Khi giới tài chính phố Wall đặt niềm tin vào mạng xã hội khổng lồ Facebook, các nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng công nghệ Silicon Valley lại đặt cược vào thế hệ dịch vụ mới: đó là các mạng xã hội di động.

Vào thứ Sáu tuần vừa qua, Color, mạng xã hội di động của doanh nhân Việt kiều Bill Nguyễn đã chính thức ra mắt tại Mỹ. Công ty của Bill Nguyễn đã nhận được 41 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu như Sequoia Capital để phát triển Color, mạng xã hội dành cho các điện thoại như iPhone và máy tính bảng. Ý tưởng đằng sau Color là khả năng xác định địa điểm của điện thoại có thể tạo ra một mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ ảnh, phim và tin nhắn dựa trên khoảng cách vật lí gần kề, khoảng 50 mét.

Color chỉ là một trong số nhiều mạng xã hội mới dành cho điện thoại thông minh (smarphone) đang thu hút được rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn. Tương tự Color, nhiều công ty khác cũng coi việc chia sẻ ảnh là tính năng cốt lõi, như Path Inc, được sáng lập bởi Dave Morin, cựu giám đốc Facebook. Vào tháng trước, Path Inc đã nhận được 85 triệu USD từ Quỹ đầu tư Index Ventures và Công ty Kleiner Perkins Caufield & Byers. Công ty này cũng đang thương thảo với Google về khả năng bán lại cho gã khổng lồ tìm kiếm này.

Một công ty chia sẻ ảnh trên di động khác là Instagram cũng được Quỹ đầu tư Benchmark Capital “bơm” 7 triệu USD. Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram cho biết từ khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, dịch vụ của công ty này đã có gần 3 triệu người dùng.

Ảnh
Nhiều nhà đầu tư đang “đặt cược” vào các mạng xã hội di động.

Bên cạnh đó, Yobongo Inc, ứng dụng cho phép người dùng iPhone “chat” với người khác ở gần khoảng cách địa lí, cũng tuyên bố đã nhận được 1,35 triệu USD tiền đầu tư. Trong tháng Một năm nay, dịch vụ nhắn tin nhóm GroupMe thông báo họ đã nhận được 10,6 triệu USD đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Làn sóng đầu tư mạo hiểm vào các mạng xã hội di động non trẻ là dấu hiệu mới nhất của sự bùng nổ kinh doanh web trở lại ở thung lũng công nghệ Silicon Valley. Trong vài tháng gần đây, các nhà đầu tư đã định giá Facebook trên 60 tỉ USD và công ty game xã hội Zynga trên 10 tỉ USD.

Sự nở rộ các dịch vụ mạng xã hội di động gần đây đều dựa trên ý tưởng rằng điện thoại, thiết bị được mang theo người mọi lúc mọi nơi, có thể thay đổi hoàn toàn khái niệm mạng xã hội – là nơi người dùng có thể chia sẻ thông tin trong thời gian thực, có thể chia sẻ những gì họ hoặc thậm chí cả những người xung quanh họ đang chứng kiến.

Điện thoại cung cấp một nền tảng cho các nhà phát triển xây dựng những trải nghiệm mang tính cá nhân hơn, Dave Morin, người sáng lập Path nói. Sự khác biệt và cũng là cơ hội cho các dịch vụ mạng xã hội di động hiện nay là sự phổ biến của smartphone và máy tính bảng.

Sự nở rộ các công ty mạng xã hội di động còn có lí do vì Facebook đang tập trung mạnh vào điện thoại. Facebook, hiện có hơn 200 triệu người dùng trên di động, vừa rồi đã mua lại công ty Snaptu và trước đó đã mua lại dịch vụ chat nhóm Beluga. Trong cả hai thương vụ này, Facebook đều không tiết lộ giá mua. Năm ngoái, Facebook cũng ra mắt dịch vụ check-in cho chép người dùng di động chia sẻ vị trí của họ với bạn bè và cũng có thể tìm thấy dịch vụ hoặc hàng hóa từ các doanh nghiệp gần đó. Công ty này cũng đang nỗ lực tích hợp những tính năng đó vào sâu trong các hệ điều hành, nhằm mục tiêu mở rộng những việc người dùng Facebook có thể làm trên di động.

Một vấn đề được quan tâm hiện nay là các mạng xã hội di động làm thế nào để thu phí. Mô hình kinh doanh của các dịch vụ mạng xã hội di động vẫn trong giai đoạn đang phát triển. Tuy nhiên, Bill Nguyễn cho rằng công ty này có nhiều cách kiếm tiền, có thể là từ quảng cáo hoặc các dịch vụ tiếp thị số. Các doanh nghiệp địa phương ví dụ như các nhà hàng có thể quảng bá hình ảnh về những món ăn nổi tiếng hay các bữa ăn đặc biệt cho những người dùng Color một cách chính xác hơn bởi họ có thể biết được chính xác có bao nhiêu người dùng Color đang ở gần họ.

Theo ICTNews




Bình luận

  • TTCN (0)