Các mặt hàng tại “chợ cóc” điện tử rất đa dạng và đặc biệt là rất rẻ.

30 nghìn đồng cho một chiếc bàn phím, 600 nghìn cho một máy ảnh 14 “chấm”, hay 700 nghìn cho chiếc điện thoại N72… là mức giá mà người ta thường gặp ở "chợ cóc" điện tử trên đường Đê La Thành (Hà Nội).

Cái gì cũng có

Như đã thành thông lệ, cứ 17h hàng ngày “chợ cóc” điện tử này bắt đầu hoạt động. Vài tấm bạt, một chiếc giát giường hay chỉ… là một chiếc xe đạp, xe máy đã trở thành mặt bằng buôn bán, kiếm sống của vô khối “chủ shop” tại đây. Điều đặc biệt là “chợ cóc” này xê dịch địa điểm bán buôn theo thời gian. 17h chợ “họp” trên phố Nguyễn Phúc Lai với la liệt các mặt hàng bày trên xe đạp, xe máy. Đến hơn 19h, chợ đã dịch hẳn ra phía dốc phố Nguyễn Phúc Lai giao với phố Đê La Thành và có thêm nhiều mặt hàng, bất cứ thứ gì chạy bằng điện, dù cũ - hỏng hay thậm chí là “nát bét” đều được trưng ra.

Tại chợ cóc này, đồ bán thường chủ yếu là các đồ điện tử đã cũ: đầu đĩa, tivi, bộ loa hay là vài chục con chuột quang, dăm cái điện thoại cũ, điều khiển tivi được bọc trong một túi bóng lủng lẳng treo trên xe. Đôi lúc cũng có những chiếc tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, màn hình lẫn các CPU được cẩn thận chở trên xe ba bánh đem ra bày bán.

Các “cửa hàng di động” đứng chỉ cách nhau có vài bước chân, và không khí luôn trong tình trạng ồn ào, hỗn loạn mỗi khi xuất hiện thêm những “cửa hàng di động” khác. Khách đến mua hàng đa phần là những người chuyên mua đồ cũ về "tút tát" bán lại hay là chọn những đồ còn có thể lấy được linh kiện để sửa chữa đồ điện tử. Nếu may mắn thì khách hàng cũng có thể chọn được sản phẩm còn khá mới đem về nhà dùng.

Khi ngắm hàng, ai cũng ngầm hiểu với nhau rằng đa phần hàng hóa ở đây đều là hàng “chôm chỉa”. Bởi, bên cạnh khoảng 70% mặt hàng là đồ cũ thì còn có 30% là đồ mới cứng, vẫn còn dán tem, mác hoặc đồ vật đã dùng nhưng lại không có một “tì vết”, thậm chí tem bảo hành trên hàng vẫn chưa tới ngày hết hạn.

Mặt tiền tuy nhỏ nhưng lượng người “bu” quanh các quầy hàng di động lại khá đông. Chen lấn xô đẩy mãi tôi mới tiếp cận được con chuột cần mua. Ông chủ hàng vừa liếc mắt dò xét khách vừa tuyên bố: “Hàng mới cóng loại xịn, 70 nghìn đồng”. Tôi cũng không kém, mặc cả: “15 nghìn đồng thì mua, không đi hàng khác”. Tần ngần một lúc ông chủ hàng cũng bán cho tôi với giá đó.

Đi thêm 5 bước chân, “hàng” điện thoại di động, máy nghe nhạc, tai nghe… cũng tấp nập không kém. Ai cũng nhanh nhẹn nhặt nhặt và trả giá những hàng cần mua rồi nhường chỗ cho người khác. Cứ như vậy, “chợ” họp tới 22h rồi mới tan hẳn.

Giá cả "trên trời, dưới đất"

Có thể thấy "chợ" điện tử vốn có đủ các loại mặt hàng… “thượng vàng hạ cám” nên giá cả cũng “trời ơi đất hỡi” nhưng cũng có những cửa hàng niêm yết sẵn giá theo từng mặt hàng: 15 nghìn đồng với 1 chiếc sạc pin điện thoại, chuột quang không dây; 30 nghìn đồng với đèn bàn, bàn phím vi tính; 100 nghìn đồng cho máy nghe nhạc MP3, MP4…

Mọi người đang mải mê mua hàng thì bất chợt có một thanh niên “phi” luôn cả xe vào một cửa hàng bất chấp xung quanh người đã “quây” chật cứng để cố lấy cho bằng được chiếc màn hình tinh thể lỏng có giá 170 nghìn đã trả giá từ trước nhưng vì chưa ưng nên cố lượn lờ thêm ít vòng để tham khảo giá. Đang choáng vì cảnh tượng đó thì tôi giật mình bởi tiếng đánh “cộp” phát ra từ cửa hàng điện thoại bên cạnh. Hóa ra, cô chủ cửa hàng đang “thả” chiếc điện thoại xuống sạp để thử… độ bền cho khách hàng. “Đấy! Rơi thế mà bật lên máy chạy vẫn ngon lành! Lấy đi, để rẻ cho “lít rưỡi”. Có gì lần sau lại qua chị. Toàn hàng được lấy từ nguồn đảm bảo thôi”. Kèm theo lời nói là một cái nháy mắt “tế nhị”.

Xa hơn một chút, men dọc trên đê, các “cửa hàng” chen chúc nhau. Mỗi cửa hàng tự trang bị cho mình một cây đèn tiết kiệm điện, sang hơn nữa thì có bóng điện kéo dây từ nhà dân ra. Nhưng theo như lời một chủ hàng có thâm niên ở chợ “bật mí”: “Đừng dại mà kéo đèn, đội trật tự phường mà bắt được thì tiền bóng, tiền dây còn quá tiền lời ngày hôm đó”.

Đặc biệt, chỉ cần đứng một chỗ tầm 5 phút thì sẽ có những người lạ “lướt” nhẹ qua thủ thỉ vào tai những câu như: “Em có máy ảnh Canon 14 chấm mới cứng, còn tem bảo hành, giá mềm chỉ 1 triệu đồng”. Tò mò tôi gật đầu và được dẫn đến 1 đoạn tối hơn, chủ hàng lôi nhanh từ trong túi ra chiếc máy Canon màu bạc. Ngắm nghía một lúc tôi trả giá 500 nghìn. Chủ hàng đòi thêm 100 nghìn đồng thấy tôi không chịu liền “lách” vào đám đông mất hút.

Hàng hóa ở đây tuy nhiều nhưng khách mua phải tinh mắt, nhanh tay, nhanh miệng trả giá may ra mới chọn được cho mình một sản phẩm ưng ý. Những chiếc điện thoại không cũ thì vỏ cũng bị vỡ nham nhở, dây sạc điện thoại bị chuột gặm, hay cả những chiếc quạt điện cánh và thân mỗi thứ mỗi nơi trên tấm bạt nilon... “Có lần cái sạc điện thoại của em dở chứng thế nào cắm lại không vào. Em ra đây rinh tạm 1 cái về dùng tạm, có 15 nghìn mà dùng cũng bền lắm chị, được hơn 1 năm rồi đó. Bây giờ thiếu cái gì em cũng qua đây lượn 1 vòng là có ngay”, Hùng, sinh viên Đại học Văn hóa kể.

Theo như đánh giá của “dân sành” chợ thì giá các sản phẩm chưa hết hạn bảo hành ở đây chỉ bằng ½ giá cả đồ mới bán ngoài thị trường, còn đối với sản phẩm cũ khéo mua khéo chọn đôi khi lại như “cho không”. Bởi vì thế, càng ngày chợ càng “phình to” và thu hút được đông đảo khách hàng đồng nghĩa với việc tuyến đường này luôn trong tình trạng ách tắc giao thông. Để "chợ cóc" tồn tại và hoạt động trong một thời gian dài, không hiểu chính quyền sở tại có biết, hay cố tình làm ngơ?!

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (3)
Thuongpho.com  5

Bình luận bị ẩn

Nội dung quảng cáo
Hải Nam  30904

Đừng chèn link kiểu này nữa, vô ích lắm.

Hades Demon  266

Phục quả LCD

Chú nào trả giá 170K còn bày đặt lượn xe qua lại để xét giá thì tốn 10K tiền xăng rồi=))
Mua xong con LCD đem đi bán lại kiếm dc vài trăm ngàn ngon lành