Cộng đồng mạng Việt Nam và thế giới đang cùng chung tay góp sức giúp đỡ các nạn nhân trong trận động đất, sóng thần tại Nhật
Trên YouTube hiện nay, người dân khắp thế giới đang làm những clip có ý nghĩa cầu chúc nước Nhật sẽ nhanh chóng vượt qua tai nạn và khôi phục lại xã hội thịnh vượng. Tại Nhật, người dân liên tục upload các video tại nơi mình sống để hi vọng tìm người thân. Các hãng truyền hình Nhật giúp phát sóng các video này và nhiều trường hợp người thân đã tìm lại được nhau nhờ các video trên.
Mạng xã hội Việt Nam
Tại Việt Nam, trên nhiều trang Facebook, các công dân mạng đã đăng những status với ý nghĩa cầu nguyện cho nước Nhật hoặc động viên nước Nhật hãy tiếp tục đứng lên mạnh mẽ. Tr. , học sinh lớp 11 trường phổ thông N. K. (TPHCM), cho hay xem TV thấy cảnh những bạn đồng trang lứa với mình co ro trong trời lạnh, những em bé gương mặt hồn nhiên nhưng run người vì đói hay các cụ già thẫn thờ với ánh mắt vô thần, Tr. muốn khóc nhưng không biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện cho mọi người ở Nhật mau chóng tai qua nạn khỏi.
Đồng suy nghĩ với Tr. , các facebooker Việt Nam hiện nay đang kêu gọi cùng nhau đăng khẩu hiệu “Pray for Japan” (cầu nguyện cho nước Nhật) để tỏ lòng đoàn kết với những người dân đang gặp nạn. Không những thế, phong trào này còn tiếp tục lan qua nhiều mạng xã hội khác với sự tự nguyện hoàn toàn. Trên Yahoo! Messenger có các nhóm thành viên đồng loạt đặt avatar “Pray for Japan” và truyền tin nhắn cho nhau về việc tham gia ủng hộ từ thiện cho Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Trên Multiply, Opera, Facebook và nhiều mạng xã hội khác, các blogger cũng không ngừng cổ vũ cho việc đóng góp từ thiện giúp đỡ người dân Nhật.
Một số mạng xã hội tại Việt Nam đã lên chiến dịch mỗi người góp một ngày tiền đổ xăng, ăn sáng, đi chơi... để giúp đỡ cho người Nhật và nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người. Nhiều tờ báo mạng, diễn đàn, forum... cũng kêu gọi độc giả, thành viên quyên góp cứu trợ người dân Nhật. Theo ghi nhận của chúng tôi về số tiền mà các công dân mạng đóng góp thông qua các tờ báo online, các diễn đàn, blog... đã lên trên 2 tỉ đồng.
Các hãng công nghệ
Các đại gia công nghệ cũng rất tích cực trong việc ủng hộ cho người bị nạn tại Nhật. Đi đầu là Google khi hãng cung cấp ngay lập tức dịch vụ Person Finder, cho phép tìm kiếm thông tin về các nạn nhân và người mất tích, thông báo thông tin về người mất tích hoặc thông tin về những người được tìm thấy...
Tương tự như thế, trang web Wikipedia đã mở một trang riêng để cập nhật danh sách những người chết, bị tai nạn hoặc tìm người thân do chính các nạn nhân của Nhật Bản cập nhật thông tin trực tiếp.
Apple thông báo lập một gian hàng đặc biệt trên iTunes và hứa sẽ ủng hộ toàn bộ tiền thu được từ gian hàng này cho các nạn nhân bị nạn thông qua hội chữ thập đỏ. Không những thế, trong gian hàng trên còn có những nút bấm có giá trị từ 5-100 USD và người dùng có thể ủng hộ thêm bằng cách nhấn chọn lên những nút này. Số tiền sẽ được trích trực tiếp từ số tiền trong tài khoản App store của người sử dụng các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, máy tính Mac.
Trong khi đó, Microsoft đã nhanh chóng đăng tải một thông điệp nhỏ trên Twitter của tài khoản công cụ tìm kiếm Bing của mình thông báo sẽ ủng hộ 100.000 USD cho các nạn nhân và hứa sẽ ủng hộ thêm 1 USD cho mỗi người chuyển tiếp lại thông điệp của Microsoft trên Twitter của họ. Tuy thế, công dân mạng đã lên tiếng phản đối dữ dội cách làm trên nên Microsoft đã nhanh chóng rút lại đoạn thông điệp trên.
Giới nghệ sĩ
Hàng loạt nghệ sĩ thành danh trên mạng, nhất là YouTube cũng đã thông báo sẽ ủng hộ từ thiện tiền bán vé từ các buổi biểu diễn của mình. Lady Gaga tuyên bố sẽ tổ chức một show và dùng toàn bộ tiền bán vé thu được để giúp người dân Nhật. Các ngôi sao phim tại Hollywood cũng thông báo ủng hộ tiền, trong đó có nhiều nghệ sĩ ủng hộ tới cả triệu USD.
Những kẻ lợi dụng
Tuy thế, không phải là không có những kẻ trục lợi từ sự kiện tang thương này. Mới đây, Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp Hoa Kì (US-CERT) đã cảnh báo người dùng máy tính về những hiểm họa từ trên mạng của các hacker bọc lót sự kiện trên. Các cuộc tấn công có thể đến theo nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất thường là email. Nhiều email sẽ được gửi đến cho mọi người trên khắp thế giới để kêu gọi quyên góp tiền để ủng hộ các nạn nhân cho những tổ chức từ thiện giả trong thời gian sắp tới. US-CERT nhận định và khuyên người dùng cần thận trọng trước “những email lừa đảo trá hình” dạng này vì “email lừa đảo có thể chứa các đường link hay tập tin đính kèm để lừa người dùng” lấy cắp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng.
Cũng theo US-CERT, nguy cơ xuất hiện các phần mềm diệt virus giả mạo cũng rất cao và chúng có thể xuất hiện ở dưới dạng cửa sổ pop-up có cảnh báo an toàn và hỏi người dùng thông tin thẻ tín dụng. Nhiều trang web phishing hoặc chứa các phần mềm độc hại kêu gọi ủng hộ nạn nhân bị nạn có thể sẽ phát triển mạnh để khai thác tối đa lòng trắc ẩn của con người. Hãy cẩn thận khi làm từ thiện trên mạng, tốt nhất là đến một tổ chức cụ thể nào đó để đảm bảo an toàn, một chuyên gia tại US-CERT nhận định.
Theo Thế giới @
Bình luận