợ đặt trong nhà và cột anten cao từ 8 - 12 m (tùy thuộc vào độ cao của ngôi nhà) có thể gây các ảnh hưởng về cấu trúc, thẩm mỹ, tiếng ồn, bức xạ đến ngôi nhà.
Như vậy, hiển nhiên là chúng ta sẽ có rất nhiều người không chấp nhận đùa với sức khỏe của mình cũng như ngôi nhà mình thậm chí với cả một cái giá khá cao.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người hàng xóm của chúng ta cũng nghĩ như vậy. Khi đã lựa chọn được một vị trí lắp đặt BTS, gần như chắc chắn các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tìm cách đặt bằng được trạm ở vị trí này hoặc các vị trí gần xung quanh để đảm bảo các đặc tính kỹ thuật. Như vậy, nếu ta không chấp nhận cho họ đặt trên nhà mình, họ sẽ tiếp cận các hộ xung quanh. Tốt nhất, trước khi từ chối ta nên thảo luận và thống nhất với các hộ xung quanh để tránh tình trạng đằng nào cũng phải chịu ảnh hưởng.
Kể cả ta đã làm như vậy thì cũng chưa có gì đảm bảo sẽ không một hộ hàng xóm nào đó bị các nhà cung cấp dỗ ngon ngọt để cho họ dựng trạm.
2. Như vậy thì có cách nào giải quyết tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" này ?
Các BTS hiện nay hầu như đều dùng các loại anten dải quạt, nghĩa là thay vì phát sóng theo 1 khối cầu (giống như anten truyền hình) thì BTS sẽ có 3 dải quạt sóng, nhắm đến 3 hướng mà nhà cung cấp muốn phục vụ. Nhìn hướng và góc ngẩng của các anten nhỏ trên cột anten của BTS, ta có thể đoán được phần nào mức độ ảnh hưởng của nó đến nhà mình.
Một đặc tính quan trọng nữa của sóng di động là nó không xuyên qua được tường, kính, gỗ mà bị phản xạ, khúc xạ, tán xạ hoặc hấp thụ bởi các vật liệu này. Như vậy, khi bạn đứng trong nhà nói chuyện bằng di động, thường là bạn sử dụng sóng phản xạ để truyền tin. Điều này cũng có nghĩa là, tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các sóng phản xạ. Ngoài ra, thường các ngôi nhà trong thành phố hiện nay sẽ được bố trí sân thượng để phơi quần áo, khi lên đó sinh hoạt thì bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng từ anten BTS nhà kế bên.
Tuy nhiên, rất may mắn là sóng điện từ nói chung phải chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “lồng Faraday”. Đây là một chiếc lồng kim loại với mắt lồng có đường kính nhỏ hơn bước sóng. Hay nếu suy nghĩ hơi ngược lại một chút, ta có thể bảo vệ ngôi nhà mình khỏi sự xâm nhập của sóng bằng cách phủ ra ngoài một cái lồng sắt có kích thước mắt lồng nhỏ hơn bước sóng.
Bước sóng (khoảng cách sóng di chuyển được trong không gian trong thời gian 1 chu kỳ) được tính bằng tích số giữa tốc độ sóng (bằng tốc độ ánh sáng) với chu kỳ sóng (nghịch đảo của tần số).
Ta đã biết tốc độ ánh sáng là {moslatex}3 \times 10^8{/moslatex} m/s. Tần số sóng thì ta phải xem cái BTS đó sử dụng dải tần nào.
Hiện nay mạng di động ở Việt Nam (và các nước khác trên thế giới) đều sử dụng 2 công nghệ chính là GSM và CDMA.
VinaPhone, MobiFone, Viettel là các nhà cung cấp dịch vụ GSM. Họ dùng 2 dải sóng (1 dải để máy điện thoại phát sóng lên, 1 dải để BTS phát sóng xuống). Ta sẽ phải chịu ảnh hưởng chính của dải xuống. Tần số sóng xuống hiện dùng của GSM là tầm 1800 MHz, như vậy ta cần mắt lồng nhỏ hơn 3/18 (m)= 16 cm.
S-Fone, EVN, HT-Mobile lại sử dụng công nghệ CDMA. Công nghệ này cũng dùng 2 dải sóng, chiều xuống sử dụng dải tần khoảng 450 MHz (EVN) và 800MHz (EVN, HT-Mobile). Như vậy, tùy từng loại mà ta sẽ dùng các loại lồng có kích thước mắt lồng nhỏ hơn 66 cm (450 MHz) hoặc 37,5 cm (800 MHz).
3. Cách thức chế tạo "lồng Faraday" như thế nào là hợp lý và kinh tế ?
Tuy nhiên, như tôi đã trình bày thì cũng không nhất thiết phải phủ toàn bộ ngôi nhà vì tường, gỗ, kính đã là những trợ thủ khá tốt tồi. Ta chỉ cần phủ cửa sổ, ban công, sân thượng...
Hiện nay trên thị trường có bán một loại lưới chống muỗi bằng kim loại có kích thước mắt lưới rất phù hợp với mục đích của ta, ta có thể mua về dùng, một công đôi ba việc.
Tuy không thể loại 100% sóng vào nhà do khó có thể phủ kín căn nhà bằng lưới kim loại. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng của bức xạ sóng điẹn từ đến sức khỏe của các hộ nằm gần cột phát sóng BTS.
4. Thông tin bổ sung
Một số thông tin bổ sung sau có thể có ích cho những người có trách nhiệm xây dựng mạng cũng như những người đang phải chịu ảnh hưởng sóng điện từ của những cột anten BTS xung quanh.
1. Lồng Faraday
http://en.wikipedia.org/wiki/Faraday_cage
2. Chống ảnh hưởng sóng điện từ
http://en.wikipedia.org/wiki/Electromagnetic_shielding
3. Dịch vụ đo đạc bức xạ điện từ tại nhà
Mạng ĐTDĐ ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh với nhiều trạm thu phát vô tuyến, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Để đảm bảo sức khỏe, các tổ chức quốc tế và Việt Nam đã qui định về công suất và bức xạ vô tuyến. Có một số dịch vụ đo đạc mức bức xạ này.
4. Phát sóng vượt quá công suất quy định trong giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng thì bị xử lý như thế nào ?
Theo điểm h, e và điểm b khoản 2, 8 và khoản 10 điều 17 Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về Bưu chính, Viễn thông và tần số vô tuyến điện quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi phát sóng vượt quá công suất quy định trong Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thì bị xử lý như sau:- Phạt tiền từ 200.000đ đến 1.000.000 đồng trên một thiết bị phát sóng đối với hành vi phát vượt quá công suất quy định trong giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đối với thiết bị phát sóng có công suất dưới 5 KW (điểm h khoản 2 điều 17);
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi phát vượt quá công suất quy định trong Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đối với thiết bị phát sóng có công suất từ 5 KW trở lên (điểm e, b khoản 8, 10 điều 17).
5. Quy định của Việt Nam về an toàn bức xạ
Xem TCVN 3718-1:2005.
Anh Ngọc
Bình luận
Thế làm lồng faraday thì những máy di động trong nhà hoạt động thế nào nhỉ? ;D
không chắn được hết tất cả sóng đâu, luôn còn 1 lượng nhỏ chui vào nhà được, và máy di động thì chỉ cần có thế.