Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt phương án cho EVN Telecom bán 49% cổ phần cho FPT. Thế nhưng việc mua bán này vẫn chưa ngã ngũ thì có nguồn tin cho biết, VTC đã nhảy vào “thế chân” FPT.
Sau khi FPT thay tổng giám đốc, một nguồn thạo tin cho hay tập đoàn này đã thay đổi quyết định về việc mua cổ phần của EVN Telecom. Trước đó, ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc FPT từng nói: “Kinh doanh viễn thông tương đối rủi ro và cần độ liều rất cao. Nếu không có đồng thuận cao thì phần lớn là thất bại.”
Theo nguồn tin của Báo Bưu điện Việt Nam, sở dĩ việc mua bán cổ phần EVN Telecom của FPT và EVN chưa có hồi kết bởi hai bên còn vướng mắc trong đàm phán về các khoản nợ của EVN Telecom. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, nếu không tính toán kỹ, rất có thể FPT sẽ “sa lầy” vào thị trường này với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam ngày 31/3/2011, một lãnh đạo của FPT cho hay: “Quá trình thương lượng của FPT để mua cổ phần của EVN Telecom đã diễn ra 6 tháng nay. Tuy nhiên có nhiều biến động nên hiện chúng tôi đang cân nhắc và sẽ có quyết định rất sớm về vấn đề này”.
Có ý kiến cho rằng, nếu FPT đơn phương rút khỏi dự án mua cổ phần của EVN Telecom sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc trước đó. Trả lời câu hỏi về vấn đề này, lãnh đạo của FPT cho biết: “Chúng tôi không nghĩ như vậy bởi bất kỳ hợp đồng nào cũng có nhiều điều khoản. Khi chúng tôi tham gia hay không tham gia sẽ gắn với nhiều điều khoản và quyền lợi. Chúng tôi đã có thỏa thuận mua 60% cổ phần của EVN Telecom nhưng thực tế Nhà nước chỉ cho phép EVN được bán 49% cổ phần của EVN Telecom. Ngay bản thân điều đó cũng đã không đúng với thỏa thuận ban đầu của hai bên. Đó là chưa kể đến các điều khoản khác liên quan đến các thỏa thuận về tài chính thương mại giữa các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận”.
Trong khi việc mua bán này vẫn chưa có hồi kết thì nguồn thạo tin cho biết, VTC đã nhảy vào “thế chân” FPT. Tuy nhiên, mức mua cổ phần của VTC không hoành tráng như FPT mà chỉ khoảng 12%. Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Khả Dân, Phó tổng giám đốc VTC cho biết: “VTC chưa phát ngôn chính thức về vấn đề này”.
Tháng trước, trong buổi làm việc với ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của EVN, ông Lê Khả Dân có đề nghị với EVN để lập công ty liên doanh cùng khai thác hạ tầng của EVN cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc của VTC Digicom (công ty con của VTC) cũng khuyến nghị, EVN không nhất thiết phải kinh doanh viễn thông mà nên tập trung vào thế mạnh là kinh doanh hạ tầng.
Theo ICTnews
Bình luận
Việc FPT rút là có thật. Còn việc VTC thế chân thì giờ mới nghe. Nhưng cũng hợp lý. VTC năm ngoái vừa mới bị thu hồi giấy phép triển khai mảng di động vì sau 2 năm mà không thấy động tĩnh gì, có lẽ đây là cách họ tiếp cận thị trường di động sau khi bị rút giấy phép năm ngoái.
Điều đáng nói là họ sẽ vữ EVN với nền tảng CDMA như thế nào? Khi mà thuê bao chủ yếu của họ là nhân viên trong ngành Điện lực.
VTC cũng mong có giấy phép, nhưng không phải là vì trước đó họ bị thu lại giấy phép, họ cũng có giấy phép cung cấp một số dịch vụ viễn thông rồi
Còn VTC Telecom bị thu giấy phép là 1 cty khác, trực thuộc bộ 4T chứ không liên quan tới Đài VTC